Nghe 'Tây' góp ý chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Bộ GD-ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với dự định bỏ thi tốt nghiệp phổ thông và định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 11, lớp 12. Một số người nước ngoài có am hiểu về giáo dục chia sẻ ý kiến về vấn đề này.
nghe tay gop y chuong trinh giao duc pho thong tong the

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chú trọng các hoạt động trải nghiệm, thực hành của học sinh. Trong ảnh: một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cùng học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) trải nghiệm phương pháp học tập hiệu quả - Ảnh: Như Hùng

* Ông Kit Davidson (giáo viên người Mỹ):

Bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông là ý tưởng hay

Theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông là kỳ thi không cần thiết.

Các nghiên cứu được thực hiện tại các nước phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy không phải tất cả học sinh đều có thể thể hiện được đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng của mình thông qua một kỳ thi được chuẩn hóa.

Các em học sinh có thể rất thông minh, nhưng có em vì quá lo lắng cho kỳ thi nên kết quả là không đạt được điểm cao như thực lực của mình.

Chúng ta không bắt học trò mặc quần áo hay đi giày cùng size, vậy sao lại làm chuyện tương tự với tư tưởng và kiến thức của các em?

Ở Mỹ, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông bằng việc hoàn thành số học phần mà nhà trường yêu cầu. Việc này cho phép học sinh hoàn thành việc học của mình theo lịch trình riêng của các em. Học sinh nào học xong các học phần sớm thì tốt nghiệp sớm, có khi sớm hơn cả một học kỳ hoặc thậm chí một năm.

Tương tự, học sinh nào cần thêm một năm nữa nhằm học thêm để đạt được số lượng học phần yêu cầu cũng được.

Tuy nhiên, thay vì có một kỳ thi cấp trường để tốt nghiệp, mỗi lớp sẽ có bài thi riêng. Việc này là tốt bởi vì những học sinh nào không giỏi toán chỉ phải hoàn thành số học phần tối thiểu theo yêu cầu, còn em nào học toán tốt sẽ được tham gia bài thi khó hơn.

Kỳ thi chuẩn hóa duy nhất mà tất cả học sinh phổ thông trên toàn nước Mỹ phải tham gia là bài thi ACT (American college testing) đánh giá đầu vào đại học.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một kỳ thi đánh giá cách học sinh học các tài liệu ACT và không phải là một kỳ thi mang tính đậu/rớt. Vì vậy, dù cuối mỗi khóa học vẫn có bài thi, cùng kỳ thi ACT, ở Mỹ không có kỳ thi nào hoàn toàn tập trung và diễn ra trên diện quốc gia quyết định việc tốt nghiệp.

Tôi có nghe rằng dự thảo đổi mới cũng sẽ tập trung hướng nghiệp cho học sinh lớp 11 và lớp 12. Hướng nghiệp là một ý tưởng tuyệt vời, đặc biệt là ở Việt Nam. Việc này hiện tại vẫn đang được thực hiện, tuy nhiên cần phải được thay đổi để chuẩn bị tốt hơn cho tất cả học sinh.

Hiện tại, theo quan sát của tôi, giáo dục Việt Nam chỉ hướng đến một số ngành nhất định như kiến trúc, ngân hàng, kỹ thuật, công nghệ thông tin..., còn ngoài những lộ trình này, hầu như có rất ít sự chuẩn bị cho học sinh.

Giáo dục hướng nghiệp và trang bị hành trình cho học sinh, nhưng cuối cùng lại trở thành hệ thống cứng nhắc hướng học sinh đến những ngành “quen mặt”, còn lại không có hỗ trợ hoặc hướng nghiệp cho những nghề khác.

Theo tôi, trong hướng nghiệp nên bàn làm thế nào để chuẩn bị cho sinh viên tốt hơn ở tất cả các nghề có thể, chứ không chỉ quảng bá một vài lĩnh vực nhất định.

* Ông Oliver William Dowden (người Anh, giám đốc SOL Education):

Cần tham vấn các bên liên quan

Theo kinh nghiệm của tôi khi tham gia cải cách và thực hiện các chương trình giáo dục mới, chỉ có thể thành công khi tất cả các bên liên quan cùng tham gia vào quá trình phát triển, thực hiện và đào tạo.

Để giáo viên có thể làm việc trong một khuôn khổ mới, họ phải tự tin, có kỹ năng và được đào tạo để có thể đạt được các kỳ vọng đề ra.

Việt Nam có rất nhiều giáo viên tận tâm, có sức truyền cảm hứng và có năng lực, cùng với sự đầu tư đúng đắn vào cơ sở vật chất và công tác đào tạo, một sự chuyển đổi trong chương trình giảng dạy có thể thành công.

Khi các bạn nhìn vào những hệ thống giáo dục thành công nhất trên thế giới và cách họ phát triển cũng như đổi mới hệ thống của mình, bạn có thể thấy nhiều bên liên quan được tham vấn và tham gia vào sự phát triển đó.

Biết được quan điểm của giáo viên, ban giám hiệu nhà trường, chuyên gia đào tạo, cộng đồng và chính quyền đồng nghĩa rằng mọi người đều hiểu và đóng góp vào sự chuyển đổi. Nước Anh đã làm chuyện này nhiều lần.

* Ông Stephen Isaacs (người Anh, giáo viên):

Nên có chương trình đào tạo giáo viên kỹ lưỡng

Ở Anh, học sinh tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ trung học phổ thông GCSE ở tuổi 16 (thường có tám môn), sau đó sẽ là kỳ thi lấy chứng chỉ giáo dục phổ thông bậc cao A-level (thường có ba môn) vào năm 18 tuổi. Kết quả kỳ thi A-level được dùng để xét tuyển đại học.

Việc cải cách giáo dục cần phải chú trọng đến giáo viên. Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT nên có chương trình đào tạo giáo viên kỹ lưỡng để họ có thể đáp ứng được những thay đổi sau năm 2020. Nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vào năm 2020, từ giờ ngành giáo dục sẽ có thời gian đào tạo lại giáo viên với những phương pháp sư phạm mới.

Hệ thống giáo dục của Anh nhấn mạnh rằng học sinh phải là trung tâm của bất kỳ việc giảng dạy nào. Đối với tôi, điều này có nghĩa là mình phải soạn giáo án dựa trên mọi trình độ và khả năng nhằm hỗ trợ tất cả học sinh để phát huy được tiềm năng tối đa. Tuy nhiên, tư duy giáo dục đó đã tồn tại nhiều thập niên chứ không phải có thể thay đổi một sớm một chiều.

* Ông Rafael Ribeiro (người Brazil, giáo viên):

Thi xong quên hết...

Tương tự như Việt Nam, Brazil cũng có một kỳ thi bắt buộc gọi là “Vestibular” và học sinh phải vượt qua kỳ thi này để vào học đại học. Kỳ thi này về cơ bản có hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên là kỳ thi bao gồm tất cả các môn học mà học sinh học ở trường phổ thông.

Giai đoạn thứ hai cụ thể hơn, là một kỳ thi gồm hai môn gần với chuyên ngành mà thí sinh chọn khi vào đại học. Ví dụ: nếu bạn muốn học ngành y ở đại học, bạn sẽ phải thi môn hóa học và sinh học. Nếu bạn muốn học luật thì bạn sẽ thi môn sử và tiếng Bồ Đào Nha.

Để vượt qua kỳ thi này, học sinh thường phải học hành rất chăm chỉ vì nó rất khó và áp lực. Tuy nhiên, nhiều em thường quên hết những gì mình đã học sau khi vượt qua được kỳ thi.

Ngoài ra, còn có một kỳ thi khác gọi là “kỳ thi phổ thông quốc gia” (ENEM), nhưng đây chỉ là một kỳ thi bổ sung, có vai trò như một công cụ bổ sung cho các trường đại học trong việc chọn sinh viên. Các trường có thể quyết định có cộng điểm ENEM vào tiêu chí xét tuyển hay không, thường thì hầu hết các trường công lập đều tính, còn trường tư thì không nhiều.

Tôi nghĩ dự thảo mới hướng đến việc bỏ thi tốt nghiệp phổ thông là đúng, vì bản thân con đường vào đại học đã có khả năng xếp loại những người có năng lực và những người không rồi.

Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với việc giáo dục phổ thông nên định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Theo tôi, chuyện này là vô cùng quan trọng, bởi vì việc một học sinh lớp 12 phải chọn một chuyên ngành/nghề nghiệp để có thể theo mình suốt đời không phải là việc dễ dàng.

Tôi nói điều đó dựa trên kinh nghiệm của riêng mình: tôi có bằng chuyên ngành quảng cáo, nhưng giờ nghĩ lại, tôi thấy mình nên học ngôn ngữ hoặc âm nhạc - những thứ phù hợp với tính cách của mình hơn.

Lương giáo viên thấp, khó cải thiện giáo dục Khó khăn thực sự khi Việt Nam muốn cải thiện nền giáo dục theo hướng công việc của giáo viên sẽ nhiều hơn trong khi lương của giáo viên còn thấp. Theo tôi, khi chưa tăng lương cho giáo viên tương xứng thì mặc dù có cách để cải thiện nền giáo dục nhưng hiện nay ở Việt Nam đây vẫn chưa là một mục tiêu hoàn toàn thực tế. Trong khi đó, ở Mỹ, điều đem lại lợi ích cho học sinh, sinh viên nhiều nhất tôi nghĩ là giáo viên được tạo điều kiện phát huy khả năng của mình. Giảng dạy là công việc mà nhiều người làm vì thực sự yêu nghề. Nhìn thấy học sinh đạt được kiến thức và sử dụng những hiểu biết đó khiến họ thấy tự hào. Một giáo viên yêu nghề sẽ nghĩ ra nhiều thứ để lôi cuốn học sinh học tập, họ có thể soạn riêng các khóa học chỉ dành cho một số học sinh nhất định để thúc đẩy các em phát triển. Chương trình giáo dục linh động cho phép những giáo viên nhiệt tình này thách thức học sinh của họ để có thể tạo ra một số cá nhân tuyệt vời ở bậc đại học, hay khai phá được tiềm năng của học sinh mà ngay cả các em cũng không biết. Điều này không có nghĩa là giáo viên muốn dạy gì cũng được, những thử thách họ đưa ra vẫn phải liên quan đến chương trình học, chỉ là nâng lên cấp độ khó hơn mà thôi.

Kit Davidson

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.