Doanh thu Lazada tăng vọt, phải tuyển thêm nhân viên và xây dựng kho hàng mới nhờ đại dịch Covid-19

Sàn thương mại điện tử Lazada cho biết doanh số bán hàng trực tuyến tại Singapore đã tăng vọt do đại dịch Covid - 19.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Đông Nam Á có doanh số bán hàng trực tuyến tại thị trường Singapore tăng gấp 4 lần kể từ đầu tháng 4/2020, khi quốc đảo này áp dụng các lệnh hạn chế di chuyển do số ca nhiễm Covid - 19 tăng cao.

Sàn thương mại điện tử Lazada thuộc sở hữu của Alibaba, hiện có khoảng 65 triệu người dùng thường xuyên trên các nền tảng của mình tại 6 thị trường Đông Nam Á khác nhau. Đơn vị giao hàng siêu thị trực tuyến của Lazada tại Singapore là RedMart, được mua lại vào tháng 11/2016.

Theo Giám đốc Lazada tại Singapore James Chang, lượt truy cập hàng ngày vào RedMart đã tăng hơn 11 lần. James Chang nói với phóng viên kênh CNBC rằng công ty đã có một khoảng thời gian khá khó khăn khi phải cố gắng đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng trong đợt cao điểm.

Nhờ đại dịch, doanh thu Lazada bất ngờ tăng vọt, phải tuyển thêm nhân viên và xây dựng kho hàng mới - Ảnh 1.

Sàn thương mại điện tử Lazada cho biết doanh số bán hàng trực tuyến tại Singapore đã tăng vọt do đại dịch Covid - 19. (Ảnh: CNBC).

"Doanh số của của RedMart đã tăng 4 lần trong khoảng thời gian này và chúng tôi phải thuê thêm 500 nhân viên tại Singapore trong vài tuần, để có thể tăng cường công suất hoạt động", vị giám đốc chia sẻ. Những người được thuê trong đợt này có cả nhân viên toàn thời gian và bán thời gian.

Vào ngày 4/4/2020, Lazada cũng giới thiệu một hệ thống giao hàng mới, cho phép công ty tăng 50% công suất và nhận thêm đơn đặt hàng trong bối cảnh ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trên sàn thương mại điện tử.

Khi đại dịch bắt đầu lan rộng bên ngoài Trung Quốc vào tháng 2, trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNBC, Chang đã nói rằng các đơn đặt hàng của RedMart đã tăng vọt, và vượt quá mức trung bình tuần 300% khi người dân Singapore đổ xô đi mua hàng tích trữ với số lượng lớn.

"Lazada đã có một khoản đầu tư rất lớn vào công nghệ thông tin và cơ sở hại tầng hậu cần", Chang nói.

Tại Singapore, Lazada đang xây dựng một nhà kho có tên là West Fulfilment Centre, với một số kho hàng tự động được thiết kế để đáp ứng nhu cầu tăng vọt của người tiêu dùng. Dự kiến sẽ sớm đi vào hoạt động trong tháng 7 hoặc tháng 8, tuỳ thuộc vào tình hình của đại dịch.

Gã khổng lồ thương mại điện tử từ chối tiết lộ bất kì con số nào về các khoản đầu tư của mình tại Singapore.

Tại Việt Nam, Lazada là một trong 4 sàn thương mại điện tử hàng đầu, bao gồm 3 sàn khác là Tiki, Shopee và Sendo.

Trong quý I/2020, lượt truy cập vào Lazada đạt 19,76 triệu lượt/tháng, xếp sau Tiki và Shopee. Trong năm 2018, doanh nghiệp thương mại điện tử này đã báo lỗ gần 2.000 tỉ đồng.

Lazada cũng là ông lớn đứng đầu trong cuộc đua đốt tiền giành khách hàng tại Việt Nam, với tổng lỗ luỹ kế đến hết 31/12/2018 đạt 7.111 tỉ đồng. Trong khi các đối thủ khác như Shopee lỗ luỹ kế gần 3.000 tỉ đồng, Cả Tiki và Sendo chỉ ghi nhận mức lỗ luỹ kế xấp xỉ 1.300 tỉ đồng mỗi sàn.

Giá thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đang ngang bằng với Singapore, đạt 12 tỉ USD trong năm 2019, xếp thứ 4 sau Thái Lan và Indonesia. 

Tuy nhiên, với tốc độ phát trển 30% - 40% mỗi năm, dự kiến thương mại điện tử Việt Nam có thể vượt Thái Lan trong một vài năm tới.

Singapore là một trong những quốc gia có số người nhiễm Covid - 19 cao nhất tại châu Á, với 35.000 trường hợp nhiễm bệnh.

Để hạn chế sự lây lan, quốc đảo sư tử đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt từ đầu tháng 4. Các biện pháp nay sẽ giảm dần mức độ theo 3 giai đoạn. Bắt đầu từ giai đoạn thứ 3, một số người có thể sẽ được phép đi làm trở lại, tuy nhiên chính quyền vẫn khuyến khích người dân làm việc từ xa và hạn chế ra khỏi nhà.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.