Nguyên nhân dẫn đến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 chậm tiến độ

Tổ công tác tháo gỡ khó khăn về vật liệu cho Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì vừa văn bản số 7649/BGTVT-CQLXD báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả làm việc với các địa phương.

Tại văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Bộ đặt mục tiêu tới hết tháng 6/2023, tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phải đạt khoảng 10% giá trị hợp đồng, nhưng thực tế tới nay chậm tiến độ 5% so với yêu cầu. Lý do chậm được Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra do các dự án thành phần gặp khó về nguồn vật liệu xây dựng.

Cụ thể, với các dự án thành phần đoạn từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa cần trên 9,6 triệu m3 cát; trong đó có 82 mỏ đang khai thác, còn 16 mỏ chưa được cấp phép khai thác. Cùng với đó, các dự án cần hơn 49 triệu m3 vật liệu đất.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho hay: “Khối lượng cát cần lấy từ các mỏ mới rất lớn, chủ yếu để san nền, xử lý lún, nhưng thủ tục khai thác mỏ mới đang chậm. Mùa mưa đã đến gần, nếu không khai thác được ngay sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ, kế hoạch thi công của các nhà thầu”.

Với mỏ đất, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, đến nay các nhà thầu đã trình đại phương 55/71 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác, tổng trữ lượng hơn 53 triệu m3. Các địa phương đã xác nhận đăng ký cho 26 mỏ, với trữ lượng khai thác mới đáp ứng được khoảng 68% nhu cầu dự án. Tuy nhiên, thực tế các nhà thầu mới khai thác được đất tại 9 mỏ, những mỏ đất còn lại vẫn vướng việc đàm phán giá chuyển nhượng với chủ đất, một số mỏ phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Với các dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau, cần khoảng 1,3 triệu m3 đá, hơn 1,7 triệu m3 đất, và hơn 18 triệu m3 cát để đắp nền đường. Thủ tướng Chính phủ đã giao các địa phương An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long bố trí cát cho các dự án, tới nay các địa phương đã bố trí được hơn 1,4 triệu m3 cát cho các dự án. Dự kiến, trong thời gian tới các địa phương sẽ cấp phép khai thác cho một số mỏ cát mới, đảm bảo đủ nhu cầu thi công trong năm nay.

Từ thực tế làm việc với địa phương, tổ công tác liên ngành đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025) để cho phép các địa phương được phép quyết định nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép; chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Tiến độ cấp phép các mỏ đất, cát đã đủ hồ sơ phải trong tháng 8, các mỏ còn lại trước tháng 10 năm nay để đáp ứng tiến độ thi công.

Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh thủ tục nâng công suất, cấp phép khai thác các mỏ đất, cát mới, tránh phát sinh thêm thủ tục so với quy định…

Trước đó, tại Công điện số 573/CĐ – TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thành lập Tổ công tác khẩn trương kiểm tra, làm việc với tỉnh, thành phố thuộc khu vực dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2.

Thực hiện chỉ đạo này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký Quyết định số 776/QĐ – BGTVT thành lập 2 Tổ công tác kiểm tra, làm việc với các tỉnh, thành phố để kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 2).

Cụ thể, Tổ công tác số 1 sẽ kiểm tra, làm việc với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định. Tổ này do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ làm Tổ trưởng; các thành viên là đại diện các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tổ công tác số 2 sẽ kiểm tra, làm việc với các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Tổ này do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm là Tổ trưởng; các thành viên là đại diện các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.