Người dùng điện thoại di động sẽ mua cà phê, uống trà đá, gửi xe không dùng tiền mặt

Các nhà mạng đã sẵn sàng triển khai thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ qua tài khoản viễn thông (mobile money). Đây là hình thức sử dụng tài khoản di động để thanh toán các giao dịch có giá trị nhỏ như trà đá, cà phê, vé gửi xe… mà không phải trả bằng tiền mặt.

Tại tòa đàm trực tuyến với chủ đề "Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc" diễn ra chiều qua (16/10), đại diện cơ quan quản lí và các doanh nghiệp đều thừa nhận Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển thanh toán điện tử, tuy nhiên, thực tế các giao dịch này lại tỉ lệ nghịch với tiềm năng của thị trường. Dù số lượng và giá trị giao dịch thanh toán điện tử có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhưng hiện "tiền mặt vẫn là vua tại Việt Nam".

"Tiền mặt vẫn là vua tại Việt Nam"

Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2018, Việt Nam có lượng giao dịch không tiền mặt thấp nhất trong khu vực, với chỉ 4,9%.

Trong khi đó, tỉ lệ này tại Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan đạt 59,7% và Malaysia lên đến 89%. Do đó, thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những mục tiêu lớn được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quan tâm gần đây.

IMG_6747

Hơn 90% giao dịch qua thương mại điện tử vẫn là dùng tiền mặt. (Ảnh: Quốc Minh).

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - ông Đặng Hoàng Hải, dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy quý I/2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng lần lượt 68,8% và 13,4% so với cùng kì năm 2018.

Trong khi đó, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng lần lượt 97,7% và 232,3% so với cùng kì năm ngoái.

Từ các phân tích này, ông Hải nhận định với lượng giao dịch tiền mặt còn thấp và ngày càng tăng cho thấy thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam rất tiềm năng.

Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel Phạm Trung Kiên cho rằng hiện có hàng chục công ty chuyên về thanh toán đã minh chứng cho sức hấp dẫn của thị trường.

Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt lại được đánh giá rất tiềm năng trong bối cảnh người tiêu dùng trẻ, dễ dàng tiếp cận và thích nghi với công nghệ để giải quyết các giao dịch phát sinh hàng ngày.

Tuy nhiên, ông Kiên thẳng thắn chỉ ra rằng thực tế số lượng thanh toán bằng "tiền tươi" vẫn chiếm đại đa số, dễ dàng nhận thấy nhất trong giao dịch khi mua hàng qua mạng.

"Thương mại điện tử là nơi dễ thấy nhất của việc thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng tiền mặt vẫn là vua tại Việt Nam. Hiện nay, thanh toán thương mại điện tử hơn 90% vẫn là tiền mặt", ông Phạm Trung Kiên cho biết.

Đồng thời, ông cũng chỉ ra, các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán mới chỉ tập trung vào một số giao dịch cơ bản như chuyển tiền, đóng tiền nước, tiền điện, truyền hình cáp…

Sắp tới sẽ uống trà đá, giữ xe không dùng tiền mặt

Theo các chuyên gia, để khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt, cần có thêm những trải nghiệm, dịch vụ cho khách hàng. Trải nghiệm càng dễ dàng, càng thấy được lợi ích thì càng nhiều người lựa chọn hình thức thanh toán này.

Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel Phạm Trung Kiên cho rằng các nhà mạng lớn hiện nay đã sẵn sàng triển khai thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ qua tài khoản viễn thông (mobile money).

tkthanhtoanquaapp-03-6read-only-15573260946911889160131

Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt được nhiều quán nước bình dân áp dụng tại TP HCM. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Đây là hình thức sử dụng tài khoản di động để thanh toán các giao dịch  có giá trị nhỏ như trà đá, cà phê, vé gửi xe… mà không phải trả bằng tiền mặt. 

Theo ông Kiên, với 90% người dân Việt Nam sở hữu điện thoại, trong khi đó, tỉ lệ người có tài khoản ngân hàng còn tương đối thấp, thì phát triển thanh toán qua di động sẽ mang lại hiệu quả rất lớn.

Ông cho biết hiện cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đều đã chính thức đề xuất Chính phủ sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử mobile money.

"Chúng tôi sẽ có các giải pháp để bảo vệ an toàn cho người dùng. Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư công nghệ, hạ tầng và chính sách ưu đãi, khuyến mãi để tạo thói quen sử dụng cho người dùng", Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho biết.

Trước lo ngại về tính an toàn và những rủi ro trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - ông Đặng Hoàng Hải, thông tin rằng đã có nhiều báo cáo đánh giá, gần đây là của Ngân hàng Nhà nước phân tích về tất cả rủi ro cũng như việc hiện thực hóa việc thanh toán qua tài khoản viễn thông. 

"Bộ Công Thương đã nhận được góp ý cho Nghị định 101, trong đó cũng đã có những điều khoản mà tiền đề cho việc thanh toán qua tài khoản viễn thông. Với sự chuẩn bị như thế thì chúng ta sẽ sớm có một hành lang pháp lí tốt", ông Hải nhận định.