Nhật Bản trợ cấp 50% chi phí cho doanh nghiệp mở rộng sang ASEAN

Nhật Bản sẽ tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất mới tại Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng vốn đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Theo Nikkei Asia, chính phủ Nhật Bản sẽ chi trả tới một nửa chi phí cho các khoản đầu tư vào Đông Nam Á đối với nhóm doanh nghiệp lớn và tới 2/3 chi phí đối với các công ty nhỏ hơn. Trợ cấp áp dụng cho các sản phẩm có xu hướng tập trung sản xuất ở một quốc gia nhất định.

Mục đích của chương trình mới là cho phép doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng mạng lưới cơ sở sản xuất tại nước ngoài chứ không phải để lôi kéo doanh nghiệp rời bất kì quốc gia nào.

Trung Quốc không được nhắc đích danh trong kế hoạch mới nhất, song mục tiêu của Tokyo dường như là nhằm giảm mức độ phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào thị trường tỉ dân, Nikkei Asia nhận xét.

Tân Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ công bố kế hoạch mới trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10, cũng là chuyến công du chính thức đầu tiên của ông trên cương vị lãnh đạo Nhật Bản.

Theo Nikkei, ngoài Việt Nam, ông Suga còn dự kiến đến thăm Indonesia. Mục đích chung là nhằm kêu gọi chính quyền địa phương đề ra các biện pháp giúp thúc đẩy đầu tư vào ASEAN.

Thông qua chương trình mới, Nhật Bản mong muốn tiếp sức cho các dự án mở rộng cơ sở sản xuất tại các nước thành viên ASEAN. 

Các kế hoạch liên quan đến việc rời khỏi một thị trường nhất định có thể sẽ bị loại trừ. Trong khi đó, xây dựng nhà máy mới ở một nước Đông Nam Á song song với duy trì công suất hoạt động tại Trung Quốc sẽ được coi là một hình thức đa dạng hóa đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

Chương trình mới của Nhật Bản không nêu đích danh Trung Quốc vì nếu làm như thế, Tokyo có thể phải hứng chịu chỉ trích rằng họ đang bóp méo hoạt động thương mại tự do toàn cầu.

Ông Yorizumi Watanabe, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kansai (Nhật Bản) cho biết kế hoạch mới sẽ không gặp rắc rối gì với các qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu chương trình có "các tiêu chuẩn khách quan nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thay vì trợ cấp cho các công ty cụ thể".

Nhờ yếu tố chi phí rẻ, Đông Nam Á là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà sản xuất Nhật Bản. Mức thu nhập trung bình hàng năm cho một công nhân chế tạo là 5.956 USD/người tại Indonesia và 4.041 USD/người ở Việt Nam, trong khi của Trung Quốc là gần 10.000 USD, theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO).

Từ trước khi trở thành thủ tướng, ông Suga đã từng nhấn mạnh rằng chính phủ Nhật Bản cần phải xử lí tình trạng phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng của một số quốc gia nhất định. Đầu năm nay, các dây chuyền lắp ráp ô tô tại Nhật Bản đã buộc phải đóng cửa vì  không có đủ nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc.

Lời hứa tiếp sức doanh nghiệp thứ ba

Chính phủ Nhật Bản sẽ dành ra một khoản lớn trong gói ngân sách bổ sung thứ ba cho chương trình mới, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của sáng kiến chính sách này.

Gói ngân sách bổ sung đầu tiên của Nhật Bản cho năm tài khóa 2020 dành ra 23,5 tỉ yen (tương đương 223 triệu USD) để giúp doanh nghiệp chuyển hoạt động sang Đông Nam Á, mở rộng mạng lưới cung ứng. Trong vòng nộp đơn đầu tiên kết thúc vào tháng 6, chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt 30 dự án.

Tuy nhiên, chương trình đầu tiên ít được biết đến hơn một sáng kiến tương tự nhưng có qui mô lớn hơn nhằm thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản trở về sản xuất tại quê nhà. Chương trình thứ hai nhận được hơn 1.700 hồ sơ, tổng giá trị vượt 10 lần ngân sách 2 tỉ USD mà Tokyo đề ra. Chương trình này phê duyệt 57 dự án, tổng giá trị 544 triệu USD.

Thương chiến Mỹ - Trung, cùng tình trạng thiếu hụt nguồn cung khẩu trang và các mặt hàng thiết yếu khác trong đại dịch Covid-19, đã nêu bật lên rủi ro khi mạng lưới cung ứng quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chính quyền Washington đã chặn các hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ do lo ngại bị rò rỉ thông tin nhạy cảm cho Bắc Kinh. Washington cũng kêu gọi các đồng minh như Nhật Bản, Anh và Australia thực hiện động thái tương tự.

Sau đó, Trung Quốc đáp trả bằng các siết chặt các hạn chế xuất khẩu đối với hàng hóa được sản xuất tại nước này. Hàng hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc có nguy cơ bị mắc kẹt trong cuộc chiến trả đũa giữa các nước.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch Covid-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.