Tại Đại hội toàn thể Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) lần thứ 6 (nhiệm kỳ 2021-2025) diễn ra ngày 22/12, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết trong quý I và quý II, xuất khẩu thủy sản giảm lần lượt 10% và 7% so với cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, từ tháng 7 trở đi, xuất khẩu bắt đầu hồi phục và tăng trong 3 tháng cuối năm từ 10-13%/tháng đã giúp bù đắp mức sụt giảm trước đó, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm đạt 8,6 tỷ USD, tương đương năm 2019.
Đáng chú ý xuất khẩu tôm tăng trưởng 2 con số từ tháng 6 và tăng mạnh 25% trong tháng 9 và tháng 10, sang tháng 11 tiếp tục tăng 28%.
Với mức duy trì tốt như hiện nay, xuất khẩu tôm năm 2020 dự kiến đạt trên 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng chiếm 72% giá trị xuất khẩu, ước đạt gần 3 tỷ USD, trong khi tôm sú chỉ đạt 616 triệu USD, chiếm 16% và tôm biển chiếm 12% đạt 462 triệu USD.
Phát biểu tại đại hội, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty CP chế biến thực phẩm Sao Ta (Fimex, Mã: FMC) cho rằng ngành tôm trong năm 2020 có sự tăng trưởng vượt bật, tăng 15% so cùng kỳ năm 2019, là con số chưa từng có trong 10 năm qua khi các năm trước chỉ tăng 2-3%.
Tốc độ tăng trưởng này đến từ nhiều yếu tố, trong đó có sự yếu đi của đối thủ, trong khi đó, sự năng động của nhiều thành phần, nhiều mắt xích trong chuỗi ngành tôm đã làm cho tình hình nuôi tôm cũng như sản lượng tăng cao trong năm 2020.
Tuy nhiên ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ngành tôm nói riêng năng suất lao động vẫn còn thấp dẫn đến hạn chế năng lực cạnh tranh. Yếu tố tăng trưởng chủ yếu nhờ việc tăng số lượng lao động. Dẫn chứng tại Fimex ông Lực cho biết công ty tăng 20% lao động trong năm qua.
"Làm việc trong ngành thủy sản rất vất vả, môi trường làm việc lạnh, ẩm thấp, thời gian lao động dài. Ngành thủy sản cũng thường xuyên đối diện tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng nhiều năm qua", ông Lực chia sẻ.
Dù vậy, theo ông Lực trong bối cảnh dịch COVID-19 trên toàn cầu, các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu tôm với Việt Nam đang ở hoàn cảnh chưa thể phục hồi sớm hơn các doanh nghiệp Việt, khi những hiệu quả về phòng chống dịch bệnh ở trong nước của Việt Nam đang được thế giới thừa nhận. Đây cũng chính là cơ hội để ngành tôm Việt có thể gia tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, sau COVID-19, tình trạng lao động trong ngành có thể sẽ trở về và đây là vấn đề các doanh nghiệp cần lưu ý.
"Trong năm tới, tình hình nuối tôm sẽ tươi sáng và tăng sản lượng, mặc dù cơ sở hạ tầng còn yếu kém nhưng nguyên liệu sẽ tiếp tục ở dấu cộng (tăng trưởng), thị trường cũng dấu cộng nhưng lực lượng lao động vẫn là điểm trừ (thiếu) của ngành", ông Lực nhận định.
Đồng thời trong thời gian tới ngành tôm Việt cần nâng cao công suất chế biến của nhà máy, bởi lao động giá rẻ sẽ không còn là lợi thế và yêu cầu tận dụng, ứng dụng các thành quả công nghệ 4.0 vào nhà máy chế biến cần được doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn. Đây là mấu chốt để ngành tôm nâng tầm.
Theo VASEP ngành tôm đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xuất khẩu 1 triệu tấn, riêng với năm 2021 đạt mức tăng trưởng kim ngạch 15%.
Để làm được điều này, ngành tôm cần giảm giá thành từ nguyên liệu đến thành phẩm, nâng sức cạnh tranh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm có trách nhiệm, hài hòa hóa các chứng nhận quốc tế và gia tăng chế biến sâu các sản phẩm.
Đồng quan điểm, ông Lực nhận định mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 là khả qua. Đồng thời đánh giá về tương lai của ngành tôm trong 5 năm tới sẽ đi về đâu, có vượt qua Ấn Độ hay không?
Ông Hồ Quốc Lực cho rằng: "Không cần phải 5 năm tới bởi năm nay Việt Nam đã có 800.000 tấn nguyên liệu trong khi Ấn Độ giảm 20%. Năm sau nếu quốc gia này có phục hồi cũng không thể nhanh được, còn Việt Nam thì đang có tốc độ phát triển tốt. Do đó, không cần 5 năm mà chỉ 1-2 năm, Việt Nam sẽ trở thành nước có sản lượng tôm lớn nhất thế giới".
Nhưng để đạt được điều này, đại diện Fimex cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề, trong đó lưu ý về nguồn nguyên liệu của quý I năm sau sẽ thiếu hụt rất lớn do tình hình thời tiết và các kho nguyên liệu không còn nhiều.