Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Việt Nam hiện có khoảng 700.000 doanh nghiệp nghiệp nhỏ và vừa (SME), chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực tế, tạo ra gần 60% việc làm và đóng góp khoảng 40% GDP quốc gia.
Giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước nhưng khối doanh nghiệp này luôn đối diện với nhiều thách thức đặc biệt là vấn đề về vốn. Trước sự tác động sâu rộng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp SME càng khó khăn hơn khi không có đủ nguồn vốn dự trữ để duy trì hoạt động.
"Một trong những tác động nặng nề do ảnh hưởng từ Covid-19 đến các doanh nghiệp SME, đó là sự thiếu hụt dòng tiền và điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của các doanh nghiệp", ông Trần Minh Bình, Tổng Giám đốc VietinBank nhận định.
Trước thực trạng trên, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp này. Bên cạnh việc tái cơ cấu, giãn nợ, ngân hàng đã triển khai một loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho khối doanh nghiệp SME.
VPBank vừa qua đã kí kết hợp đồng tín dụng trị giá 100 triệu USD với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), nhằm nâng cao khả năng hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là những doanh nghiệp SME gặp khó khăn bị gián đoạn về dòng tiền bởi đại dịch. Ngoài ra, VPBank cũng được Proparco cấp khoản vay trị giá 50 triệu USD, trong đó 35 triệu USD sẽ dùng để tài trợ vốn cho các khách hàng là SME.
Từ khi dịch bùng phát, Techcombank triển khai các gói tín dụng ưu đãi tới 30.000 tỉ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp chịu tác động bởi Covid-19 phục hồi sản xuất kinh doanh với lãi suất hỗ trợ thấp hơn đến 2% so với lãi suất thông thường.
MB cũng đang áp dụng gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỉ đồng dành cho các doanh nghiệp SME hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, y tế; sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng; đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhà xưởng, đầu tư xây dựng bệnh viện, trường học…
VietinBank có chương trình ưu đãi VietinBank SME Stronger; Sacombank dành 1.000 tỉ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh sau đại dịch dịch COVID-19; ABBank tung gói hỗ trợ doanh nghiệp SME với mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm;…
Tập trung vào phân khúc SME từ lâu đã là chiến lược hoạt động trọng điểm, xuyên suốt của nhiều ngân hàng. Thực tế, dòng tín dụng của các ngân hàng những năm gần đây đã có sự chuyển biến rõ rệt, theo hướng gia tăng tỉ trọng cho vay các khách hàng SME.
Tại VietinBank, nhà băng có tổng dư nợ cho vay lớn thứ ba hệ thống, khách hàng SME là phân khúc được ngân hàng này chú trọng trong nhiều năm qua. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2020, dư nợ cho vay khách hàng SME tại đây đạt gần 247.000 tỉ đồng, chiếm 26% dư nợ khách hàng doanh nghiệp.
Tương tự, cho vay của khách hàng SME của ACB, HDBank, TPBank, VPBank và MB cũng tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây và hiện chiếm 30 - 45% tổng dư nợ, theo số liệu của SSI Research.
Trong đại hội cổ đông thường niên 2020, nhiều ngân hàng tiếp tục xác định khách hàng SME tiếp tục là phân khúc trọng tâm trong thời gian tới nhằm duy trì động lực tăng trưởng.
"Doanh nghiệp vừa và nhỏ là phân khúc khách hàng chiến lược đối với VPBank và chúng tôi đã liên tục đưa các giải pháp, chính sách mới nhằm đáp ứng nhu cầu của phân khúc này trong bối cảnh của đại dịch đang tác động xấu tới nền kinh tế", ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, sự chuyển hướng từ tập trung cho vay khách hàng lớn sang SME không chỉ góp phần hỗ trợ khối doanh nghiệp này phát triển mà còn giúp chính ngân hàng giảm thiểu được rủi ro, nâng cao hiệu quả trong sử dụng vốn.
"Trước đây ngân hàng dồn những khoản vay cỡ 1.000 tỉ đồng cho một hoặc vài doanh nghiệp lớn vay, doanh nghiệp đầu ngành nào đó. Khi đối tượng vay gặp khó khăn, cả 1.000 tỉ đồng này gặp rủi ro. Còn với cho vay doanh nghiệp SME, 1.000 tỉ này được phân tán ra cho hàng trăm khách hàng nhỏ lẻ,…, rủi ro được phân tán trong khi hiệu quả lãi biên tốt hơn", một lãnh đạo ngân hàng cổ phần chia sẻ.