Website hàng hiệu Leflair đóng cửa, văn phòng không bóng người, nhà cung cấp tố bị quỵt cả trăm tỉ đồng

Hàng trăm nhà cung cấp cho sàn thương mại điện tử chuyên bán hàng hiệu Leflair tố doanh nghiệp này đến nay chưa trả tiền công nợ lên đến cả trăm tỉ đồng. Trong khi đó, hiện văn phòng của Leflair tại TP HCM đóng cửa và không thể liên lạc được người đại diện.

Trong hôm qua (4/3), nhiều nhà cung cấp đã tiếp tục kéo đến văn phòng của sàn thương mại điện tử Leflair nằm tại một tòa nhà trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình, TP HCM) để yêu cầu được giải quyết tiền công nợ, khi sàn này vẫn chưa trả cho họ, dù công bố đóng cửa cách nay một tháng.

Tuy nhiên, văn phòng của sàn thương mại điện tử này vẫn đóng cửa im ỉm nhiều ngày qua. Các nhà cung cấp cho biết, số tiền công nợ mà Leflair đang tạm thiếu đến thời điểm này lên đến hàng chục thậm chí cả trăm tỉ đồng.

Leflair là sàn thương mại điện tử thuộc sở hữu của Công ty CP Leflair, được thành lập năm 2015 bởi 2 doanh nhân người Pháp là Loic Gautier và Pierre Antoine Brun, chuyên phân phối các sản phẩm chính hãng, nhiều người tiêu dùng Việt vẫn quen mua hàng hiệu trên sàn này.

Công nợ thiếu nhà cung cấp cả trăm tỉ đồng

Chị H.K. - đại diện một nhà cung cấp chuyên phân phối giày, dép thời trang cho sàn thương mại điện tử Leflair, cho biết sáng qua, ngoài chị, còn có khoảng 6-7 nhà cung cấp khác lên văn phòng của công ty, để yêu cầu được xác nhận công nợ. Tuy nhiên văn phòng đóng cửa.

Website hàng hiệu Leflair đóng cửa, văn phòng không một bóng người, nhà cung cấp tố bị quỵt cả trăm tỉ đồng - Ảnh 1.

Văn phòng Leflair đóng cửa im ỉm nhiều ngày qua. (Ảnh: H.K).

Được nhiều nhà cung cấp khác cho biết văn phòng Leflair đóng cửa nhiều ngày qua, nhưng chị K. vẫn sốt ruột và nán lại đến hơn 12h trưa, không thấy có bất kì ai nên mới quyết định ra về. Chị cho biết hôm nay sẽ tiếp tục đến văn phòng Leflair để yêu cầu xác nhận công nợ.

Theo nhà cung cấp này, hiện Leflair còn thiếu tiền công nợ phía chị trong 2 tháng liên tiếp, từ tháng 12 và tháng 1 này với tổng số tiền khoảng hơn 130 triệu đồng. Leflair chỉ mới xác nhận công nợ trong tháng 12, vì đã xuất hoá đơn rõ ràng, còn công nợ tháng 1 vẫn chưa giải quyết.

Tương tự, anh Đ. chủ một doanh nghiệp cung cấp hàng cho Leflair cho biết cuối tháng 2, sàn gửi email cho nhà cung cấp, thông báo tiến hành đối chiếu công nợ và số dư kho. Phía Leflair yêu cầu nhà cung cấp in văn bản xác nhận công nợ, kí tên, đóng dấu và gửi bản scan qua email, đồng thời gửi bản cứng cho phía Leflair kí và đóng dấu xác nhận lại.

Tuy nhiên, văn phòng của Leflair đã đóng cửa nên anh đang chật vật tìm cách gặp người đại diện của sàn thương mại điện tử để gửi hồ sơ xác nhận công nợ này.

Chị K. và anh Đ. chỉ là một trong số hàng trăm nhà cung cấp tại Việt Nam mà Leflair đang thiếu tiền công nợ. 

Website hàng hiệu Leflair đóng cửa, văn phòng không một bóng người, nhà cung cấp tố bị quỵt cả trăm tỉ đồng - Ảnh 2.

Nhiều nhà cung cấp đến văn phòng Leflair để giải quyết công nợ nhưng chỉ biết đứng nhìn rồi lo lắng ra về. (Ảnh: H.K).

Trong buổi làm việc với các nhà cung cấp hôm 2/3, ông Pierre Antoine Brun - Phó Tổng giám đốc Leflair, cho biết số công nợ mà doanh nghiệp chưa xử lí với khoảng 500 nhà cung cấp lên đến 2 triệu USD, tức gần 50 tỉ đồng. Trong khi đó, khoản tiền mặt còn lại trong tài khoản của doanh nghiệp chưa đến 50.000 USD.

Tuy nhiên, nhiều nhà cung cấp cho biết Leflair không công bố cụ thể danh sách những nhà cung cấp cũng như công nợ hiện nay. Họ cho rằng thực tế số công nợ sẽ nhiều hơn 2 triệu USD mà Leflair tiết lộ, bởi có những nhà cung cấp đồ nội thất có tiền công nợ lên đến 1-2 tỉ đồng.

Chị T. - đại diện một nhà cung cấp túi xách cho biết chị thống kê khoảng 100 nhà cung cấp hiện nay đang có công nợ là 22 tỉ đồng. Vì vậy, chị cho rằng nếu cộng luôn cả công nợ của 400 nhà cung cấp còn lại sẽ vượt con số mà phía Leflair tiết lộ, thậm chí lên đến cả trăm tỉ đồng.

Chúng tôi muốn xác nhận công nợ, nói rõ thời gian thanh toán

Chị T. cho biết điểm đáng ngại hiện nay là Leflair không minh bạch thông tin với các đối tác là nhà cung cấp. Cụ thể, có những nhà cung cấp đã được xác nhận công nợ, nhưng cũng có những nhà cung cấp chưa được xác nhận công nợ vì… chưa biết tin.

"Leflair không thông báo công khai cho tất cả nhà cung cấp, với lí do không có thông tin liên hệ của họ", chị T. bức xúc.

Website hàng hiệu Leflair đóng cửa, văn phòng không một bóng người, nhà cung cấp tố bị quỵt cả trăm tỉ đồng - Ảnh 3.

Website Leflair hiện đã ngưng hoạt động. (Ảnh chụp màn hình).

Theo chị, nhiều nhà cung cấp đến thời điểm này vẫn chưa gặp được phía Leflair để chốt công nợ và lấy hàng tồn kho, trong khi đó, văn phòng lại "cửa đóng then cài", gọi điện liên hệ cũng không có người trả lời.

"Như tôi, do biết được thông tin sớm lên gặp bên Leflair sớm nên đã chốt được công nợ, giờ chờ thanh toán tiền bán hàng tháng 12/2029 và 1/2020". Chị nói mình có may mắn hơn nhưng thực tế phía Leflair không nói rõ khi nào họ sẽ trả tiền, giải quyết công nợ cho đối tác. Dù làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp Việt Nam nhưng Leflair lại hẹn sẽ giải quyết khi làm việc xong hết với các nhà đầu tư.

Theo tìm hiểu, thời điểm này, các nhà cung cấp đều đang rất lo lắng vì số tiền công nợ hàng trăm triệu đồng, có những người lên đến vài tỉ đồng nhưng phía Leflair lại không rõ ràng, minh bạch thông tin. Họ càng lo lắng hơn khi không thể liên hệ được với người đại diện Leflair cũng như văn phòng đóng cửa, không hoạt động những ngày qua.

"Đa số công ty tư nhân chúng tôi nợ trên dưới trăm triệu là cả một vấn đề. Nếu vẫn tình hình này thì chắc không trụ nổi", chị H.K, lo lắng bởi doanh nghiệp mất đồng vốn ra vào làm ăn, chưa kể trường hợp xấu hơn.

Chị cho biết, mong muốn của mình lẫn những nhà cung cấp khác hiện nay là người đại diện của Leflair phải có mặt, kí xác nhận công nợ, phần trăm thanh toán và nói rõ thời gian thanh toán để mọi người không rơi vào tình trạng hoang mang.

Leflair sẽ gặp 50 nhà cung cấp của Việt Nam

Email mới nhất từ Leflair gửi nhà cung cấp cho biết ngày 10/3 tới sẽ tổ chức một cuộc họp với 50 nhà cung cấp, để giải quyết công nợ và các vấn đề liên quan hiện nay. Tuy nhiên, email không nói rõ những nhà cung cấp nào sẽ "được chọn" tham gia cuộc họp, bởi đối tác sàn này tại Việt Nam lên đến khoảng 500 người.

Đầu tháng 2, Leflair tuyên bố đóng cửa tại Việt Nam sau khoảng 4 năm hoạt động. Trong các biên bản làm việc với các nhà cung cấp, đại diện Leflair đều cam kết sẽ thanh toán công nợ đầy đủ. 

"Trong tuần sau, từ thứ 3 ngày 11/3/2020, sàn bắt đầu tiến hành thanh toán đầu tiên cho các nhà cung cấp", biên bản ngày 7/2 có ghi. Tuy nhiên, đến ngày 11/2, một biên bản khác được họp giữa Leflair và nhà cung cấp lại cho biết sẽ "cam kết thanh toán các khoản nợ khi được các nhà đầu tư/đối tác giải ngân các khoản tiền liên quan". 

Leflair cho biết nguyên nhân tạm ngừng kinh doanh tại Việt Nam là do gặp nhiều khó khăn trong tìm nguồn vốn, và cam kết trả tiền công nợ cho nhà cung cấp nhưng đến nay vẫn "bặt vô âm tín".

Đáng chú ý, Leflair liên tục gọi vốn và được rót vốn đầu tư gần đây. Tháng 1/2019, Leflair công bố vòng gọi vốn Series B từ 2 quỹ đầu tư GS Shop và Belt Road Capital Management, trị giá 7 triệu USD. Vòng gọi vốn thành công này đưa tổng giá trị các vòng gọi vốn của Leflair từ lúc thành lập đến nay đạt gần 12 triệu USD.