Không chỉ bị nhà cung cấp đòi nợ, Leflair đang bị khách sắm hàng hiệu tố vì chuyển tiền nhưng không nhận được hàng

Mua hàng, thanh toán thành công, có người đã chuyển khoản cho Leflair hơn chục triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hàng. Nhiều người bức xúc vì không thể liên lạc được với Leflair qua bất cứ kênh nào từ tổng đài, email, trong khi văn phòng tại TP HCM đã đóng cửa.

Nhiều người mua hàng từ sàn thương mại điện tử chuyên bán hàng hiệu Leflair bắt đầu lo mất trắng tiền đã chuyển khoản cho sàn này, sau khi hay tin cả trăm nhà cung cấp đang tố Leflair thiếu tiền công nợ đến cả trăm tỉ đồng, và đã đóng cửa.

Có khách giao dịch mua hàng thành công từ đầu tháng 2, có người vừa mua cách đây vài ngày  đều chung tình trạng tiền đã chuyển khoản nhưng hàng không thấy đâu. Các cuộc gọi, email đến Leflair đều không có phản hồi.

Nhiều người thanh toán cả chục triệu và mòn mỏi chờ Leflair giao hàng

Chị Hoa T. - một khách hàng quen của Leflair đang thấp thỏm không biết 2 đơn hàng trị giá hơn 1,3 triệu đồng đã thanh toán của mình sẽ về đâu, bởi chị đã liên lạc với tổng đài, email của sàn thương mại điện tử này đều không có phản hồi. 

Sau nhà cung cấp, khách sắm hàng hiệu trên Leflair như ngồi trên lửa vì tiền chục triệu đã chuyển nhưng chưa thấy hàng - Ảnh 1.

Văn phòng Leflair tại TP HCM đóng cửa nhiều ngày qua. (Ảnh: H.K).

Chị T. cho biết thực ra chị đặt chỉ có 1 đơn hàng nhưng email hệ thống tự trả về 2 đơn hàng và trừ tiền 2 lần. Vì vậy, thành ra chị có đến 2 đơn hàng giống nhau. Ngay sau khi phát hiện, chị đã gọi tổng đài để giải quyết, nhưng không kết nối được nhân viên trực. Không liên hệ được phía Leflair nên chị vẫn tiếp tục chờ hàng về rồi tính tiếp.

Chị cho biết đã đặt hàng hôm 22/2 và được hẹn giao vào ngày 3/3, nhưng đến nay "vẫn không thấy tăm hơi". Chị càng lo lắng khi hay tin nhiều người mua hàng khác giao dịch thành công, đã chuyển khoản trước chị rất lâu, nhưng cũng chưa nhận hàng. 

"Liên lạc đến công ty không ai nghe máy, không ai trả lời email. Mình đã là khách hàng từ đầu, và tin tưởng, giới thiệu Leflair cho rất nhiều người quen, nhưng rồi mình bị lừa bởi chính Leflair", chị T. bức xúc.

Hầu hết sản phẩm trên Leflair được cam kết là hàng nhập khẩu từ nhiều nước như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… Sàn này cũng cam kết bán hàng chính hãng và người tiêu dùng Việt vẫn hay gọi là hàng hiệu, vì vậy, giá bán mỗi sản phẩm sau khi sale off vẫn khá cao. Mỗi món hàng hàng ít nhất cũng trên 500.000 đồng, nhiều đến cả chục triệu đồng.

Khách hàng khác là chị Thanh T., cho biết đã giao dịch thành công 3 đơn, đều là hàng nhập khẩu từ Singapore, tổng số tiền đã thanh toán là 2,5 triệu đồng. Còn khách hàng Y.M. cho hay đang "ôm" vài hoá đơn đã thanh toán cho Leflair gần 30 triệu đồng, và giờ như "ngồi trên lửa".

Sau nhà cung cấp, khách sắm hàng hiệu trên Leflair như ngồi trên lửa vì tiền chục triệu đã chuyển nhưng chưa thấy hàng - Ảnh 2.

Website Leflair cũng đã chính thức đóng cửa. (Ảnh: Phúc Minh).

Chị Tuyết Lan - một khách hàng khác của Leflair, cho biết sau khi tìm hiểu thì phát hiện "có chung mô tuýp" rất nhiều người cùng cảnh ngộ đã được thanh toán tiền hàng qua chuyển khoản rồi nhưng không nhận được hàng. Khi họ liên hệ tổng đài thì không có người nghe máy. Hỏi qua fanpage chính thức thì Leflair "đổ" lỗi là khách từ chối nhận hàng, nên được trả ngược về. 

Chị Lan đặt vấn đề có dấu hiệu lừa đảo ở đây, bởi giao dịch đã hoàn tất, tiền đã chuyển thì không lí gì khách không nhận hàng của mình. Với riêng chị, chị không hề nhận được thông báo giao hàng nào, nhưng cũng bị "đổ thừa" không nhận, đến khi yêu cầu hoàn tiền hoặc gửi lại thì phía Leflair im lặng.

Leflair đã bán đến ngày cuối cùng rồi bất ngờ đóng cửa, không ai kịp trở tay

Đáng chú ý, đầu tháng 2, Leflair đã thông báo sẽ đóng cửa tại Việt Nam trong năm nay, nhưng không nói rõ thời gian. 

Sau tuyên bố, website của sàn này vẫn hoạt động bình thường. Fanpage chính thức của Leflair vẫn liên tục cập nhật sản phẩm theo ngày. Bài đăng cuối cùng giới thiệu sản phẩm trên fanpage là ngày 28/2, và cũng không nhắc đến việc sẽ đóng cửa để khách chủ động.

Đó là lí do mà nhiều khách gần đây vẫn tiếp tục đặt hàng trên trang này, thanh toán trả trước bình thường, thậm chí nhiều người không hề hay tin Leflair chuẩn bị đóng cửa tại Việt Nam.

"Website của Leflair mới đóng hôm 1/3, chúng tôi cũng vừa phát hiện văn phòng làm việc của sàn này đóng cửa, vì vậy mà không kịp trở tay", chị T. - một nhà cung cấp của Leflair cho biết.

Sau nhà cung cấp, khách sắm hàng hiệu trên Leflair như ngồi trên lửa vì tiền chục triệu đã chuyển nhưng chưa thấy hàng - Ảnh 3.

Trong khi đó, bài cập nhật cuối cùng trên fanpage Laflair là ngày 28/2, nhưng không nhắc gì đến việc sẽ đóng cửa. (Ảnh chụp màn hình).

Nhiều khách hàng cho rằng cách làm của Leflair có dấu hiệu lừa đảo, bởi đã thông báo đóng cửa lại không nói rõ thời gian, các chính sách liên quan cho khách hàng, cứ tiếp tục bán hàng như bình thường rồi đột ngột đóng mà không một lời giải thích.

Theo tìm hiểu, những khách hàng đã thanh toán, chuyển tiền cho Leflair nhưng vẫn chưa nhận được hàng đang tìm cách kết nối với nhau để tập hợp, gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng. Họ lo lắng nếu ngồi yên chờ đợi thì không biết khi nào mới nhận được hàng.

Trong thời gian này, nhiều khách hàng vẫn đang cố gắng liên lạc với Leflair qua kênh email, để xác nhận về tình trạng đơn hàng hoặc các thỏa thuận đổi trả hàng để được hoàn tiền. Tuy nhiên, không một email nào khách đươc Leflair phản hồi.

Không chỉ khách mua hàng, sàn thương mại điện tử chuyên về đồ hiệu Leflair này còn bị tố đang thiếu tiền lương nhân viên lên đến hàng tỉ đồng. Trên một hội nhóm kết nối nhà cung cấp, khách hàng và nhân viên của Leflair, một người cho biết sàn đang thiếu nhân viên khoảng 2-3 tỉ đồng, khi nhân viên đặt vấn đề lương, thưởng Tết vừa qua, lãnh đạo cho biết không còn tiền để trả.

500 nhà cung cấp hàng hóa cho Leflair "ngồi trên lửa"

Leflair là sàn thương mại điện tử thuộc sở hữu của Công ty CP Leflair, được thành lập năm 2015 bởi 2 doanh nhân người Pháp là Loic Gautier và Pierre Antoine Brun, chuyên phân phối các sản phẩm chính hãng, nhắm vào phân khúc người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam.

Leflair đã liên tục gọi vốn và được rót vốn đầu tư gần đây. Tháng 1/2019, Leflair công bố vòng gọi vốn Series B từ 2 quỹ đầu tư GS Shop và Belt Road Capital Management, trị giá 7 triệu USD. Vòng gọi vốn thành công này đưa tổng giá trị các vòng gọi vốn của Leflair từ lúc thành lập đến nay đạt gần 12 triệu USD.

Tuy nhiên, tháng 2 vừa qua, Leflair bất ngờ tuyên bố đóng cửa mảng kinh doanh tại Việt Nam vì gặp nhiều khó khăn về vốn. Sàn này có cam kết trả tiền công nợ cho nhà cung cấp, nhưng vài ngày gần đây, nhiều nhà cung cấp tập trung tố Leflair không minh bạch thông tin, không rõ ràng về thời gian giải quyết công nợ.

Trong buổi làm việc với các nhà cung cấp hôm 2/3, ông Pierre Antoine Brun - Phó Tổng giám đốc Leflair, cho biết số công nợ mà doanh nghiệp chưa xử lí với khoảng 500 nhà cung cấp lên đến 2 triệu USD, tức gần 50 tỉ đồng. Trong khi khoản tiền mặt còn lại trong tài khoản của doanh nghiệp chưa đến 50.000 USD.

Tuy nhiên, nhiều nhà cung cấp cho biết Leflair không công bố cụ thể danh sách những nhà cung cấp, cũng như công nợ hiện nay. Họ cho rằng thực tế số công nợ sẽ nhiều hơn 2 triệu USD mà Leflair tiết lộ.

Hiện các nhà cung cấp càng hoang mang khi phát hiện văn phòng làm việc của Leflair tại TP HCM đã đóng cửa. Họ không thể liên lạc với người đại diện của Leflair qua nhiều kênh từ điện thoại, email để xác nhận công nợ.

Email mới nhất từ Leflair gửi nhà cung cấp cho biết ngày 10/3 tới sẽ tổ chức một cuộc họp với 50 nhà cung cấp, để giải quyết công nợ và các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, email không nói rõ những nhà cung cấp nào sẽ "được chọn" tham gia cuộc họp, bởi đối tác sàn này tại Việt Nam lên đến khoảng 500 người.