Nên giao cho người Pháp làm, sẽ tạo sản phẩm mang tính ngoại giao
Trao đổi với chúng tôi về các hoa văn cũ đã bị cạo ra thay thế gần hết và màu vàng được cho là lòe loẹt trên Bia Quốc Học, ông An nói: “Có một số hoa văn, họa tiết chủ yếu làm bằng gốm đang làm bị thiếu đi thì phải làm lại cho đầy đủ. Màu nếu là màu vàng thì phải chứng minh bằng phương pháp khoa học cho rõ, phải bóc tách các lớp màu ra để chứng minh.
Và nếu quả thật không chứng minh được là màu vàng khè như thế thì cơ quan chủ quản phụ trách về mặt khoa học cần có lời xin lỗi bàn dân thiên hạ và hứa sẽ khắc phục. Sai thì sửa thôi, nhưng vấn đề can đảm là anh có nhận anh sai hay không. Tôi nghĩ chủ đầu tư là nên có trách nhiệm về vấn đề này”.
Ảnh chụp Bia Quốc Học - Đài Chiến sĩ Trận vong của W.Robert Moore (người Mỹ) đăng trong The National Geographic Magazine xuất bản tháng 8/1931 tại Mỹ nhân cuộc du hành Đông Dương của ông Moore (ảnh tư liệu Phan Thuận An)
Bia Quốc Học sau khi trùng tu gần xong (ảnh chụp vào sáng 13/1)
Ông An cho hay đây là cách làm trùng tu - là phải sửa cho nó giống như cũ, còn phục hồi là làm cho trở về như xưa. Nếu dùng cho đúng từ của khoa học trùng tu phục hồi, thì phải làm lại như tất cả những gì nó đã có.
“Ví dụ tên của 2 mấy người Tây ở trên cái khánh treo trước bia. Tức là phải làm lại cái khánh đó, vì để cho nó có giá trị lịch sử thì phải làm lại. Rồi cố gắng tìm danh sách những người Việt Nam có ghi ở đằng sau... để làm lại cho chuẩn.
Thời Pháp thuộc nó khác, nay nó khác. Khi đã mở cửa, hòa nhập, hợp tác thì tại sao không làm cái này cho chuẩn. Nếu giao cho người Pháp làm thì không chê vào đâu được hết. Người Pháp rất sẵn sàng, kinh phí họ luôn sẵn sàng, kỹ thuật quá rành và tài liệu trong tay họ. Nếu họ làm thì y chang như xưa, nghĩa là mặt trước mặt sau gì với tên các chiến sĩ trận vong đều có hết. Và điều đó sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch, nếu không nói là sản phẩm văn hóa nghệ thuật mang tính ngoại giao” - ông An cho biết.
Lúc xưa có 1 cái khánh treo trước bia Quốc Học (ảnh tư liệu Phan Thuận An)
Nhận định về tầm văn hóa của Bia Quốc Học, ông An trao đổi: “Rõ ràng đây là một tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Vì đây là phía người Tây họ chủ trương. Tòa Khâm sứ Pháp hồi xưa chủ trì làm cái này. Người thiết kế là cụ Tôn Thất Sa nhà mình. Thi công là người nhà mình. Trên tinh thần hòa hợp như thế, văn hóa như thế , cho nên nó có giá trị để đời.
Trên cơ sở tinh thần lịch sử, tinh thần khoa học, tinh thần văn hóa thì khi làm phải nên phục hồi lại toàn bộ, tạo ra 1 sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, du lịch và ngoại giao. Nay là thời bình, thời hợp tác quốc tế, thời phát triển văn hóa, nghệ thuật, nếu không phát huy tác dụng cái này thì quá uổng”.
Ông Phan Thuận An trao đổi với PV
Biểu tượng của sự đoàn kết chiến đấu 2 dân tộc, là đài liệt sĩ đầu tiên của đất nước
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, Bia Quốc Học là tên gọi dân gian, tên thật của tấm bia này là “Monument aux Morts” - gọi là Đài Chiến sĩ Trận vong. Đây là công trình kiến trúc do Tòa Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ cho xây dựng vào năm 1920 để tưởng niệm những người Pháp và Việt ở các tỉnh Trung Kỳ đã từng qua tham chiến và tử trận ở Châu Âu trong Đệ nhất thế chiến (1914-1918).
Trước khi xây dựng, Tòa Khâm sứ đã thành lập một Ủy ban phụ trách việc thực hiện, lựa chọn địa điểm và hình thức xây đài gồm 3 quan chức người Pháp và 1 quan chức của Nam triều là cụ Nguyễn Đình Hòe, bấy giờ đang làm Tham tri ở Viện Cơ Mật. Về địa điểm, lúc đầu người ta đưa ra khoảng 10 chỗ khác nhau ở hai bờ sông Hương, nhưng cuối cùng quyết định chọn vị trí trước mặt trường Quốc Học, vì ngoài ý nghĩa tưởng niệm, còn cần gây sự chú ý cho các học sinh của trường về “sự đoàn kết chiến đấu của người Việt và người Pháp để viết nên những trang sử vẻ vang chung”.
Qua 4 đồ án gửi dự thi, sau khi duyệt xét kỹ lưỡng, Ủy ban đã chọn đồ án của thầy giáo Tôn Thất Sa (đang dạy hội họa ở trường Bá Công Huế) để thi công. Đồ án đoạt giải này được thưởng 80 đồng (bấy giờ 1 tạ gạo là 4 đồng). Công việc xây dựng kéo dài 4 tháng với kinh phí gần 10.000 đồng do ngân sách Tòa Khâm sứ đài thọ. Cuộc lễ khánh thành đã được tổ chức tại chỗ một cách trọng thể vào ngày 23-9-1920 với sự hiện diện của vua Khải Định, Toàn quyền Đông Dương Maurice Long, các quan chức cao cấp nhất của Chính phủ Bảo hộ và Nam triều, các cựu chiến binh người Việt và nhiều người Pháp tại Huế.
Buổi lễ khánh thành Bia Quốc Học ngày 23-9-1920 (ảnh tư liệu)
Đài Chiến sĩ Trận vong mang dạng một bức bình phong hình cuốn thư được lồng vào giữa một cửa tam quan. Đài được xây bằng bê tông cốt thép trên 2 tầng nền, chung quanh có lan can bổ trụ chắp hình hoa sen và giữa 4 cạnh trổ hệ thống bậc thềm để lên xuống. Tầng trên thu hẹp lại như một cái gác nhỏ. Hai tầng có 12 mái giả, đều lợp ngói ống tráng men màu. Trên các bờ quyết và bờ nóc, người ta trang trí hình rồng, giao, đắp bằng sành sứ. Chung quanh đài, gạch hoa đúc rỗng được sử dụng nhiều để trang trí. Chữ thọ cách điệu, các đề tài ngũ phúc và tứ thời cũng được thể hiện ở nơi đây.
Ở giữa mặt trước của bình phong là những dòng chữ đề tên 31 tử sĩ người Pháp được đóng khung trong hình một cái kim khánh. Còn ở mặt sau thì ghi khắc tên họ và quê quán của 78 tử sĩ người Việt thuộc các tỉnh Trung Kỳ.
Bia Quốc Học trước khi trùng tu (ảnh: N.P. Vĩnh Khánh)
Theo ghi nhận của PV vào trưa 13/1, các họa tiết hoa có nhụy, cánh mà PV đã phản ánh bị làm thiếu phần cánh, đã được đơn vị thi công bổ sung thêm vào đầy đủ. Hiện các hạng mục của công trình này đang trên đường hoàn thành toàn bộ.
Phần hoa đã được thêm cánh
Các hạng mục đang gần hoàn thành
Đại Dương