Đã huy động đến 12 triệu USD, trang bán hàng hiệu Leflair vẫn đóng cửa, chia tay thị trường Việt Nam vì thiếu vốn

Trang thương mại điện tử chuyên về đồ hiệu Leflair vừa thông báo tạm dừng hoạt động tại Việt Nam, với lí do “áp lực về nguồn vốn”. Đáng chú ý là trang bán hàng này liên tục huy động vốn và trong vài năm gần đây đã được rót gần 12 triệu USD.

Trang thương mại điện tử (TMĐT) chuyên phân phối hàng hiệu Leflair đã thông báo tạm dừng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Theo thông báo gửi các đối tác, Leflair giải thích việc xây dựng, mở rộng TMĐT đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Trong đó, công nghệ, kho vận, nhân sự là những yếu tố thiết yếu, để những công ty như Leflair có thể cải tạo và thay đổi ngành bán lẻ.

Thông báo nêu rõ: "Áp lực về nguồn vốn đối với Leflair ngày càng lớn theo sự phát triển của chúng tôi, cùng với áp lực mục tiêu tạo lợi nhuận".

Dù đã có 12 triệu USD, trang bán hàng hiệu Leflair vẫn tạm biệt thị trường vì thiếu vốn - Ảnh 1.

Leflair là trang bán hàng có thương hiệu khá uy tín tại thị trường Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình).

"Dưới áp lực về nguồn vốn hữu hạn và yêu cầu cắt giảm chi phí vận hành, chúng tôi phải đưa ra quyết định khó khăn, là tạm dừng hoạt động kinh doanh Leflair tại Việt Nam", đại diện Leflair chia sẻ.

Cụ thể, đơn vị này cho rằng biến đổi thị trường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đã không tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp này. Do vậy, Leflair gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn để tiếp tục hoạt động theo cơ cấu và chiến lược hiện tại.

Đáng chú ý, Leflair liên tục gọi vốn và được rót vốn đầu tư gần đây. Vào tháng 1/2019,  Leflair công bố vòng gọi vốn Series B từ 2 quỹ đầu tư GS Shop và Belt Road Capital Management, trị giá 7 triệu USD. Vòng gọi vốn thành công này đưa tổng giá trị các vòng gọi vốn của Leflair từ lúc thành lập đến nay đạt gần 12 triệu USD.

Về tương lai,thông báo của Laflair nói rằng: "Vẫn duy trì hoạt động hàng nhập khẩu phù hợp với chiến lược năm 2020". Trong thời gian đó, công ty này sẽ nỗ lực cải cách và thay đổi cơ cấu vận hành, nhằm tái khởi động kinh doanh tại Việt Nam vào năm 2021.

Chào sân tại Việt Nam vào năm 2015, Leflair được sáng lập bởi cựu nhân sự từ Lazada, là Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun. Lúc bấy giờ trang TMĐT này tạo dấu ấn trên thị trường khi theo đuổi mô hình kinh doanh giữ hàng qua kho, để đảm bảo quá trình kiểm tra quản lí chặt chẽ, thay vì theo mô hình "chợ trực tuyến" (marketplace).

Đặc biệt, Leflair xác định điểm bán hàng đặc trưng của mình là hình thức flash-sale. Hiểu đơn giản, flash-sale là mô hình bán hàng giảm giá giống với mô hình mua theo nhóm, từng rầm rộ ở Việt Nam giai đoạn 2010-2012. Nhưng nếu chương trình bán hàng giảm giá từ các trang mua theo nhóm, kết thúc khi hết hàng, thì mô hình flash-sale sẽ kết thúc khi hết thời gian quy định.

Dù đã có 12 triệu USD, trang bán hàng hiệu Leflair vẫn tạm biệt thị trường vì thiếu vốn - Ảnh 2.

Hai nhà sáng lập Leflair từng tham vọng đánh sang thị trường Philippines. (Ảnh: Nhịp Cầu Đầu Tư).

Trong thông báo tạm biệt Việt Nam, Leflair khẳng định trang này đã tạo được niềm tin về một địa chỉ mua hàng hiệu chính hãng, với nhóm khách hàng trung lưu. Theo đó, trong 4 năm qua, trang TMĐT hàng hiệu này đã tiếp cận và phục vụ hơn 120.000 khách hàng, doanh thu thuần mỗi năm đạt hàng chục triệu USD. 

Thành tích lớn nhất là Leflair duy trì giá trị đơn hàng trung bình cao nhất thị trường TMĐT Việt Nam trong suốt 4 năm.

Tuy nhiên, phía người tiêu dùng lại có phản ứng khác. Trên một fanpage chuyên về câu chuyện thương trường, nhiều người tỏ vẻ bất ngờ, vì đến giờ mới nhận ra Leflair có tồn tại. Phan Thanh Tùng, một lập trình viên đang làm việc tại TP HCM, nhận định: "Trang này đã sai ngay từ đầu, sai về cái tên. Leflair quá khó nhớ với thị hiếu người Việt".

Leflair là cái tên nối dài cho danh sách những tay chơi gãy gánh giữa đường trênthị trường thương mại điện tử Việt Nam. 

Hồi cuối năm 2019, Lotte.vn đã thông báo đóng cửa ngay đầu năm 2020 và sáp nhập vào Speedl.vn - trang thương mại điện tử khác đang được vận hành trực tiếp bởi Lotte Mart. Cũng trong tháng 12, Adayroi của Vingroup cũng ngừng hoạt động, sáp nhập vào siêu ứng dụng VinID. 

Trước đó, thị trường còn chứng kiến sự ra đi của Robins từ ông lớn Central Group và Vuivui của  ông trùm bán lẻ điện máy Thế Giới Di Động.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.