Hiện nay chưa có kết quả chính thức của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.
Các mốc thời gian chính của cuộc bầu cử năm nay như sau: Ngày 3/11/2020, cử tri phổ thông đi bỏ phiếu. Ngày 14/12, các đại cử tri ở mỗi bang đi bỏ phiếu. Ngày 6/1/2020, Quốc hội đếm phiếu đại cử tri và cuối cùng, vào giữa trưa 20/1/2020, tổng thống cũ chuyển giao quyền lực, tổng thống mới nhậm chức.
Các thông tin về việc ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden thắng cử hiện nay đều dựa trên dự phóng của giới truyền thông. Tuy không phải công bố chính thức nhưng những dự phóng này rất đáng tin cậy vì các hãng tin lớn như NBC, Fox News, CNN, Reuters … đều phải phân tích kĩ lưỡng kết quả kiểm phiếu sơ bộ ở các bang rồi mới dám nhận định.
Ngoài ra, dự phóng ông Biden chiến thắng không được đưa ra một cách vội vàng ngay trong đêm bầu cử mà các hãng tin đều thận trọng đợi vài ngày đến khi các bang chiến địa như Pennsylvania , Georgia, North Carolina, Nevada … kiểm được gần hết số phiếu gửi qua thư.
Một số người ủng hộ ông Trump đang nuôi hi vọng dự phóng của giới truyền thông là sai và đã nhanh chóng chia sẻ hình ảnh được cho là trang nhất báo Washington Times năm 2000 với dòng tít lớn: "President Gore" (Tạm dịch: "Tổng thống Gore").
Trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2000, đương kim Phó Tổng thống Al Gore đối đầu với ứng viên Đảng Cộng hoà George W. Bush (Bush con). Kết quả là ông Gore thắng phiếu bầu phổ thông trên cả nước nhưng thua về phiếu đại cử tri và do vậy không đắc cử tổng thống.
Riêng tại bang chiến địa Florida, ông Gore mất toàn bộ 25 phiếu đại cử tri vào tay ông Bush chỉ vì thua 537 phiếu phổ thông trên tổng số gần 6 triệu phiếu bầu.
Ông Tim Murtaugh - Giám đốc truyền thông của chiến dịch tranh cử Trump đã đăng bức ảnh được cho là trang nhất báo Washington Times năm 2000 với hàm ý rằng dự phóng của báo chí rất có thể sai và ông Trump vẫn còn cơ hội đắc cử.
Đúng là ông Trump vẫn còn cơ hội, dù rất nhỏ. Tuy nhiên bức ảnh chụp báo Washington Times là giả mạo. Trên trang Twitter chính thức ngày 8/11, tờ Washington Times tuyên bố báo này chưa bao giờ đăng dòng tít "Tổng thống Gore" mà chỉ đăng "Tổng thống Bush". Hình ảnh lan truyền trên mạng đã bị chỉnh sửa.
Theo Bloomberg, Giám đốc truyền thông Tim Murtaugh của chiến dịch Trump sau đó đã nhanh chóng xoá hình ảnh sai lệch khỏi Twitter của mình.
Hôm thứ Sáu tuần trước (6/11), trên mạng xã hội rộ lên tin đồn bang Pennsylvania có 21.000 phiếu bầu của người đã chết. Một số người cho rằng toàn bộ số phiếu này đều bầu cho ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden.
Nhiều tổ chức truyền thông thân Trump và ông Rudy Giuliani - luật sư riêng của ông Trump đồng loạt chia sẻ thông tin "người chết đi bầu cử" này như là bằng chứng của hành vi gian lận gây bất lợi cho ông Trump.
Theo New York Times, tin đồn xuất phát từ việc Quĩ Pháp lí vì Lợi ích Công cộng (Public Interest Legal Foundation) khởi kiện bà Kathy Boockvar - Tổng thư kí bang Pennsylvania từ ngày 15/10 với cáo buộc bà Kathy để 21.206 người được cho là đã chết vẫn ở trong danh sách bầu cử.
Ngày 20/10 (tức là trước khi cuộc bầu cử diễn ra), thẩm phán John E. Jones III đã ra phán quyết: "Chúng ta không thể tin lời của nguyên đơn trong một cuộc bầu cử mà mọi phiếu bầu đều quan trọng. Chúng ta sẽ không chỉ dựa vào cáo buộc của một quĩ tư nhân mà tước đi quyền của những người có thể được phép bầu cử".
Một người phát ngôn của văn phòng Tổng Chưởng lí bang Pennsylvania nói: "Toà án không thấy có bất kì thiếu sót nào trong cách Pennsylvania quản lí danh sách cử tri. Hiện nay không có bằng chứng nào cho thấy người chết bỏ phiếu trong cuộc bầu cử 2020".
Tại Michigan - một bang chiến địa khác - cũng xuất hiện tin đồn người chết đi bầu cử. Tuy nhiên sau khi xác minh, New York Times cho biết các cử tri bị nghi ngờ tại đây vẫn còn sống.
Tin đồn xuất hiện vì một lỗi văn thư đơn giản: Một cử tri không có ngày sinh chính xác nên hệ thống máy tính gán giá trị mặc định là 01/01/1901, tạo ra hiểu lầm rằng người này sinh ra 119 năm trước trong khi thực tế bà mới 74 tuổi và vẫn còn sống.
Văn phòng Tổng thư kí bang Michigan khẳng định không đếm các phiếu bầu của người chết. Dù một người gửi phiếu bầu sớm qua thư rồi sau đó qua đời trước ngày bầu cử 3/11/2020 thì phiếu bầu đó cũng không được đếm.
Một trong những hình ảnh phổ biến lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua là ảnh chụp nhiều tờ giấy trông giống phiếu bầu (hoặc phong bì đựng phiếu bầu) bị bỏ trong thùng rác, kèm theo caption (lời chú thích) rằng tất cả đều bầu cho ông Trump.
Đây là một dạng tin giả điển hình, hoàn toàn không có bằng chứng xác thực và đánh trúng vào tâm lí của nhiều người dùng mạng xã hội là "cái gì có hình ảnh đi kèm đều đáng tin". Một dòng tweet với nội dung "phiếu bầu bị vứt vào thùng rác" đã được chia sẻ 5.000 lần và được thích 7.000 lần trước khi bị xoá.
Trong thực tế, việc tải một hình ảnh trên mạng Internet về rồi viết thêm vài dòng chữ đi kèm không có gì khó khăn. Một người có thể viết "hàng nghìn phiếu bầu cho ông Trump bị bỏ vào thùng rác" thì người khác cũng có thể viết "phiếu trong thùng rác đều bầu cho ông Biden", tuỳ vào chủ đích của mỗi người.
Theo tờ New York Times, bức ảnh trên đây được chụp từ sau cuộc bầu cử giữa kì tháng 11/2018. Các phiếu bầu nằm trong thùng rác sau khi đã được kiểm đếm.
Hôm 4/11, ông Matt Mackowiak - một nhà tư vấn theo Đảng Cộng hoà tại bang Texas đăng lên Twitter bức ảnh chụp màn hình cho thấy ông Biden nhận được sự ủng hộ của toàn bộ 138.000 phiếu bầu mới được kiểm.
Tweet của ông Mackowiak nhanh chóng gây bão trên mạng xã hội. Chưa đầy hai giờ sau, chính Tổng thống Trump đã chia sẻ lại dòng tweet này với câu hỏi: "Thế này là thế nào?"
Tuy nhiên chỉ 30 phút sau khi ông Mackowiak đăng tweet, các quan chức bầu cử đã phát hiện ra rằng vấn đề chỉ đơn giản là lỗi đánh máy khi hiển thị kết quả kiểm phiếu lên bản đồ bầu cử và đã nhanh chóng sửa lại.
Ông Mackowiak cũng đã xoá tweet ban đầu và đăng một tweet khác để làm rõ: "Lỗi hiển thị ban đầu chỉ là một vấn đề nhỏ tại một hạt của Michigan".
Tuy nhiên, ông Trump và nhiều người khác phớt lờ mọi lời giải thích từ ông Mackowiak - người đăng tweet ban đầu - cũng như của chính quyền địa phương. Chia sẻ của ông Trump vẫn còn đó.
Hình ảnh ban đầu mà ông Mackowiak đăng về số phiếu bầu nhảy vọt bất thường được chia sẻ hàng trăm nghìn lần nhưng dòng tweet đính chính của ông đăng từ ngày 5/11 đến nay mới được chia sẻ chưa đầy 4.000 lần.
"Thực tế này nói lên rằng: Thằng nói dối chạy được nửa vòng trái đất rồi mà thằng nói thật vẫn chưa kịp xỏ đôi giày vào chân", ông Mackowiak nhận xét.