Ngân hàng Phát triển châu Á: Việt Nam sẽ giữ được mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2019

Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ được mức tăng trưởng mạnh ở mức 6,8% năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.
xuat khau

ADB cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ được mức tăng trưởng mạnh ở mức 6,8% năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.

Sáng nay 25/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức công bố báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) năm 2019.

ADB dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm 2019 và cả năm 2020. Tỉ lệ tăng trưởng dự báo trong hai năm lần lượt là 6,8% và 6,7%.

Dù con số này giảm so với năm ngoái (2018, tỉ lệ này là 7,1%), song Ngân hàng Phát triển châu Á tỏ ra lạc quan khi đánh giá, nhu cầu trong nước sẽ bù đắp sự sụt giảm của tốc độ tăng trưởng.

Cầu tiêu dùng nội địa cũng sẽ gia tăng. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng ngày một được mở rộng, các hiệp định thương mại mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp.

ADB nhận định chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất chọn Việt Nam là một địa điểm thay thế, tạo ra động lực cho vốn FDI.

IMG_3526

ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức 6,8% trong năm 2019. (Ảnh: Nam Thịnh).

Song, thương chiến giữa hai siêu cường kinh tế kéo dài có thể ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế của khu vực, khi đầu tàu kinh tế của châu Á là Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng thương mại và tăng trưởng của Việt Nam.

Xét theo ngành kinh tế, triển vọng ngành công nghiệp và dịch vụ tiếp tục tích cực, song nông nghiệp sẽ chậm lại.

Dự báo lạm phát bình quân sẽ được điều chỉnh xuống 3% trong năm 2019 và 3,5% trong năm 2020. Lạm phát bình quân theo năm được kiềm chế ở mức 2,6% trong 8 tháng đầu năm 2019, mức thấp nhất trong ba năm.

ADB cho rằng áp lực lạm phát trong ngắn hạn có thể đến từ việc điều chỉnh tăng một số giá cả do nhà nước quản lí, nhu cầu trong nước mạnh, tiền lương tối thiểu tăng, và giá lương thực có thể tăng do bệnh dịch tả lợn châu Phi và hạn hán nghiêm trọng. Tuy nhiên, áp lực này có thể bị kiềm chế bởi giảm tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng.

Kiều hối có thể bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế toàn cầu, tiếp tục làm cho thặng dư tài khoản vãng lai giảm sút. ADB dự báo thặng dư tài khoản vãng lai được điều chỉnh giảm xuống tương đương 2% GDP trong năm nay, và 1,8% GDP trong năm 2020.

ABD đánh giá, chính phủ tiếp tục theo đuổi chính sách củng cố tài khoá. Mặc dù cần phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân chi đầu tư, song chính phủ vẫn tiếp tục tăng cường nỗ lực thu ngân sách và kiểm soát chặt hơn đối với các khoản chi tiêu không cần thiết để kiềm chế bội chi và cải thiện tính bền vững của nợ công.

Tuy lạm phát chỉ ở mức thấp, song theo nhận định của ADB, chính phủ sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2019, và giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức mục tiêu 14%. Các ngân hàng thương mại tiếp tục chịu áp lực đáp ứng chuẩn mực Basel II vào năm 2020. Tín dụng cũng sẽ tiếp tục bị hạn chế đối với các lĩnh vực đầu tư rủi ro cao như bất động sản.

ADB cho rằng rủi ro lớn nhất từ bên ngoài sẽ là xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng và thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm. Nếu như xung đột thương mại – chủ yếu thông qua việc tăng thuế quan – biến thành cạnh tranh phá giá đồng tiền, thì nó sẽ mang lại nhiều hệ lụy lớn hơn đối với thị trường tài chính quốc tế và tạo ra các rủi ro mới đối với nền kinh tế Việt Nam.

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.