Giảm một nửa phí chuyển tiền liên ngân hàng mùa dịch Covid-19

Chia sẻ khó khăn với các đối tượng bị thiệt hại do dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý cho NAPAS giảm một nửa phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng.

Đây là nội dung các văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ ban hành ngày 13/3.

Theo đó, từ ngày 25/3 đến hết năm, Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) sẽ giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho các giao dịch có giá trị từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng.

Hiện NAPAS áp dụng phí 1.800 đồng/giao dịch, như vậy, sau khi áp dụng, phí giảm xuống còn 900 đồng/giao dịch.

Giảm một nửa phí chuyển tiền liên ngân hàng mùa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Giảm một nửa phí chuyển tiền liên ngân hàng mùa dịch Covid-19. (Ảnh: VGP).

Ngoài NAPAS, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cũng thực hiện chiết khấu 50% tổng số tiền khai thác sử dụng thông tin tín dụng của tổ chức tín dụng từ tháng 3 đến hết năm.

Các đơn vị trên thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giảm phí dịch vụ lần thứ hai trong năm 2020. 

Văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ ban hành trong hôm qua, 13/3 nêu rõ việc này nhằm thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg. Ngày 4/3 của Thủ tướng về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần có một số điều chỉnh. 

Cụ thể, điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho các món thanh toán có giá trị từ trên 500.000 đồng đến 2 triệu đồng cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng mức giảm phí mà NAPAS đã điều chỉnh giảm (900 đồng/giao dịch).

Khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giảm phí lớn hơn mức giảm phí của NAPAS đã thực hiện. Thời gian thực hiện từ ngày 25/3 đến hết năm.

Việc triển khai thực hiện điều chỉnh giảm giá sử dụng dịch vụ thông tin tín dụng đối với khách hàng (nếu tổ chức tín dụng có thu từ khách hàng) phải tương ứng với mức giảm trừ chiết khấu do CIC thực hiện đối với tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu lãnh đạo các tổ chức tín dụng xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể về việc áp dụng miễn, giảm phí, đồng thời báo cáo về các loại phí giảm, mức phí giảm và thời gian áp dụng giảm phí trước ngày 25/3.

Trước đó, đã có 32/45 ngân hàng thực hiện miễn, giảm phí giao dịch giá trị nhỏ qua NAPAS, tuy nhiên mới áp dụng chủ yếu với giao dịch có giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống.

Theo dữ liệu thống kê từ NAPAS, số lượng giao dịch của 32 ngân hàng miễn, giảm phí này chiếm đến 98% tổng số lượng giao dịch toàn hệ thống.

Hôm qua (12/3), Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 01 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.