Tờ Wall Street Journal ngày 11/6 dẫn các nguồn tin cho biết các cáo buộc độc quyền chống lại Amazon sẽ chính thức được gửi cho Amazon sớm nhất là vào tuần sau. Văn phòng chống độc quyền của Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đang củng cố các lập luận chống lại Amazon và đội ngũ phụ trách vụ việc này đã soạn thảo bản cáo trạng trong hai tháng qua.
Các cáo buộc chính thức của EC nhằm vào Amazon là bước đi mới nhất trong cuộc điều tra kéo dài gần 2 năm qua của EC, về các cáo buộc đối xử o ép của Amazon đối với các bên bán hàng thứ ba trên nền tảng thương mại điện tử của Amazon. Các cáo buộc này, hay còn gọi là “tuyên bố phản đối”, xuất phát từ vai trò kép có thể gây xung đột lợi ích của Amazon: vừa điều hành nền tảng bán hàng trực tuyến vừa bán các sản phẩm riêng của Amazon.
Một trong những cáo buộc đó là Amazon thu thập dữ liệu của các bên bán hàng thứ ba rồi dùng dữ liệu đó để cạnh tranh với họ, chẳng hạn tung ra một sản phẩm tương tự thuộc nhãn hàng riêng của Amazon. Amazon sẽ phải phúc đáp các buộc này bằng văn bản hoăc có thể yêu cầu một phiên điều trần kín để bào chữa các hành vi bị cáo buộc chống độc quyền.
Dự kiến phải mất một năm, EC mới đưa ra phán quyết về việc liệu Amazon có vi phạm các luật về cạnh tranh của EU hay không.
Nếu EC kết luận Amazon vi phạm, cơ quan này có thể bắt buộc Amazon thay đổi các quy định kinh doanh và phạt tiền lên đến 10% doanh thu trên toàn cầu hàng năm của Amazon, tức khoảng 28 tỉ đô la Mỹ, nếu dựa vào số liệu doanh thu của Amazon vào năm 2019.
Amazon có thể kháng cáo phán quyết đó ở một tòa án ở EU.
Trước đây, Amazon nhiều lần bác bỏ cáo buộc cho rằng tập đoàn này lạm dụng quy mô và quyền lực của mình để chèn ép bên bán hàng thứ ba, đồng thời thanh minh rằng các nhà bán lẻ khác cũng thường bán các nhãn hàng riêng. Mảng kinh doanh nhãn hàng riêng của Amazon bao gồm 45 thương hiệu với khoảng 243.000 loại sản phẩm.
Trong năm qua, các cơ quan quản lí ở Mỹ bao gồm Bộ Tư Pháp và Ủy ban Thương mại liên bang (Mỹ) cũng tiến hành điều tra hành vi chống cạnh tranh của Amazon. Nhiều bên bán hàng thứ ba trên phàn nàn rằng khi một sản phẩm của họ bán chạy trên Amazon, tập đoàn này ngay lập tức giới thiệu sản phẩm tương tự với giá thấp hơn hoặc đặt sản phẩm ở vị trí nổi bật hơn trên trang web bán hàng của Amazon.
Bill Baer, cựu trợ lí Bộ trưởng Tư pháp Mỹ phụ trách bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ, nhận định thách thức đối với các cơ quan quản lý trong việc kết tội Amazon chống độc quyền là phải chứng minh thiệt hại mà Amazon gây ra cho người tiêu dùng và các đối thủ.
Cuộc điều tra do Wall Street Journal công bố hồi tháng 4, phát hiện thấy rằng các nhân viên của Amazon sử dụng dữ liệu từ các bên bán hàng thứ ba, để phát triển các sản phẩm cạnh tranh thuộc nhãn hàng riêng của Amazon.
Dữ liệu đó có thể giúp Amazon định giá bán sản phẩm tương tự thuộc nhãn hàng Amazon hoặc xác định nên sao chép tính năng nào của sản phẩm từ các bên bán hàng thứ ba hoặc quyết định có nên kinh doanh một phân khúc sản phẩm nào đó hay không dựa vào tiềm năng lợi nhuận.
Chẳng hạn, các nhân viên Amazon đã tiếp cận các tài liệu và dữ liệu về sản phẩm "túi đựng đồ trong cốp xe hơi" đang bán chạy của một bên bán hàng thứ ba trên Amazon. Các thông tin này bao gồm tổng doanh số, chi phí tiếp thị và giao hàng mà bên bán hàng thứ ba phải trả cho Amazon. Sau đó, Amazon tung ra bán sản phẩm "túi đựng đồ trong cốp xe hơi" của riêng mình.
Amazon nói những nhân viên sử dụng các dữ liệu như vậy trong quyết định phát triển nhãn hàng riêng là vi phạm các chính sách của Amazon và tập đoàn này đã tiến hành cuộc điều tra nội bộ.
Năm ngoái, Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch phụ trách cạnh tranh và chính sách số hóa của EC, cũng đã tiến hành điều tra Google và Facebook, về các cáo buộc sử dụng dữ liệu tương tự để loại bỏ đối thủ canh tranh. Hai công ty này cho biết đang hợp tác với cuộc điều tra.
Trong những năm gần đây, Vestager đã ra các phán quyết phạt Google 9 tỉ đô la về hành vi chống cạnh tranh trong ba vụ điều tra riêng rẽ, liên quan đến các cáo buộc cho rằng công ty này sử dụng bộ máy tìm kiếm của mình để điều hướng lượng truy cập đến các nội dụng quảng cáo sản phẩm riêng của Google, thay vì sản phẩm của các đối thủ; sử dụng quyền kiểm soát của hệ điều hành Android để buộc các nhà sản xuất thiết bị phải cài đặt sẵn ứng dụng tìm kiếm của Google lên các thiết bị Android.
Google đang kháng cáo các phán quyết trên lên tòa án sơ thẩm châu Âu.