Nhiều dự án bất động sản lớn được chuyển mục đích sử dụng đất

Từ đầu năm đến nay, nhiều dự án bất động sản tại Long An, Hòa Bình... đã được duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất để triển khai thực hiện.

Tại Long An, cuối tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký văn bản chấp thuận UBND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng 14,8 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Khu dân cư - tái định cư Long Hậu 3 trên địa bàn xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc.     

Dự án do CTCP Long Hậu (mã chứng khoán: LGH) làm chủ đầu tư, tổng vốn gần 1.300 tỷ đồng. Báo cáo thường niên vừa công bố của Long Hậu cho thấy, dự án có quy mô 19 ha, đang triển khai thủ tục pháp lý về bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2026.

Ranh giới khu đất được giới hạn phía đông giáp Rạch Bà Đằng; phía tây giáp Khu dân cư - tái định cư Thành Hiếu; phía nam giáp Khu công nghiệp Long Hậu 3; phía bắc giáp Lộ ấp 3 xã Long Hậu (quy hoạch ĐT 826E) liền kề Khu thương mại, biệt thự và chung cư cao cấp Thái Sơn. 

Vị trí dự án của Long Hậu. (Ảnh: Hải Quân).

Cũng trong tháng 4, tại huyện Bến Lức, Phó Thủ tướng đã ký văn bản chấp thuận UBND tỉnh Long An được phép chuyển mục đích sử dụng 201 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch, xã Thanh Phú

Dự án được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 với tổng diện tích 219,5 ha. Phía bắc giáp khu dân cư Ấp 3, Ấp 4 và sông Bến Lức; phía đông giáp khu dân cư Ấp 3 và Ấp Thanh Hiệp; phía nam giáp khu dân cư Ấp 4 và tuyến đường giao thông hiện trạng; phía tây giáp khu dân cư Ấp 4 và sông Bến Lức.

Trong cơ cấu sử dụng đất, đất ở chiếm khoảng 88,7 ha, bao gồm 1.742 lô nhà ở liền kề; 2.185 lô nhà ở biệt thự; 3.500 căn hộ chung cư; 300 lô đất tái định cư. Tổng cộng, toàn dự án có khoảng 7.727 sản phẩm bất động sản.

Tổng mức đầu tư hơn 16.981 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện trong 6 năm kể từ ngày chấp thuận nhà đầu tư và chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2023 - 2025, giai đoạn 2 từ năm 2025 - 2028. Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB - thành viên Tập đoàn Ecopark.  

Khu đất dự án của Ecopark. (Ảnh: Hải Quân).

Tại Hậu Giang, UBND tỉnh đã được chấp thuận quyết định chuyển mục đích sử dụng 15,5 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Khu đô thị mới Ngã Bảy 3 tại phường Ngã Bảy, TP Ngã Bảy hồi đầu tháng 4. 

Dự án có diện tích hơn 26,7 ha, sơ bộ tổng chi phí thực hiện gần 1.119 tỷ đồng. Tháng 7/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang đã chấp thuận nhà đầu tư Khu đô thị mới Ngã Bảy 3 đối với CTCP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường. 

Tại Hòa Bình, ngày 17/5, UBND tỉnh có quyết định về chuyển mục đích sử dụng đất và cho CTCP Đầu tư phát triển Đô thị và Thương mại thuê đất (đợt 1) để thực hiện Sân golf Kỳ Sơn.

Cụ thể, chuyển mục đích sử dụng 267.789 m2 đất rừng sản xuất tại xã Quang Tiến và xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình (trong đó tại xã Quang Tiến 245.494 m2, xã Thịnh Minh 22.295 m2) do CTCP Đầu tư phát triển Đô thị và Thương mại nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân sang đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao (sân golf).

Dự án Sân golf Kỳ Sơn có tổng mức đầu tư trên 921 tỷ đồng, quy mô công suất sân golf 36 lỗ, diện tích đất đăng ký sử dụng gần 149 ha, thời hạn hoạt động 50 năm.

Về tiến độ, quý IV/2021 - quý III/2022 thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý; quý IV/2022 - quý IV/2025 khởi công; thực hiện ít nhất đưa 1 sân gôn 18 lỗ và các công trình phụ trợ vào hoạt động bắt đầu từ quý I/2026; quý II/2026 - quý II/2027 thực hiện và đưa sân gôn 18 lỗ thứ 2 vào hoạt động.

Trước đó, vào tháng 2, UBND tỉnh Hòa Bình cũng có quyết định cho phép CTCP Du lịch Thung Lũng Nữ Hoàng (liên quan BRG) chuyển mục đích sử dụng đất (đợt 2) để thực hiện Khu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí Thung Lũng Nữ Hoàng tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn. 

Cụ thể, tỉnh cho phép doanh nghiệp chuyển hơn 27,8 ha đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp sang thành: 12,5 ha đất ở đô thj; 11,7 ha đất vui chơi giải trí công cộng, vườn hoa, công viên; 3,1 ha đất giao thông và 0,6 ha đất sông ngòi, kênh rạch để làm dự án.

Hồi cuối tháng 12/2022, Hoà Bình đã cho phép doanh nghiệp chuyển đổi (đợt 1) gần 32 ha đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư. 

Khu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí Thung Lũng Nữ Hoàng có tổng diện tích 136 ha, quy mô dân số 1.026 người. Tổng mức đầu tư gần 966 tỷ đồng. Dự án sẽ bố trí 39,4 ha để xây dựng khu làng văn hoá; khu khách sạn cao 17 tầng; khu biệt thự cao tầng gồm 477 ô đất cao tối đa 3 tầng;... 

Dự án Thung Lũng Nữ Hoàng. (Ảnh: hoabinh.gov.vn).

Ở Hà Nam, Khu đô thị thời đại và đổi mới sáng tạo thuộc địa bàn các xã Tiên Tân, Tiên Hiệp và các phường Lam Hạ, Quang Trung, TP Phủ Lý được Thủ tướng chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích đất phi nông nghiệp khác vào ngày 2/3.

Dự án có diện tích quy hoạch khoảng 197 ha. Trong đó, Khu đô thị thời đại, đổi mới sáng tạo có quy mô khoảng 169,2 ha và Khu vực sắp xếp trụ sở làm việc các cơ quan tỉnh có quy mô khoảng 27,8 ha.

Về vị trí, phía bắc dự án giáp đường Vành đai 5 vùng Thủ đô, phía nam dự án giáp đường Quy hoạch rộng 27m; phía đông giáp Khu dân cư hiện trạng, Nhà thi đấu đa năng tỉnh và khu công viên cây xanh; phía tây giáp Kênh A4-8.

Quy mô dân số khu nhà ở khoảng 17.110 người. Tổng mức đầu tư là 9.625 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng khu đô thị là 7.402 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 490 tỷ đồng, chí phí quản lý là 1.397 tỷ đồng và chi phí xây hạ tầng khung là 336 tỷ đồng. Chủ đầu tư là CTCP Mặt Trời Hà Nam.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.