Ngân hàng tích cực triển khai định danh khách hàng điện tử eKYC

Từ tháng 7 đến nay, nhiều ngân hàng đã triển khai giải pháp eKYC và thu được những kết quả nổi bật.
Các ngân hàng 'chạy đua' triển khai eKYC - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TPBank).

Nếu như trước đây, khách hàng muốn mở tài khoản ngân hàng, mở thẻ ATM... sẽ phải đến trực tiếp quầy giao dịch để thực hiện các thủ tục đăng kí, xác minh thông tin, thì giờ đây các thao tác này đều có thể thực hiện qua chiếc điện thoại nhờ giải pháp định danh khách hàng điện tử (eKYC).

Bên cạnh tiết kiệm được thời gian và có trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, giải pháp này đang đem lại hiệu quả cao cho các ngân hàng, giúp các ngân hàng tiết giảm được nhân lực và chi phí.

Triển khai từ đầu tháng 7 năm nay, chỉ sau 2 tháng, VPBank, đơn vị đầu tiên trong ngành ứng dụng eKYC, đã có xấp xỉ 15.000 tài khoản đăng kí mới, bằng 50% so với dự tính của cả năm 2020. Ngân hàng dự tính trong năm nay sẽ có thêm khoảng 30.000 tài khoản khách hàng mới đăng kí qua eKYC.

Hay tại HDBank, sau 1 tháng triển khai từ ngày 1/8, phương thức eKYC trên App HDBank đã thu hút gần 15.000 khách hàng đăng kí. Thống kê cho thấy 40% khách hàng thực hiện các giao dịch online trên nền tảng ngân hàng số HDBank thường xuyên, nâng tỉ lệ giao dịch tăng trưởng 25% so với các tháng trước khi triển khai eKYC.

TPBank cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công eKYC và nhận được những thành quả nhất định. Sau 1 tháng triển khai kể từ đầu tháng 8, TPBank cho biết ngân hàng đã xử lí thành công cho gần 30.000 lượt đăng kí mới thông qua phương thức mở tài khoản trực tuyến và định danh khách hàng điện tử eKYC.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, nhận định rằng eKYC mang lại cho ngân hàng khả năng tiếp cận với khách hàng mới dễ dàng hơn, ở mọi lúc mọi nơi.

“eKYC đang thay đổi cách nhìn nhận của khách hàng về dịch vụ ngân hàng. Giờ đây tiếp cận các dịch vụ ngân hàng không chỉ đơn thuần là phải là bước vào các phòng giao dịch sang trọng, mát lạnh, mà hoàn toàn có thể ngồi ở bất cứ đâu và sử dụng mọi dịch vụ ngân hàng, từ mở tài khoản tới giao dịch thanh toán, chỉ với một chiếc điện thoại", vị CEO chia sẻ.

Từ đầu tháng 7/2020, NHNN đã cho phép khoảng 10 ngân hàng thương mại cổ phần được thí điểm áp dụng eKYC trong hoạt động với yêu cầu phải đảm bảo an toàn rủi ro, khi có tình huống xảy ra thì các ngân hàng thương mại phải tự chịu trách nhiệm. Có thể kể đến những cái tên khác như VietCapital Bank, NCB, Nam A Bank, CIMB, MBBank, VIB, LienVietPostBank.

Những rào cản của eKYC

Dù đem lại nhiều lợi ích cho cả khách hàng và tổ chức tài chính, eKYC cũng đặt ra nhiều câu hỏi về tính bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin, giao dịch của người sử dụng. Đặc biệt trong thời gian gần đây, nhiều trường hợp được phản ánh rằng khách hàng không vay nhưng vẫn mắc nợ ngân hàng hay tài khoản ngân hàng bỗng dưng mất tiền dù tài khoản đã thiết lập nhiều phương thức xác thực.

Theo báo cáo "Xác thực khách hàng điện tử - chìa khóa phát triển ngân hàng số" của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV,  eKYC được đánh giá là an toàn hơn và đem lại nhiều lợi ích hơn so với xác thực gặp mặt trực tiếp. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, cần đảm bảo hai yếu tố chính.

Thứ nhất là độ tin cậy, khi không gặp mặt trực tiếp, ngân hàng cần có biện pháp, hình thức và công nghệ đủ tin cậy để nhận biết và xác minh khách hàng. Tại Việt Nam hiện nay, một số biện pháp như chụp chứng minh thư, video call… đều có thể gặp rủi ro khi gian lận như làm giả chứng minh thư, căn cước công dân…, phương thức xác thực bằng vân tay hiện nay cũng đã bị làm giả.

Thứ hai là bảo mật thông tin khách hàng, cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng rất nhạy cảm, việc giữ thông tin an toàn, bảo mật là vô cùng quan trọng. Trong khi đó, hệ thống cơ sở dữ liệu này thường là mục tiêu của các đối tượng tấn công mạng. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn thông tin khách hàng còn phụ thuộc nhiều vào đạo đức nghề nghiệp của nhân viên ngân hàng.

Do đó, để triển khai eKYC hiệu quả và an toàn, nhóm tác giả kiến nghị rằng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia. 

Cùng với đó, NHNN nên giao quyền chủ động cho các NHTM trong việc sử dụng các biện pháp, hình thức và công nghệ phù hợp để xác thực định danh khách hàng, giúp NHTM có thể tăng tính chủ động, ra quyết định nhanh trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu khách hàng để khai thác chung nhằm tiết giảm chi phí giao dịch cho người tiêu dùng, ngân hàng và các chủ thể khác tham gia sau này.

Sắp hoàn thiện hành lang pháp lí

Trong phiên họp báo chính phủ thường kì mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết để tạo điều kiện và xác định trong vấn đề định danh khách hàng khi sử dụng các dịch vụ trung gian thanh toán, dịch vụ thẻ, NHNN dự kiến trong tháng 10/2020 ban hành thông tư thay thế cho Thông tư 23/2014.

Theo dự thảo, các NHTM được quyền quyết định gặp hoặc không gặp trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ. Khách hàng mở tài khoản tại quầy sẽ được cung cấp đầy đủ hạn mức, còn mở tài khoản eKYC, khách hàng được cấp hạn mức giao dịch là 100 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, để phù hợp với trường hợp mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử đối với khách hàng cá nhân, dự thảo thông tư qui định "Yêu cầu về giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán eKYC; ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có giải pháp, công nghệ để thu thập và kiểm tra tính chính xác, hợp lệ của bản số hoá giấy tờ tuỳ thân".

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.