Ngày 17/12, Hội Quy hoạch - Kiến trúc - Xây dựng và Hội Khoa học - Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng tổ chức Hội thảo "Đà Nẵng - 20 năm quy hoạch và phát triển đô thị".
"Đà Nẵng không nên xây hầm chui"
Ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phó ban Tổ chức Trung ương dùng câu ví: "Dục tốc bất đạt" (nghĩa là làm việc gì nhanh quá sẽ không thành công) để khuyến cáo lãnh đạo TP Đà Nẵng về ý tưởng xây hầm chui sông Hàn.
Theo ông Minh, cuộc thi tuyển quốc tế phương án đầu tư công trình giao thông vượt sông Hàn do UBND TP Đà Nẵng tổ chức vừa qua không có phương án nào đoạt giải. "Như vậy là quá vội vàng, cập rập nên chất lượng cuộc thi không đạt được kết quả như mong muốn. Các vị lãnh đạo thành phố muốn có một công trình tầm cỡ, nhưng chưa phải lúc này", ông Minh nói.
Mô phỏng thiết kế hầm chui sông Hàn |
.Theo nguyên chủ tịch thành phố, những năm qua Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu trong quy hoạch. Tuy nhiên, sự phát triển nóng cũng bộc lộ những hạn chế. Đà Nẵng vẫn còn nhiều việc bức xúc phải làm như bãi đậu xe, khu xử lý rác thải, nước thải ô nhiễm ở sông Phú Lộc, trật tự trị an, an sinh xã hội...
Trong khi đó, kinh phí dự án hầm chui lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền này để giải quyết nhiều việc khác, còn bức xúc.
"Theo tôi, lãnh đạo thành phố nên tiếp tục nghiên cứu cho kỹ để tránh phá vỡ quy hoạch. Không có gì phải vội vàng, cần lấy ý kiến thêm các chuyên gia, ý kiến của nhân dân trên tinh thần cầu thị", ông Minh chia sẻ.
Ông Trần Dân, Phó chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng, cho biết tháng 3 vừa qua, hội này được Ủy ban Mặt trận tổ quốc và Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TP Đà Nẵng mời dự đóng góp ý kiến cho phương án xây hầm qua sông Hàn. Phương án này do Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC, thuộc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải - Bộ Giao thông Vận tải) đưa ra, nối từ đường Đống Đa ở bờ Tây sang đường Vân Đồn ở bờ Đông.
Theo ông Dân, nếu làm như đồ án của BRITEC sẽ thất bại trong tương lai. Lý do mà vị này nêu ra là phương án do BRITEC thiết kế hầm theo hình chữ Z với bán kính chỉ có 150 m, độ dốc lên đến 5%. Sau này xe tải lớn, xe container đi không được.
Ngoài ra, dùng phần mềm có thể vẽ được hầm cong hình chữ Z nhưng thi công sẽ vô cùng khó, nhất là trong việc hợp long.
"Số tiền của dự án lên tới 4.000 tỷ đồng là quá lớn. Trong khi phương án thiết kế thì chưa đâu vào đâu. Nếu cương quyết làm, lãnh đạo Đà Nẵng sẽ thất bại", ông Dân nói.
Ông Dân cũng cho rằng thời gian qua có nhiều ý kiến phản biện, tâm huyết về nghiên cứu của các nhà khoa học liên quan đến việc quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông Đà Nẵng không được các cấp lãnh đạo lắng nghe.
"Hậu quả dẫn đến nhiều công trình xây dựng xong chỉ trong thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã lộ ra nhiều điều bất cập trong thiết kế mà chúng tôi đã từng cảnh báo, phản biện, góp ý như việc xây dựng cầu Cẩm Lệ, cầu Thuận Phước, cầu Hòa Xuân…", ông Dân nêu ví dụ.
Đà Nẵng quyết xây hầm chui
Mặc dù có nhiều chuyên gia phản đối nhưng ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng, cho biết lãnh đạo thành phố đã thống nhất chủ trương xây hầm chui vượt sông Hàn.
Phương án hầm chui đảm bảo các tiêu chí như không phá vỡ cảnh quan chung sông Hàn. Đó là giữ lại khoảng không trên sông thuận lợi trong việc tổ chức các sự kiện lớn của thành phố như Lễ hội pháo hoa quốc tế, Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race…
Tuy nhiên, ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, nói không có phương án nào đoạt giải tại cuộc thi thiết kế phương án kiến trúc cho công trình vượt sông Hàn.
Cuộc thi này diễn ra ba tháng trước, có 7 phương án được 11 đơn vị (hợp thành 6 liên danh, cả trong và ngoài nước) đưa ra. Đầu hầm chui ở bờ Tây được xây dựng tại nút giao thông Đống Đa - Như Nguyệt (quận Hải Châu) và bờ Đông tại nút giao thông Vân Đồn - Lê Văn Duyệt - Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà).
Liên danh BRITEC và Oriental Consultants Global Company LTD (Nhật Bản) đề xuất ý tưởng xây hầm chui qua sông dài 1.300 m. Theo Hội đồng giám khảo, phương án của BRITEC có miệng hầm quá dốc và cong, không đảm bảo an toàn giao thông nên không được chọn.