Những đứa trẻ thích thú với món quà là chú chuồn chuồn, cào cào, cánh bướm được tặng. (Ảnh: HÀ THANH).
Dạo quanh con đường Tố Hữu (Hà Nội), một người đàn ông đang khéo léo đưa cây kéo lên tỉ mẩn tỉa tót từng chiếc lá dừa thành hình dáng chú chuồn chuồn, cánh bướm hay chú cào cào quen thuộc, xung quanh người đi đường tò mò đứng lại ngắm nhìn.
Anh là Nguyễn Mạnh Thắng, 40 tuổi, quê Nam Định, đã gắn bó với nghề đan lá dừa suốt 13 năm qua.
Anh Thắng cười hiền tự gọi nghề của mình là nghề "xỏ lá" - hiểu đơn giản là đan, xếp những chiếc lá dừa lại với nhau. Vừa mời chào một bà mẹ mua hai chú chuồn chuồn lá dừa, anh Thắng còn nhiệt tình hướng dẫn khách hàng tự tay đan lấy con vật ưa thích, tất cả công đoạn chưa đầy 5 phút.
"Chị nhớ nếu chưa dùng ngay thì thả lá dừa vào nước, nếu muốn em có thể hướng dẫn cho chị tự tay đan lá dừa được cho các con vui, có gì chị cứ gọi em", anh Thắng nhiệt tình dặn dò.
Người đàn ông bước sang tuổi tứ tuần nhớ rất rõ, như một cơ duyên anh bắt đầu gắn bó với chú chuồn chuồn, cánh bướm, cào cào "trở về tuổi thơ" từ con đường Thanh Niên, đến nay ngót 13 năm chúng cùng anh rong ruổi khắp phố phường Hà Nội.
Anh Nguyễn Mạnh Thắng có đôi tay khéo léo tỉ mẩn cắt tỉa lá dừa thành các sản phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo. (Ảnh: HÀ THANH).
Đôi tay khéo léo của người đàn ông này đã gắn bó với lá dừa suốt 13 năm nay. (Ảnh: HÀ THANH)
Anh kể, những năm 2006 lúc mới vào nghề, mỗi ngày anh đan được chừng 100 con vật hình thù khác nhau. Đến nay có "nhắm mắt" anh cũng đan được cào cào, ước chừng 3-4 phút là đôi tay anh có thể hoàn thành xong một chú cào cào đẹp mắt.
Để đáp ứng thị hiếu khách hàng, mỗi ngày anh đều mày mò sáng tạo thêm những sản phẩm bắt mắt khác như giỏ hoa hồng phù hợp cho các bạn trẻ, mũ, giỏ đựng, đèn lồng... tất cả đều làm từ nguyên liệu lá dừa.
Giá bán chuồn chuồn, cào cào, cánh bướm, chim, con cá… làm từ lá dừa 15.000 đồng/con, hoa hồng 20.000 đồng/bông.
"Nếu khách hàng mua nhiều sẽ giảm giá nhiệt tình", anh Thắng dí dỏm nói.
Nhờ gắn bó với nghề "xỏ lá", nên dù công việc vất vả nhưng cũng được đồng ra đồng vào.
"Tôi nhớ giá vàng hồi đó chưa đầy 1,5 triệu đồng, làm ngày làm đêm cứ 3 ngày tôi kiếm được 2 chỉ vàng. Bây giờ giá vàng cao ngất, làm với tốc độ cao mỗi ngày cũng kiếm được tiền triệu", anh Thắng nói.
Anh Thắng đang khéo léo tạo hình cánh bướm, anh cho biết làm cánh bướm quan trọng ở đường cắt, muốn cắt được như ý phải há rộng kéo ra, gấp đôi lá dừa vào cho đối xứng. Sáng tạo cánh bướm trên, cánh bướm dưới, sáng tạo hoa văn... chưa đầy 5 phút anh Thắng đã hoàn thành xong. (Ảnh: HÀ THANH).
Chú chim làm từ lá dừa đẹp mắt. (Ảnh: HÀ THANH).
Một bó hồng đặc biệt được kết từ 7 đóa hồng nhỏ, bó này có giá 150.000 đồng. (Ảnh: HÀ THANH).
Khó khăn nhất là nguyên liệu lá dừa nước không sẵn có, để làm ra các sản phẩm đầy sáng tạo này anh Thắng phải đặt hàng từ những người bạn miền Nam lấy đúng chủng loại lá dừa nước, không bị sâu để cho ra sản phẩm đẹp nhất.
Anh bộc bạch khó khăn là vậy nhưng có tâm huyết với nghề, có sự tìm tòi, đầu tư thời gian thì chắc chắn "nghề không phụ".
Mấy năm gần đây, nhận thấy tay nghề khéo léo của anh Thắng, nhiều doanh nghiệp, nhà hàng tổ chức sự kiện cưới hỏi đều gọi điện đặt hàng sản phẩm, một số trường học còn mời anh đến tận nơi hướng dẫn học sinh cách làm các sản phẩm sáng tạo.
Gần đây khách đặt hàng nhiều, anh ít bán rong hơn hẳn nhưng hễ có thời gian là anh mang vác bộ đồ nghề rong ruổi vài ba con phố quen mời khách mua hàng, vừa mời khách vừa hướng dẫn họ tự tay làm.
Một cháu bé tạo dáng ngộ nghĩnh với bông hồng từ lá dừa. (Ảnh: HÀ THANH).
Cô bé ngẩn ngơ ngắm đóa hồng làm từ lá dừa đẹp mắt. ( Ảnh: HÀ THANH).
Có một điều anh Thắng luôn tâm niệm là làm thế nào để lan rộng các sản phẩm thân thiện môi trường này đến với nhiều người dân thủ đô.
Anh hi vọng sắp tới có nhiều người quan tâm đến sản phẩm này hơn bởi đây là sản phẩm từ thiên nhiên, không độc hại, thiết thực trong việc bảo vệ môi trường.
Đến xế chiều, anh Thắng gấp gọn bộ đồ nghề tiếp tục rong ruổi đến vườn hoa Hà Đông cũng là địa điểm anh thường bày bán hàng. Vừa cầm trên tay những chú cào cào, chuồn chuồn, một đám trẻ đang học võ ở đây xúm lại hỏi han…
Mỗi đứa trẻ được người bán hàng thảo thơm tặng cho con vật yêu thích, cậu bé Bùi Công Thành (9 tuổi) mân mê mãi món quà được tặng.
"Hồi trước nhìn thấy chú con làm nên con rất thích, mấy con (vật) này có màu xanh rất đẹp, trông hay lắm, con thích hơn đồ chơi bằng nhựa nhiều", Thành nói và quả quyết sẽ xin chú Thắng hướng dẫn cho cách làm sáng tạo này.
Sản phẩm dép từ mo cau được hoàn hiện về kiểu dáng và đang được thử nghiệm độ bền. (Ảnh: HÀ THANH).
Mới đây, anh Nguyễn Mạnh Thắng còn mày mò thử nghiệm làm sản phẩm dép từ mo cau, hình dáng đôi dép đã hoàn thành nhưng anh vẫn cẩn thận thử nghiệm thêm độ bền.
Anh cho biết mo cau ở Hà Nội rất nhiều, mỗi ngày các cô công nhân vệ sinh môi trường thu gom được hàng tấn, từ nguyên liệu này có thể làm được nhiều sản phẩm thân thiện môi trường.
"Tôi mê lắm vì thấy có khả năng thành công, hiện tôi đang ngâm nước đôi dép để thử độ bền bao nhiêu. Nếu lan rộng ra được, nhiều người có thể tự mày mò làm dép hay túi xách. Tôi nghĩ đó là giải pháp hay bảo vệ môi trường và có thể thay thế túi nilông đang lan tràn như hiện nay", anh Thắng nói.
Giá mỗi con vật từ lá dừa là 15.000 đồng. (Ảnh: HÀ THANH).
"Nhiều người ngạc nhiên vì tôi bán hàng lại còn hướng dẫn họ, nhưng đã trải qua tuổi thơ nên tôi biết tự tay làm được sản phẩm thì thích thú lắm. Thấy một cháu bé làm được, khơi dậy sự sáng tạo của cháu, tôi rất vui. Bỏ thời gian ra, tốn thêm vài phút thôi nhưng hướng dẫn cho người yêu thích thì hay lắm chứ: Anh Nguyễn Mạnh Thắng.