Ngân hàng lãi lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ trong nửa đầu năm 2020

Trong nửa đầu năm, nhiều ngân hàng báo lãi hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối nhờ biên lợi nhuận được nới rộng và NHNN đẩy mạnh mua vào USD.
Nhiều ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại tệ trong nửa đầu năm 2020 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: BizLIVE).

Lãi thuần từ kinh doanh ngoại tệ tăng mạnh 

Kết thúc 6 tháng đầu năm, một loạt ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Thống kê từ báo cáo tài chính của 26 ngân hàng trong nước cho thấy, tổng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối nửa đầu năm đạt hơn 5.770 tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kì năm trước. Đồng thời, tăng trưởng tại hoạt động kinh doanh ngoại hối cao hơn nhiều so với mức tăng chung 9,8% của tổng thu nhập hoạt động (TOI).

Vượt trội so với các nhà băng còn lại, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng lãi nhiều nhất từ kinh doanh ngoại hối trong nửa đầu năm với 1.929 tỉ đồng, tăng trưởng 18% so với cùng kì năm 2019. Đứng sau Vietcombank, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của VietinBank cũng tăng 32% trong nửa đầu năm đạt gần 1.037 tỉ đồng trong khi TOI chỉ tăng 5,6%.

Tương tự, mảng kinh doanh này cũng mang về cho BIDV gần 832 tỉ đồng, tăng 13% so cùng kì với năm trước và là một trong ba mảng duy nhất tăng lãi thuần trong nửa đầu năm.

Như vậy, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của riêng nhóm ba ngân hàng TMCP Nhà nước đã đạt gần 3.800 tỉ đồng, chiếm 66% tổng lãi thuần của 26 ngân hàng được thống kê. Trong đó, riêng Vietcombank đã chiếm tới hơn 33%. Điều này cho thấy vị thế vượt trội của các ngân hàng gốc quốc doanh, đặc biệt là VietcomBank trong mảng kinh doanh ngoại hối.

Trong nhóm ngân hàng tư nhân, Sacombank, MB và ACB cũng cũng là những ngân hàng thu lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối với mức tăng trưởng cao trong nửa đầu năm.

Cụ thể, lãi thuần từ mảng này của Sacombank đạt hơn 398 tỉ đồng, tăng 81%. MB và ACB cũng thu về 341 tỉ đồng và 296 tỉ đồng từ mảng kinh doanh này, tăng trưởng lần lượt 20% và 98% so với cùng kì 2019.

Đáng chú ý, một số ngân hàng có qui mô nhỏ còn có lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng từ vài lần đến hàng trăm lần như VietA Bank (lãi thuần đạt 15,6 tỉ đồng, gấp 197 lần cùng kì 2019); TPBank (lãi thuần đạt 193 tỉ đồng, gấp 13 lần cùng kì năm 2019); VietBank (lãi thuần đạt 7,5 tỉ đồng, gấp 5,3 lần năm 2018), ABBank, Nam A Bank và VietBank đều tăng hơn 3 lần, hay SeABank chuyển từ lỗ trong nửa đầu năm 2019 sang lãi gần 12 tỉ đồng….

Biên lợi nhuận kinh doanh ngoại hối tăng mạnh

Trong mảng kinh doanh ngoại hối, phần lớn lãi thuần đến từ hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay, tức nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra. Đơn cử như tại Vietcombank, kinh doanh ngoại tệ giao ngay chiếm trên 80% tổng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối trong năm 2019 hay tại BIDV là khoảng 60%.

Trong khi đó, suốt từ đầu năm đến nay, chênh lệch giá mua bán USD tại các ngân hàng hầu hết duy trì ở mức 170 - 220 đồng/USD cao hơn nhiều so với cùng kì 2019 (chỉ khoảng 100 - 120 VND). Sự nới rộng về chênh lệnh mua bán giúp các ngân hàng có được biên lợi nhuận cao hơn trên mỗi giao dịch, chưa kể đến sự gia tăng về khối lượng giao dịch.

Bên cạnh giao dịch với cá nhân và doanh nghiệp, lợi nhuận từ kinh doanh ngoại tệ của các ngân hàng còn đến từ hoạt động mua - bán USD với Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Nếu so với mức tỷ giá mua vào USD tại các NHTM dao động từ 23.100 – 23.150 VND/USD trong phần lớn thời gian nửa đầu năm 2020 thì mức chênh lệch giữa giá mua USD tại các ngân hàng và Sở giao dịch NHNN rơi vào khoảng 75 - 25 đồng/USD. 

Điều này có nghĩa, các NHTM chỉ cần mua USD từ khách hàng và bán lại cho NHNN thì mức lãi thuần cũng lên đến 75 – 25 đồng/USD.

Nhiều ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại tệ trong nửa đầu năm 2020 - Ảnh 2.

Ngoại trừ tháng 3 và tháng 4, giá mua USD của các ngân hàng luôn được duy trì thấp hơn so với giá mua vào của NHNN. (Nguồn: SSI Research).

Mặt khác, riêng trong quí I, NHNN đã mua vào khoảng 5 tỉ USD ngoại tệ và con số này tiếp tục gia tăng trong những tháng vừa qua. Như vậy, chỉ tính riêng hoạt động mua bán ngoại tệ với NHNN, các ngân hàng với trọng tâm là khối quốc doanh có thể thu về khoản lãi thuần lên đến hàng trăm tỉ đồng trong nửa đầu năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh thu nhập từ lãi cho vay bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh, sự gia tăng các nguồn thu ngoài lãi như kinh doanh ngoại hối được coi là một hướng đi hợp lí của các ngân hàng. Tỉ trọng đóng góp của các nguồn thu ngoài lãi gia tăng giúp ngân hàng có được cơ cấu thu nhập bền vững thay vì tiềm ẩn rủi ro nợ xấu như thu từ tín dụng.

Dự trữ ngoại hối Việt Nam liên tiếp lập kỉ lục

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra vào ngày 10/4, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, đến cuối tháng 3, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt trên 84 tỉ USD. Con số này tăng khoảng 5 tỉ USD so với mức công bố hồi cuối năm 2019.

Trong Hội nghị Chính phủ và các địa phương diễn ra vào ngày 2/7, Thống đốc Lê Minh Hưng tiếp tục cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đên nay.

"Đây cũng là yếu tố quan trọng để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm duy trì mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, cũng như duy trì lòng tin của các nhà đầu tư, đặc biệt đây cũng là yếu tố để chúng ta thu hút đầu tư góp phần phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới sau dịch", Thống đốc nhấn mạnh.

Nói về định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh,hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.