Nhóm Azura, Yamagata phát hành hàng nghìn tỷ đồng cổ phần ưu đãi cổ tức để làm gì?

Cả Azura và Yamagata đều tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần ưu đãi cổ tức cùng thời điểm mua lại hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu trước hạn.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Azura vừa mua lại 1.625 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong cùng ngày 11/12 vừa qua.

Cùng thời điểm, Azura đã tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 1.725 tỷ đồng thông qua phát hành 162,5 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức.

Số tiền thu về từ đợt phát hành đúng bằng số tiền mua lại trái phiếu trước hạn. Do vậy, nhiều khả năng đợt phát hành tăng vốn nhằm phục vụ thanh toán nợ trái phiếu. 

Sau khi thanh toán trước hạn số trái phiếu nói trên, Azura còn nợ 7.387 tỷ đồng từ các thương vụ huy động trái phiếu gây chú ý trên thị trường.

Trước đó trong hai năm 2018 và 2019, Azura đã phát hành 10 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 9.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này sẽ lần lượt đáo hạn từ tháng 2/2028 đến tháng 1/2029.

Bên cạnh Azura, ngày 15/12, CTCP Yamagata cũng vừa mua lại 1.450 tỷ đồng trái phiếu trước hạn từ hai lô trái phiếu được phát hành vào cuối năm 2018 đầu năm 2019.

Tương tự như trường hợp của Azura, Yamagata đã tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 1.550 tỷ đồng thông qua phát hành 145 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức trong cùng thời điểm..

Trước đó vào ngày 15/10, Yamagata đã chuyển đổi mô hình từ Công ty TNHH Một thành viên Yamagata sang CTCP Yamagata như hiện tại.

Dư nợ trái phiếu Yamagata còn phải thanh toán khoảng 2.550 tỷ đồng và số trái phiếu này sẽ lần lượt đáo hạn vào tháng 12/2028 và tháng 1/2029.

Thông tin công bố hồi cuối năm 2019, nhóm doanh nghiệp lạ gồm Yamagata, Azura, Ataka và Hakuba đã phát hành gần 25.000 tỉ đồng trái phiếu với kì hạn 10 năm.

Tại thời điểm phát hành, vốn điều lệ của những doanh nghiệp này ở mức vài chục đến vài trăm tỉ đồng, rất nhỏ so với qui mô trái phiếu phát hành.

Đồng thời, những thông tin liên quan đến trái phiếu như lãi suất, tài sản đảm bảo hay trái chủ không được các bên tiết lộ.

Mặc khác, nhóm doanh nghiệp này sở hữu lượng lớn chứng chỉ tiền gửi của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Trong đó, một phần chứng chỉ tiền gửi cũng được các doanh nghiệp thế chấp tại Công ty Chứng khoán VPBS (VPS) để làm tài sản bảo đảm cho một số lô trái phiếu.

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.