Ngân hàng tăng phí, ví điện tử lên ngôi

Nhiều người chọn dùng ví điện tử vì bên cạnh tính tiện dụng, điều quan trọng là không tốn phí

Gần đây, khi nhiều ngân hàng (NH) thương mại điều chỉnh tăng khoản phí dịch vụ qua Internet Banking, Mobile Banking và phí rút tiền trên máy ATM…, không ít khách hàng đã chuyển qua sử dụng ví điện tử trên smartphone (điện thoại thông minh).

Tích điểm, không tốn phí

Anh Nguyễn Vũ (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết hằng tháng, anh đều dùng ví điện tử Momo để thanh toán các loại hóa đơn điện, nước, internet, nạp card điện thoại… Mỗi lần đi uống cà phê với bạn bè, thay vì phải mang theo tiền mặt, anh chỉ cần mở ứng dụng Momo ra thanh toán trực tiếp trên điện thoại. Mới đây, khi NH điều chỉnh các khoản phí dịch vụ, anh chuyển sang dùng ví điện tử thường xuyên hơn.

"Các ví điện tử cung cấp cho người dùng nhiều dịch vụ tích hợp như mua vé xem phim, thanh toán vé máy bay, thanh toán các khoản vay tiêu dùng hằng tháng, phí bảo hiểm… Các ví điện tử đều có chương trình tích điểm, khuyến mại hoặc chiết khấu khi thanh toán. Một số ví điện tử còn tặng tiền trực tuyến cho người dùng khi mời bạn bè mở tài khoản trên ví" - anh Vũ nói.

Theo chị Phạm Minh (ngụ quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), hơn 1 năm nay, với các thanh toán hóa đơn dịch vụ điện, nước, nạp tiền điện thoại…, chị đều dùng ví điện tử Ví Việt. Ứng dụng này khá tiện lợi và nhất là không tốn các khoản phí khi giao dịch, cũng không áp dụng phí quản lý, phí duy trì tài khoản…

ngan hang tang phi vi dien tu len ngoi

Các ví điện tử tung ra nhiều tiện ích, đồng thời không thu phí để thu hút người dùng và cạnh tranh với các dịch vụ ngân hàng (Ảnh: Tấn Thạnh)

Dù không có thống kê cụ thể nhưng lãnh đạo một số NH nhìn nhận người dùng đang có xu hướng chuộng ví điện tử cho các giao dịch thanh toán hóa đơn, mua sắm hàng hóa, dịch vụ phổ biến… Theo đại diện một NH cổ phần có hội sở tại Hà Nội, các ví điện tử hiện không thu phí người dùng và cung cấp khá nhiều tiện ích cạnh tranh với dịch vụ trên Internet Banking, Mobile Banking của NH.

Quan trọng hơn, việc mở tài khoản ví điện tử rất dễ dàng, chỉ cần một smartphone kết nối internet là đủ, đặc biệt ở những khu vực không có phòng giao dịch, chi nhánh của NH.

"Bỏ tiền tỉ, thu bạc cắc"

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT MoMo, cho biết năm 2018, Momo đặt trọng tâm phát triển vào việc phục vụ thị trường du lịch trị giá 20 tỉ USD của Việt Nam. Khách hàng đã có thể đặt vé máy bay, tàu hỏa, xe khách trực tiếp trên ứng dụng Momo, nay là bảo hiểm du lịch và sức khỏe.

Ngoài các tiện ích hằng ngày, người dùng còn có thể đặt dịch vụ giúp việc, mua hoa tươi, thanh toán trả góp của các công ty tài chính… Ví điện tử này hiện có khoảng 6 triệu người dùng và phấn đấu đạt 50 triệu người cài đặt ứng dụng vào năm 2020.

Trong khi đó, LienVietPostBank cho biết vừa ký thỏa thuận hợp tác với 2 công ty Nhật Bản nhằm triển khai giải pháp quản trị nhân lực và thanh toán tiền lương cho người lao động (NLĐ) tại Việt Nam thông qua ứng dụng Ví Việt.

Cụ thể, sản phẩm liên kết sẽ cho phép thanh toán lương theo ngày khi có yêu cầu từ NLĐ, thanh toán lương hằng tháng theo yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản… NLĐ sau khi nhận lương qua Ví Việt có thể sử dụng ngay các tiện ích của ví này. Sau gần 2 năm có mặt trên thị trường, Ví Việt có khoảng 2,2 triệu người dùng, hơn 19.000 điểm chấp nhận thanh toán khắp cả nước.

Số liệu thống kê cho thấy trên thị trường hiện có khoảng hơn 20 ví điện tử các loại hoạt động như Ví Việt, Momo, Payoo, Moca, Baokim, MobiVi, Nganluong, Wepay… Một số NH thương mại cũng dự kiến mở ví điện tử như "cánh tay nối dài" cho hoạt động của mình.

Cơ hội và tiềm năng cho các loại ví điện tử là rất lớn nhưng thực tế, theo các chuyên gia, số lượng ví "sống" được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo đại diện một doanh nghiệp, đầu tư vào ví điện tử giống như "bỏ tiền tỉ mà thu bạc cắc", chủ yếu nguồn thu từ trung gian thanh toán nhưng không nhiều và chưa bù đắp được chi phí đầu tư. Phần lớn các ví điện tử vẫn đang lỗ và ở giai đoạn đầu tư cho tương lai.

"Dù thị trường rất tiềm năng nhưng điểm yếu lớn nhất của ví điện tử là người dùng chưa tin tưởng bỏ nhiều tiền vào để sử dụng. Hầu hết khách hàng chỉ chuyển tiền vào ví để thanh toán các dịch vụ cần thiết, chuyển hoặc nhận tiền xong là rút ra ngay" - vị đại diện này nói.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng trong lĩnh vực thanh toán điện tử, trong đó có ví điện tử. Đây là cuộc đua dài hơi về công nghệ, tiềm lực tài chính và khả năng thích ứng với thị trường để mang sản phẩm tiện ích nhất cho khách hàng.

Hiện người dùng chuộng ví điện tử chủ yếu vì họ được chiết khấu, được tặng tiền, tích điểm và đổi quà. Nếu các ví chuyển sang thu phí thì sẽ khó thu hút người dùng và cạnh tranh với các phương thức thanh toán khác.

Chú ý vấn đề bảo mật

Theo chuyên gia tài chính - TS Cấn Văn Lực, ví điện tử phát triển là xu thế tất yếu khi công nghệ bùng nổ và các công ty tài chính công nghệ (fintech) ra đời. Tuy nhiên, việc phát triển ví điện tử cần được NH Nhà nước cân nhắc và đặt trong bối cảnh của lộ trình phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Đồng thời, cần quản lý làm sao để bảo đảm an toàn, bảo mật cho người dùng cũng là vấn đề phải lưu ý.

XEM THÊM

ngan hang tang phi vi dien tu len ngoi Nhóm khách hàng kinh doanh thẻ cào có dấu hiệu lừa đảo tại ngân hàng Vietcombank

Nhóm khách hàng kinh doanh thẻ cào sử dụng vốn sai mục đích và có dấu hiệu lừa đảo, ngân hàng Vietcombank đang đề nghị ...

ngan hang tang phi vi dien tu len ngoi Ngân hàng cảnh báo không quẹt thẻ ATM tại thiết bị khác ngoài máy POS

Khách hàng được khuyến cáo không cung cấp số thẻ, mã số bảo vệ và giám sát thẻ trong quá trình thực hiện giao dịch ...

ngan hang tang phi vi dien tu len ngoi Vé độc đắc 300 tỷ đồng 'bặt vô âm tín', ngân hàng tăng phí không đủ bù lỗ ATM

Tuần này có nhiều phát biểu đáng chú ý, như “nhiều lãnh đạo tỉnh có cả doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại ...

ngan hang tang phi vi dien tu len ngoi Ghế "nóng" ngân hàng sôi động trong mùa đại hội

Các ngân hàng đang vào mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) và những ứng cử viên vào ghế thành viên hội đồng quản trị ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.