Bắt đầu khởi nghiệp, đồng nghĩa với việc sẽ phải từ bỏ công việc hiện tại để tập trung những gì tốt nhất của startup. Đó cũng là câu chuyện của Lê Thị Thùy Linh, nhà sáng lập startup Tối Nay Ăn Gì.
Linh kể trước khi quyết định khởi nghiệp vào năm 2016, chị từng là giám đốc điều hành một công ty công nghệ chiếu sáng. Khi chứng kiến những thực trạng về thị trường thực phẩm, chị quyết định khởi nghiệp, bất chấp việc phải đấu tranh với gia đình và chính bản thân.
Một trong những khó khăn khác mà nhà sáng lập phải đối mặt chính là tìm người đồng hành phù hợp. Rất nhiều người đã đến và đi. Phải đến năm 2018, công ty mới tìm ra nhà đồng sáng lập có thể gắn bó lâu dài cho đến tận bây giờ. Mô hình kinh doanh tương đối mới cũng là một thách thức đối với startup.
"Tối Nay Ăn Gì muốn là một kênh kết nối từ trang trại tới người tiêu dùng một cách nhanh nhất, giảm tối đa các bước trung gian. Chính vì thế chúng tôi tạo ra các điểm giao hàng POD để tiện cho người tiêu dùng nhất", chị Linh chia sẻ.
Các điểm POD sẽ nằm rải rác trên các tuyến đường trong thành phố và trong chính các tòa chung cư. Chính vì thế, khách hàng có thể đến lấy hàng ở các điểm POD sao cho tiện đường di chuyển nhất hoặc ngay trong tòa nhà họ đang sống.
Đây cũng là điểm độc đáo trong mô hình kinh doanh của Tối Nay Ăn Gì. Ngoài ra khách hàng có thể chọn hình thức "sơ chế kĩ" với thực phẩm để tiết kiệm tối đa thời gian đứng bếp.
Chính những người phụ trách POD sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển thực phẩm từ kho bãi của công ty tới điểm giao hàng. Thời gian dự kiến để thực phẩm tới POD là 2-3 tiếng sau khi xác nhận đơn.
Với nguồn lực hạn chế của một startup, Tối Nay Ăn Gì hướng tới việc tối giản hóa qui trình tạo ra một POD (điểm giao hàng). Công ty sẽ trực tiếp đến làm việc với các cửa hàng đã có mặt bằng sẵn, thậm chí các cá nhân có khả năng sơ chế thực phẩm tại nhà cũng có thể trở thành POD.
Kiểm soát chất lượng các POD cũng là một vấn đề cần giải quyết. Công ty hiện đang thành lập một đội ngũ kiểm tra chất lượng để đảm bảo hệ thống chạy một cách suôn sẻ nhất.
Hiện tại, sau 3 tháng chạy chính thức, Tối Nay Ăn Gì có 28 điểm POD hoạt động tại Hà Nội. Đến hết năm 2020, mục tiêu của công ty là chạm mốc 500 điểm POD và đạt tổng giá trị giao dịch (GMV) 100 tỉ đồng. Để chọn ra 500 điểm POD phù hợp nhất, công ty đã phải lọc từ 2.000 điểm giao hàng tiềm năng.
"Khi mô hình đã đi vào khuôn khổ, tốc độ phát triển sẽ rất nhanh vì đây là mảng thương mại điện tử", chị Linh nhận định.
Với 500 điểm POD tại Hà Nội, Tối Nay Ăn Gì muốn phủ sóng toàn thị trường thủ đô. Sau đó, công ty tiếp tục tham vọng Nam tiến trong năm 2021, thậm chí xâm chiếm thị trường các tỉnh, thành khác vào cuối năm tới.
Việc giao hàng trực tiếp tại POD (không thông qua bất kì một nền tảng giao đồ ăn nào khác) là lợi thế cạnh tranh của startup. Khách hàng sẽ nhận đồ ăn ngay trên đường đi làm về, hoặc tại bất kì điểm POD nào phù hợp mà không chịu thêm chi phí cũng như những rắc rối phát sinh trong quá trình giao hàng.
Dẫu vậy, thị trường thực phẩm/giao đồ ăn vẫn là một thị trường rất lớn và theo chị Linh, nếu chú trọng vào chất lượng thực phẩm, dịch vụ thì một startup trong ngành sẽ có chỗ đứng nhất định.
"Với một thị trường lớn như thực phẩm, thất bại hoàn toàn là câu chuyện tương đối khó xảy ra. Vấn đề là startup ấy phát triển đến đầu trong ngành mà thôi", chị Linh kết lại.
Một mô hình sáng tạo, đột phá có thể chưa chắc đã đảm bảo cho việc thành công một cách chắc chắn. Nhưng lối đi riêng có thể tạo nên điểm nhấn cho startup. Và theo nhà sáng lập, khách hàng đang có những phản ứng rất tích cực trong thời gian thử nghiệm. Đây là một cơ hội lớn để Tối Nay Ăn Gì có thể hiện thực hóa mục tiêu trong tương lai.