Thạch Thuận viết vất vả trước sự chứng kiến của các bạnẢNH: HOÀNG VÂN |
Tìm đến học sinh Lâm Chấn Khang (lớp 2/5), chúng tôi không thể tin được khi dù đã lên lớp 2 nhưng em đọc phải đánh vần, ghép vần một cách chật vật và không biết viết. Khi PV đưa cho em một tờ giấy đề nghị viết họ tên mình thì em chỉ viết được chữ “Lâm”, còn các chữ sau không viết được.
Trường hợp em Trần Hoài Bão (lớp 2/3) cũng vậy. Đưa tờ giấy có 25 từ, em đánh vần rất lâu mới đọc được một từ, hơn 5 phút, em đọc chưa hết 1/2 số từ trên tờ giấy.
Cá biệt, có hai học sinh là Lâm Minh Bằng và Thạch Thuận (đều học lớp 2/5), được lên lớp 2, nhưng sau khi dư luận phát hiện chưa biết đọc, biết viết, nhà trường cho học lại lớp 1. Năm học 2017 - 2018, hai em được lên lớp 2, tuy nhiên tình trạng cũng không khá hơn năm học trước khi cả hai vẫn đọc chưa thông, phải đánh vần rất lâu và viết rất chậm.
Anh Thạch Hà, phụ huynh em Thạch Thuận, cho biết: “Năm ngoái cháu học quá yếu nhưng vẫn được cho lên lớp 2, sau đó cho cháu xuống học lại lớp 1. Sau 2 năm lớp 1, bây giờ dù có biết chữ nhưng cháu đọc chậm và viết chưa được như các học sinh khác. Từ đầu năm học, buổi chiều cháu học chính khóa, còn buổi sáng vào trường để học phụ đạo nhưng thấy cháu vẫn chậm”.
Theo phản ánh của phụ huynh, hiện vẫn còn rất nhiều học sinh lớp 2 chưa biết đọc, chưa biết viết nhưng nhà trường giấu, chỉ đạo giáo viên “ém” thông tin, dặn học sinh không gặp người lạ.
Để kiểm chứng, chúng tôi tìm đến nhà em Lâm Thị Tuyết Nhi, học sinh được lên lớp 2 năm học 2016 - 2017, nhưng sau đó phải cho ở lại lớp 1 vì không biết đọc, biết viết. Khi thấy chúng tôi vào, Tuyết Nhi bỏ trốn khỏi nhà.
Một giáo viên cho biết học sinh này dù được học 2 năm lớp 1 nhưng đọc vẫn chậm, viết chưa thạo nên buổi sáng phải vào trường để học phụ đạo, buổi chiều học chính khóa.
PV đến Trường tiểu học TT.Lịch Hội Thượng A để gặp lãnh đạo trường, nhưng Phó hiệu trưởng Bùi Thanh Liêm nói: “Mảng đó (chuyên môn - PV) không thuộc lĩnh vực của tôi phụ trách nên không thể trả lời được”. Hiệu trưởng không có ở trường.
Trước đó, đầu năm học 2017 - 2018, nhiều phụ huynh phản ánh thực trạng nhiều học sinh lớp 1 của trường này chưa biết chữ vẫn được cho lên lớp 2. Ông Huỳnh Hà Thắng, Hiệu trưởng nhà trường, cũng thừa nhận có trường hợp như vậy sau khi ông trực tiếp đến nhà kiểm tra khả năng đọc của các học sinh và quyết định cho các em học lại lớp 1.
Còn năm học 2016 - 2017, ở lớp 2H Trường tiểu học TT.Hội Thượng A có 24 học sinh nhưng chỉ có 4 em đọc trôi chảy, trong số còn lại, một số em chỉ biết đánh vần một cách khó nhọc, một số em khác biết vần nhưng không ghép được, có em không biết đọc, không biết viết. Vì vậy, nhiều phụ huynh đến xin ban giám hiệu nhà trường cho con ở lại lớp 1.
Dư luận đặt vấn đề tại sao một trường đạt chuẩn quốc gia mà có nhiều học sinh có kết quả học tập yếu vẫn được cho lên lớp. Trách nhiệm của nhà trường và ngành GD-ĐT ở đâu?