Nếu Tiki và Sendo về chung nhà, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ ra sao?

Dự kiến cuộc chiến giành thị phần giữa các sàn thương mại điện tử sẽ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Nguồn tin của tờ DealStreetAsia mới đây cho biết hai trang thương mại điện tử Việt Nam là Tiki và Sendo đã bước đầu đạt được thoả thuận sáp nhập. Trước đó hồi tháng 2/2020, DealStreetAsia cũng cho biết cả Sendo và Tiki đã đạt được thỏa thuận sáp nhập.

Đến nay hai ông lớn thương mại điện tử này vẫn chưa có bình luận chính thức nào về thông tin trên.

Giới phân tích nhận định, cục diện thị trường thương mại điện tử sẽ chuyển sang một trang mới, hấp dẫn và khốc liệt hơn nếu thương vụ này thành công. Lâu nay, thị trường vẫn là cuộc đua giữa 4 sàn Shopee, Lazada, Sendo và Tiki.

Tiki & Sendo: Cái bắt tay giữa 2 kì lân công nghệ mới của Việt Nam?

Theo báo cáo của Google và Temasek, bốn sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam hiện nay là Shopee, Lazada, Sendo và Tiki. Trong đó hai sàn quốc tế là Shopee và Lazada đang chiếm thế thượng phong, nhưnng hai doanh nghiệp nội là Tiki và Sendo cũng không hề thua kém.

Không có người chiến thắng cố định, vị trí của các sàn trên bản đồ thương mại điện tử Việt Nam luôn thay đổi. 

Cả Tiki, Lazada và Shopee vẫn đang chứng kiến lượng người truy cập tăng lên nhanh chóng. Đáng chú ý, trong năm 2019, Shopee đã bùng nổ với 10.000 triệu lượt truy cập hàng quý, vương lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng.

Cục diện thị trường thương mại điện tử sẽ thay đổi ra sao khi Tiki và Sendo về chung một nhà? - Ảnh 1.

Shopee đang dẫn đầu lượt truy cập các trang TMĐT Việt Nam quý I/2020. (Đồ hoạ: Thiên Trường).

Theo thống kê từ SimilarWeb, trong quý I/2020, Shopee đã vươn lên dẫn đầu thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam, với 43,16 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Các vị trí tiếp theo thuộc về Tiki và Lazada với lần lượt 23,99 triệu lượt/tháng và 19,76 triệu lượt. Xếp thứ tư là Sendo với 17,59 triệu lượt truy cập mỗi tháng trong quý I.

Mặc dù có lượng truy cập “khủng”, nhưng theo thống kê mới đây nhất của iPrice cho thấy, Lazada và Shopee chỉ chiếm chưa tới 35% thị phần thương mại điện tử ở Việt Nam. Hơn 65% thị phần còn lại thuộc về Thế giới di động, Tiki và Sendo. 

Cục diện thị trường thương mại điện tử sẽ thay đổi ra sao khi Tiki và Sendo về chung một nhà? - Ảnh 2.

Khối ngoại đang chiếm 35% thị phần TMĐT Việt Nam, tính đến năm 2019. (Đồ hoạ: Thiên Trường).

Như vậy có thể thấy, nếu bắt tay với nhau, Tiki và Sendo sẽ tạo ra một thế lực đáng gờm trong cuộc đua thương mại điện tử, với tổng số lượng khách hàng truy cập mỗi tháng lên tới 41,58 triệu lượt.

Cũng theo theo iPrice, cả Tiki và Sendo là hai doanh nghiệp nội địa có nhiều tiềm năng nhất đủ sức đối chọi lại với hai tập đoàn toàn cầu Lazada và Shopee. 

“Tại khu vực ASEAN, có hai quốc gia mà công ty nội địa rất thành công là Việt Nam và Indonesia”, CEO iPrice David Chmelar, nói.

Trong khi đó, báo cáo e-Conomy SEA 2019 của mình, Google đánh giá Sendo và Tiki đều có tiềm năng trở thành những kì lân công nghệ tiếp theo của Việt Nam.

Tại sao Tiki và Sendo phải sáp nhập?

Thương mại điện tử là một cuộc đua đốt tiền. Điều này không hề sai, và thực tế đã chứng minh các sàn thương mại điện tử còn trụ vững ở Việt Nam là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính rất mạnh, và sẵn sàng chịu lỗ để chiếm lĩnh thị trường.

Nếu như trong năm 2016, 4 sàn lớn gồm Tiki, Sendo, Lazada và Shopee chỉ lỗ 1.700 tỉ đồng thì đến năm 2018, con số này lên tới 5.100 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần chỉ sau 2 năm. Trong đó, cả Lazada và Shoppe đều chịu khoản lỗ lên tới gần 2.000 tỉ đồng mỗi sàn.

Ở chiều ngược lại, Tiki chỉ lỗ khoảng 756 tỉ đồng trong năm 2018, Sendo lỗ 701 tỉ đồng, ít hơn rất nhiều so với hai ông lớn khối ngoại.

Cục diện thị trường thương mại điện tử sẽ thay đổi ra sao khi Tiki và Sendo về chung một nhà? - Ảnh 3.

Lợi nhuận trong 3 năm qua của các trang TMĐT Việt Nam. (Đồ hoạ: Thiên Trường).

Hiện Lazada thuộc sở hữu của Tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới Alibaba. Trong năm 2016, công ty Trung Quốc đã chi 1 tỉ USD để thâu tóm Lazada và tiếp tục rót thêm 2 tỉ USD trong năm 2018.

Shopee ra mắt năm 2015, là sàn thương mại điện tử đến từ Singapore thuộc Sea Group, đứng sau thực chất là Tencent Trung Quốc với 40% cổ phần trong Sea, đã tăng thêm 50 triệu USD vốn điều lệ trong thời gian qua. Theo đó, Shopee chỉ phải lo vận hành và phát triển thị trường còn vốn hoạt động đã được tập đoàn mẹ lo.

Phía các doanh nghiệp nội, Tiki vừa được JD.com (Trung Quốc) rót thêm 112 tỉ đồng, sau khi nhận 44 triệu USD của nhà đầu tư này trong năm 2017. Mới đây, Tiki cũng được cho là đã gọi vốn thành công 75 triệu USD trong một vòng gọi vốn tại Singapore, cùng với vốn đầu tư của VNG.

Cuối năm 2019, Sendo của FPT cũng đã có được khoản đầu tư 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C, với những nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, góp phần đưa định giá của trang thương mại điện tử này lên đến 400 triệu USD.

Cục diện thị trường thương mại điện tử sẽ thay đổi ra sao khi Tiki và Sendo về chung một nhà? - Ảnh 4.

Lỗ luỹ kế của các trang TMĐT tính đến 31/12/218. (Đồ hoạ: Thiên Trường).

Nhìn vào biểu đồ trên có thể thấy, bằng việc sở hữu nguồn vốn dồi dào, được “hà hơi tiếp sức” không ngừng từ tập đoàn mẹ là Alibaba và Sea, hai ông lớn khối ngoại gồm Lazada và Shoppe có thể thoái mái vung tiền.

Với nguồn tài chính hạn hẹp hơn đến từ dòng tiền của các nhà đầu tư qua những vòng gọi vốn, cả Sendo và Tiki đang phải thắt lưng buộc bụng và hụt hơi trong cuộc đua đốt tiền này. Do đó, rất dễ hiểu tại sao Tiki và Sendo chọn cách về chung một nhà với nhau, nếu thực muốn có đủ tiềm lực để theo đuổi đến cùng cuộc đua đốt tiền không có hồi kết.

Tiki và Sendo sẽ bắt tay với nhau như thế nào?

Theo giới phân tích, việc Tiki và Sendo sáp nhập rất hợp lí nếu nhìn từ góc độ chiến lược kinh doanh của hai sàn thương mại điện tử này, và hoàn toàn có thể bổ trợ cho nhau.

Hiện Tiki đang tập trung vào nhóm khách hàng sinh sống tại các đô thị lớn, đặc biệt là TP HCM và Nội Nội. Đồng thời nhấn mạnh vào uy tín, chất lượng khi đổ tiền vào chiến dịch đồng hành cùng nhưng MV triệu view của Vpop trong thời gian qua.

Trong khi Sendo lại xây dựng chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị”, lấy lòng khách hàng ở khu vực nông thôn rộng lớn, thị trường mà những gã khổng lồ như Lazada chưa vươn tay tới được.

Cục diện thị trường thương mại điện tử sẽ thay đổi ra sao khi Tiki và Sendo về chung một nhà? - Ảnh 5.

Dự kiến đến năm 2025, thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 23 tỉ USD. (Ảnh: Tiki).

Do đó, nếu sáp nhập thành công, hai đơn vị này sẽ không dẫm chân nhau, và sẽ giúp công ty mở rộng thị trường nhanh chóng. 

Trong đó Tiki sẽ tập trung vào chất lượng, hướng tới các sản phẩm cao cấp phục vụ người tiêu dùng thành thị khó tính, còn Sendo sẽ chú trọng việc mở rộng hàng hoá, đa dạng hoa sản phẩm với giá cả phải chăng để tiếp cận người dùng nông thôn.

“Khi cả hai kết hợp với nhau vẫn có thể đảm bảo theo đuổi con đường riêng, vừa có thể mở rộng thị trường, thu hút vốn từ các nhà đầu tư nhờ vào lượng khách hàng khổng lồ có được”, ông Đặng Đăng Trường, đại diện iPrice Việt Nam cho biết.

Nhiều chuyên gia nhận định, thương vụ sáp nhập Tiki với Sendo thành công hứa hẹn sẽ tạo ra cuộc đua hấp dẫn, kịch tính trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Báo cáo về nền kinh tế Internet Đông Nam Á 2019 của Google, ước tính trong năm 2019, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 4,6 tỉ USD. Con số này mới chỉ chiếm 5% tổng quy mô thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Do đó, có thể thấy tiềm năng phát triển trong thị trường này vẫn còn rất lớn. Dự kiến đến năm 2025, thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 23 tỉ USD.