Cư xá Thanh Đa gồm 15 lô chữ và 8 lô số được xây dựng vào năm 1972, trong đó hai lô IV và VI đã bị tháo dỡ 3 năm trước. (Video: Ngự Kỳ).
Cách trung tâm TP HCM khoảng 5 km, qua cầu Kinh, khu cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) có diện tích khoảng 36 ha. Trong đó, cụm gồm 15 lô chữ và 8 lô số xây dựng từ năm 1960, lô 4 và 6 xây năm 1972
Hình ảnh trái ngược giữa khu vực Thảo Điền (quận 2) đang phát triển mạnh với khu Thanh Đa (quận Bình Thạnh) vẫn còn khá hoang sơ vì dự án treo hơn hai thập kỉ. Khu cư xá Thanh Đa thời điểm sau hoàn thành từng là dự án nhà ở lớn nhất miền Nam.
Gần 50 năm tuổi, các khu cư xá này đã xuống cấp, tình trạng lún nứt, bong tróc, thấm dột xảy ra khá phổ biến. Để tăng diện tích sử dụng, nhiều gia đình tự ý lắp "chuồng cọp" phía trước căn hộ của mình
Hệ thống dây điện, cáp chằng chịt trong các block chung cư Thanh Đa. UBND quận Bình Thạnh đang tiến hành làm thủ tục di dời hơn 1.300 cư dân trong 8 lô số bị xuống cấp.
Trước đó, năm 2016, UBND quận Bình Thạnh đã tháo dỡ 2 lô IV và VI vì bị nghiêng, lún nghiêm trọng. Hai chung cư này được kiểm định thuộc cấp D về mức độ nguy hiểm. 6 lô số còn lại (gồm I, II, VIII, IX, X, XI) cũng được xếp mức độ nguy hiểm cấp C và B.
Năm 2015, quận Bình Thạnh thông báo mời gọi đấu thầu, chọn nhà đầu tư xây mới 8 lô số với tổng diện tích hơn 73.200 m2. Quy mô tạm tính của dự án khoảng 2.494 căn hộ, trong đó 1.427 căn dành cho tái định cư, còn lại là căn hộ thương mại.
Hai năm sau, UBND TP HCM công nhận Công ty CP Phát triển nhà Thanh Đa làm chủ đầu tư dự án, song đến nay vẫn chưa hoàn tất các thủ tục liên quan. Theo đó, TP đã gia hạn đến hết năm 2019, nếu công ty này chưa hoàn tất thủ tục sẽ bị thu hồi dự án.
Sống tại khu cư xá này hơn 20 năm, anh Nguyễn Chí Thành cho biết hiện có một căn dùng để ở và buôn bán, căn còn lại cho thuê. Dù đã nhận được thông báo thu hồi đất, song anh vẫn chưa nắm rõ kế hoạch cụ thể về việc di dời, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Nhiều người dân khác cũng tỏ ra hoang mang, sợ khó tìm được nhà ở tạm trước khi dự án hoàn thành.
Người dân hiện có ba phương thức tái định cư để lựa chọn, gồm: nhận tiền tự lo nơi ở mới, chọn căn hộ tái định cư tại chỗ hoặc chọn căn hộ tái định cư tại vị trí khác.
Thế nhưng, cũng như phần lớn cư dân tại đây, bà Nguyễn Tuyết Nhung bày tỏ mong muốn được tái định cư tại chỗ bằng cách xây "cuốn chiếu" trước lô IV và VI. Sau đó, bố trí cho người dân nơi ở chung cư mới xây, định cư tại chỗ, không phải đi xa. Từ đó, họ mới tiếp tục bàn giao mặt bằng ở những lô còn lại.
Đồng thời, người dân nơi đây cũng đề nghị giá đền bù phải thoả đáng và hệ số đền bù, giải toả cũng phải được minh bạch, rõ ràng.
Ông Hồ Phương - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết, sẽ duyệt phương án bồi thường, ban hành quyết định thu hồi đất trong vòng 180 ngày, kể từ khi người dân nhận được thông báo.
Bên cạnh đó, quận cũng đề xuất TP cho phép thực hiện dự án theo hình thức "cuốn chiếu". Theo đó, sẽ thực hiện đầu tư trước tại hai lô IV và VI. Khi xây xong, người dân được chuyển về tái định cư tại đây và tiếp tục giải phóng mặt bằng các lô khác. Theo dự kiến, các hộ dân thuộc 6 lô còn lại sẽ được tổ chức di dời nhanh nhất vào tháng 10 sắp tới.
Giá bồi thường và giá bán nhà tái định cư cho các hộ có nhà thuộc sở hữu tư nhân sẽ được thẩm định theo thị trường, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Còn những hộ dân đang ở nhà thuộc sở hữu nhà nước cũng được bố trí tái định cư, kí hợp đồng thuê nhà mới và được mua căn hộ tái định cư theo quy định.
Hiện TP cũng đã chấp thuận cho Công ty Địa ốc Sài Gòn nghiên cứu đầu tư dự án đối với 15 lô chữ.