Ngân hàng miệt mài bán nợ, phát mãi tài sản cuối năm, Sacombank đại hạ giá công ty vàng liên quan gia đình ông Trầm Bê lần thứ 9 vẫn ế

Sacombank tiếp tục đại hạ giá đến lần thứ 9 công ty vàng liên quan gia đình ông Trầm Bê sau 8 lần rao bán ế ẩm. Cùng Sacombank, một loạt ngân hàng cũng đang ồ ạt bán nợ, phát mãi tài sản cuối năm.

Rao bán lần thứ 9 Vàng bạc Đá quý Phương Nam, Sacombank đại hạ giá 57%

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang chào bán trọn lô 17,96 triệu cổ phiếu của Công ty CP Thương mại Vàng bạc Đá quý Phương Nam (NJC). Sau 8 lần chào bán, đây là lần thứ 9 Sacombank rao bán lô cổ phiếu tại công ty này.

Đáng chú ý, lần rao bán nào, Sacombank cũng hạ giá nhưng vẫn chưa bán được. Ở lần chào giá thứ 9 này, Sacombank rao bán với giá khởi điểm chỉ 86,7 tỉ đồng.

trambe14879301891501724117450

Công ty Vàng Phương Nam từng là "con cưng" của đại gia Trầm Bê. (Ảnh: STB).

Trong khi đó, lần rao bán đầu tiên, Sacombank chào giá 201 tỉ đồng. Như vậy, ngân hàng do ông Dương Công Minh làm Chủ tịch đã đại hạ giá đến gần 57%, tương đương giảm 114 tỉ cho lần bán này, với mong muốn tìm được nhà đầu tư.

Công ty Vàng Phương Nam là công ty con của Ngân hàng TMCP Phương Nam trước khi sáp nhập vào Sacombank, và cũng là một trong số doanh nghiệp do gia đình ông Trầm Bê sở hữu. Ông Trầm Bê là cổ đông sáng lập và giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT của Phương Nam.

Báo cáo tài chính gần đây của Sacombank cho biết đã trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào Vàng bạc Đá quý Phương Nam. Khoản phải thu trị giá 503 tỉ đồng, phát sinh từ hoạt động mua bán vàng giữa công ty này và Ngân hàng Phương Nam, trước khi sáp nhập vào Sacombank.

Ngoài chào bán công ty Vàng bạc đá quý liên quan gia đình ông Trầm Bê, Sacombank cũng đang ráo riết chào bán một một loạt khoản nợ khác, nhất đang trong thời điểm cuối năm 2019.

Danh sách nằm trong diện bán đấu giá thu hồi nợ của Sacombank gần 20 khoản nợ của các cá nhân, công ty, doanh nghiệp. Tổng giá trị chào bán là hàng trăm tỉ đồng. 

Ngoài ra, chi nhánh Đống Đa, chi nhánh Đắk Nông và trung tâm xử lí nợ của ngân hàng này cũng đang đấu giá tài sản của nhiều cá nhân đang nợ, với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Các tài sản cần thanh lí gồm bất động sản, ôtô của Sacombank cũng nằm rải rác tại nhiều tỉnh thành, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM.

Nhiều ngân hàng miệt mài chào bán nợ, phát mãi tài sản

Không riêng Sacombank, cuối năm, các ngân hàng cũng đang ồ ạt đẩy mạnh bán nợ, phát mãi tài sản.

Đơn cử, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), nhiều chi nhánh đang thông báo đấu giá các khoản nợ. Chi nhánh Vĩnh Long của nhà băng này thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá toàn bộ nợ gốc, lãi và phí của Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú An Vĩnh Long, với giá trị tạm tính đến 31/8 là 48,6 tỉ đồng, tài sản đảm bảo là quyền sử dụng 41 thửa đất của công ty và máy móc thiết bị.

BIDV chi nhánh Phú Yên đấu giá tài sản thế chấp là 2,48 triệu cổ phiếu của Công ty CP Thống Nhất 508, góp vốn tại Công ty CP TMDV Khách sạn Bạch Đằng, với giá khởi điểm gần 27,7 tỉ đồng. Chi nhánh này cũng muốn đấu giá tài sản cầm cố khác là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh làng BIDV tại Khu đô thị mới CIENCO 5 (Hà Nội). 

Dự án đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 10.684 m2. Giá khởi điểm chào bán là hơn 153 tỉ đồng. Toàn bộ chi phí, thuế chuyển quyền sở hữu do người mua chịu và đặt cọc trước 30 tỉ đồng.

Tại Vietinbank, chi nhánh Bảo Lộc của ngân hàng đang đấu giá khoản nợ của Công ty Thành Phát với tổng dư nợ hơn 34,1 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là 3 quyền sử dụng đất tại tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích quyền sử dụng đất là 223 ha gồm đất nông, lâm kết hợp. Giá bán khoản nợ theo thị trường và thỏa thuận của các bên sau khi được ngân hàng chấp thuận.

Một chi nhánh khác của Vietinbank là chi nhánh Hải Phòng, cũng đấu giá các tài sản của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu, gồm cầu tàu 10.000 tấn xây dựng năm 2003 với giá khởi điểm hơn 13 tỉ đồng, đà tàu 10.000 tấn với giá khởi điểm 9 tỉ và nhà làm việc 2 tầng giá khởi điểm 2 tỉ đồng.

Một loạt ngân hàng khác như MBBank, Agribank, VIB, SHB… cũng đang liên tục đấu giá tài sản gồm hàng loạt lô bất động sản, nhà đất, dự án từ chục tỉ đến hàng nghìn tỉ đồng.

 Một khoản thu nợ đáng chú ý là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa phát đi thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ tại CTCP Thương mại NEM. Giá trị khoản nợ tính đến 30/6/2019 là hơn 118 tỉ đồng. Trong đó, nợ gốc gần 61 tỷ đồng và nợ lãi 57 tỉ đồng. Nhưng giá chào bán khởi điểm chỉ gần 43,2 tỉ đồng.

Trước đó, khoản nợ này từng được Vietinbank rao bán, với tài sản bảo đảm là toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển (hàng thời trang: quần, áo, đầm...) của công ty. Tại thời điểm 30/6/2018, giá trị hàng tồn kho của công ty theo ghi nhận là 33,9 tỉ đồng.

Nợ xấu của các ngân hàng đang ra sao?

Dù đẩy mạnh xử lí nợ xấu, nhưng thống kê kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019 cho thấy, tổng giá trị nợ xấu nội bảng của các ngân hàng đang ở mức 97.153 tỉ đồng, tăng 13.798 tỉ so với cuối năm 2018, tương đương mức tăng 16,6%. 

Không những vậy, nợ xấu nhóm 5 không có khả năng thu hồi của các ngân hàng cũng tăng.

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-14 lúc 16

BIDV đang là ngân hàng có nợ xấu nội bảng lớn nhất hệ thống. (Đồ hoạ: Quốc Minh).

Chẳng hạn, tại BIDV, tính đến cuối tháng 9, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,9% hồi đầu năm lên 2,09%, nhưng nợ xấu nhóm 5 lên đến 12.194 tỉ đồng, tăng 70%.

Nợ xấu nhóm 5 tăng cao khiến chi phí dự phòng của BIDV lên đến 16.502 tỉ, tăng 14,8% so với cùng kì. Với việc trích lập này, BIDV nằm trong nhóm ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro nhiều nhất. Khoản trích lập dự phòng cao khiến lợi nhuận BIDV 9 tháng giảm 226 tỉ so với cùng kì năm ngoái, chỉ đạt 7.028 tỉ đồng.

Tương tự, Vietcombank dù có tỉ lệ nợ xấu thuộc hàng thấp nhất hệ thống, chỉ ở mức 1,07% nhưng nợ nhóm 5 tăng 1,9%, lên 4.860 tỉ đồng tính tới 30/9/2019.

Tại MBBank, tỉ lệ nợ xấu tính đến 30/9/2019 ở mức 1,35%, tăng 0,21 điểm %, tương đương 843 tỉ đồng tuyệt đối. Nợ nhóm 5 của MBBank tăng từ 859 tỉ lên thành 1.345 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 9, ngân hàng đã trích lập hơn 2.500 tỉ đồng.

Thực tế cho thấy việc phát mãi tài sản thu hồi nợ xấu hiện gặp nhiều khó khăn. Theo nhiều chuyên gia, khó khăn nhất là việc mua bán nợ hiện chỉ được thực hiện chủ yếu trên các chủ thể chính là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam của Bộ Tài chính, các công ty mua bán nợ của ngân hàng thương mại, mà không "mở cửa" cho tư nhân cùng thực hiện.