Hiện nay, một số nơi trên địa bàn TP. Hà Nội, các kênh mương quanh khu vực đang trong tình trạng bị ô nhiễm, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại những nơi này rất cao.
Chúng tôi có mặt tại một con kênh chạy song song với đường Thụy Khuê, đoạn gần khu vực chợ Tam Đa, thuộc địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội), mùi hôi thối của con kênh bốc lên nồng nặc, nước nước sinh hoạt thải ra trực tiếp ra lòng kênh, nhiều chỗ ứ đọng, đóng màng, kết váng trên bề mặt, cộng thêm tình trạng vứt rác bừa bãi, tạo điều kiện thuận lợi cho bọ gậy phát triển.
Trước tình trạng trên, những người dân ở đây luôn sống trong lo lắng khi mà dịch bệnh sẽ “ghé cửa” nhà mình bất cứ lúc nào.
Một người dân ở ngõ 199, đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ, con kênh trước kia vốn là một nhánh của sông Tô Lịch, có dòng chảy lớn, nhưng qua nhiều năm, lòng sông bị lấn dần, thu hẹp để nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng.
“Nói là sông cho lịch sự, chứ giờ thì khác nào là cái mương nước, việc ô nhiễm không phải chỉ bây giờ mới có, một số các cụ già, trẻ nhỏ ở đây mắc bệnh về hô hấp... trong khi đó, dịch sốt xuất huyết đang lan rộng, chúng tôi ai chẳng lo lắng, nhưng lo lắng thì giải quyết được gì, lực bất tòng tâm…”.
Ghi nhận dọc theo con kênh tại ngõ 79, đường Thụy Khuê (Tây Hồ - Hà Nội) bề mặt nước đóng màng, đen đặc, bốc mùi hôi thối. |
Cũng theo người dân, từ khi bệnh sốt xuất huyết bùng phát ở Hà Nội, con kênh này chưa được nạo vét lần nào, rác rưởi sinh hoạt vẫn nổi trên bề mặt con kênh. Một số hộ gia đình không dám ngủ ở dưới tầng 1 như trước kia, tối đến lên tầng 2 đóng kín cửa để hạn chế tối đa việc muỗi có thể xâm nhập vào phòng ngủ.
Được biết, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội) được xem là ổ dịch sốt xuất huyết với 17 ổ dịch, 66 ca mắc bệnh, 38 ca được theo giám sát. Ngày 20/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi kiểm tra và đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn cần nỗ lực, phòng chống dịch.
Tại một địa điểm khác, khu vực bãi rác Nam Sơn, thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội), sau hơn một tháng kể từ xảy ra tình trạng “đong ruồi bằng cân” chấm dứt, thì nay người dân đang lo lắng, đối phó với dịch sốt xuất huyết có nguy cơ xảy đến.
Theo anh Vũ Ngọc Hà, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) - người dân sống gần khu vực bãi rác Nam Sơn chia sẻ, tình trạng ruồi kéo về không còn, nhưng muỗi vẫn có, ban đêm khi đi ngủ, không nhà nào là không mắc màn phòng nguy cơ bị muỗi đốt.
Rác rưởi tràn lan, nhiều chỗ nước không lưu thông, đóng váng trên bề mặt, tạo điều kiện cho bọ gậy phát triển (Ảnh Bảo Long). |
“Sống cạnh núi rác lớn nhất Hà Nội, vừa trải qua nạn ruồi tấn công, thì nay chúng tôi lại có thêm nỗi lo về dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát. Ngoài việc được cơ quan chức năng phun thuốc để diệt muỗi, chúng tôi còn tự bỏ tiền túi ra để mua thuốc về tự phun thêm”, anh Hà chia sẻ.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy thường kỳ chiều 22/8, từ ngày 14/8 đến 20/8 đã ghi nhận 3.524 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết). Như vậy, tính từ ngày 1/1/2017 đến nay, toàn Thành phố đã ghi nhận 18.862 trường hợp, 7 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi: 16.343 (chiếm 86,6%). Hiện còn 2.519 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp, Hà Nội đã huy động hơn 60.000 người để phòng chống sốt xuất huyết. |
Hà Nội sẽ cân nhắc việc công bố dịch sốt xuất huyết Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp nên các đơn vị vẫn ... |