Theo South China Morning Post (SCMP), Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, còn Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. Dù không phải tất cả 87 doanh nghiệp nhận tiền hỗ trợ của chính phủ đều có hoạt động tại Trung Quốc, động thái của Nhật Bản cũng đủ khiến Trung Quốc lo lắng.
Số doanh nghiệp trên chỉ chiếm chưa đến 1% tổng đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc, ngoài ra, việc các doanh nghiệp này rời bỏ Trung Quốc sẽ không tạo ra tác động kinh tế ngay lập tức.
Tuy nhiên, nếu xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc tiếp diễn, nền tảng cho mô hình tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc có thể bị lung lay và nền móng công nghiệp của nước này có thể bị khoét rỗng.
Các quan chức Nhật Bản cho biết nước này đang soạn thảo danh sách thứ hai về các công ty được cấp viện trợ để rời Trung Quốc.
Bị cuốn vào chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hứng chịu tổn thất do Covid-19 gây ra, các đại gia máy in của Nhật Bản bao gồm Brother, Kyocera và Fuji Xerox đều đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc để đến Việt Nam.
Sharp cũng chuẩn bị di dời một phần dây chuyền sản xuất máy in đa chức năng từ tỉnh Giang Tô sang Thái Lan.
Giáo sư về kinh tế công nghiệp Liu Zhibiao của Đại học Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô cho biết chính quyền địa phương Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về cuộc di cư của các nhà sản xuất. Họ sợ sẽ bị "mất mặt" nếu doanh nghiệp nước ngoài rời đi.
"Tại Giang Tô, chúng tôi chưa chứng kiến xu hướng di cư hàng loạt của các công ty Nhật Bản. Chúng tôi hiểu động thái của chính phủ Nhật Bản, đặc biệt là khi xét đến những gì đã xảy ra kể từ đại dịch Covid-19".
Ông Zhibiao nói thêm: "Cách duy nhất để chính quyền địa phương giữ chân doanh nghiệp nước ngoài là giúp giảm thiểu chi phí và cung cấp môi trường đầu tư an toàn".
Tại tỉnh Sơn Đông, nơi có hơn 1.300 nhà sản xuất Nhật Bản đặt trụ sở, chính quyền địa phương đang nỗ lực để thu hút thêm đầu tư của Nhật Bản. Tỉnh Sơn Đông đang đồng tổ chức sự kiện với các tổ chức xúc tiến thương mại Trung Quốc và Nhật Bản để tăng cường hợp tác trong sản xuất thiết bị cao cấp và ngành y tế với Nhật Bản.
Ông Hideo Kawabuchi, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) nói rằng mục tiêu của các khoản trợ cấp là để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Nhật Bản chứ không phải là tập trung vào việc rời bỏ Trung Quốc.
Chính phủ Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc cùng lúc quan hệ Mỹ - Trung xuống đáy. Đúng vào ngày Nhật Bản công bố kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp vào tháng 4, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow, nói rằng Mỹ nên "thanh toán chi phí dịch chuyển" của mọi công ty Mỹ muốn rời khỏi Trung Quốc.
Đối với một số chuyên gia, động thái của Nhật Bản được coi là bước đi nhằm tách rời kinh tế với Trung Quốc và gia nhập Washington để tạo ra liên ming chống Bắc Kinh.
Tuy nhiên ông Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói rằng Washington cần hiểu rõ hơn về hành động của Tokyo. Washington cũng cần điều chỉnh cách tiếp cận của riêng mình nếu muốn hợp tác thực sự với Nhật Bản trong việc đối phó với thách thức từ Trung Quốc.
"Thay vì cắt đứt mối quan hệ, mục đích của Nhật Bản là đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tăng cường khả năng chống chịu khủng hoảng, giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc và khuyến khích tăng cường sản xuất tại nước nhà để giải quyết tình trạng nền kinh tế đang chậm lại", ông Kennedy nói.
Trong cuộc khảo sát 361 doanh nghiệp Nhật Bản có cơ sở tại miền nam Trung Quốc của JETRO, 8,6% doanh nghiệp cho biết sẽ giảm qui mô hoạt động tại Trung Quốc, 22,3% có kế hoạch mở rộng kinh doanh. 69,1% doanh nghiệp trả lời nói rằng họ đang theo dõi tình hình và chưa có "lập trường rõ ràng".
Phó Giám đốc Kawabuchi của JETRO nói: "Doanh nghiệp Nhật Bản đang theo dõi sát sao những biến đổi trong quan hệ Mỹ - Trung, nhưng chiến lược kinh doanh của họ phụ thuộc vào từng nền kinh tế và thị trường riêng biệt. Họ không thấy nhất thiết phải lựa chọn theo Mỹ thì rời Trung Quốc hoặc ngược lại".