Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư 04 điều chỉnh giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 1/4.
Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2013/TT-NHNN về biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển tiền qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.
Mức giảm tối thiểu bằng số tiền giảm phí mà Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giảm phí lớn hơn mức giảm phí của Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện.
Thời gian thực hiện từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12.
Công văn từ Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu Chủ tịch HĐQT, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài rà soát lại biểu phí dịch vụ thanh toán của tổ chức (loại phí, mức phí), xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể về việc áp dụng miễn, giảm phí.
Đồng thời, thông tin công khai, rộng rãi tới khách hàng về phạm vi, hình thức, thời gian áp dụng và báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kết quả thực hiện trước ngày 15/4.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng nhằm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng các kịch bản kinh doanh chi tiết, bao gồm các kế hoạch kinh doanh dự phòng theo diễn biến của dịch bệnh, nhằm mục tiêu đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, không để gián đoạn trong mọi tình huống.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo trong thời gian này, các yêu cầu sử dụng dịch vụ, ngân hàng thiết yếu của người dân, đặc biệt dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM phải diễn ra liên tục, thông suốt.