Những dấu ấn của Tổng thống Trump trong gần 4 năm sóng gió

Donald Trump là một trong những tổng thống gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Là tay mới trên chính trường, ông Trump cũng kịp ghi lại cho riêng mình những dấu ấn đáng chú ý trong gần 4 năm lãnh đạo nước Mỹ.

Donald J. Trump là Tổng thống Mỹ đời thứ 45. Ông sinh ra và lớn lên tại quận Queens, thành phố New York, sau đó theo học Đại học Fordham trong hai năm và nhận bằng cử nhân kinh tế của Trường Wharton (Đại học Pennsylvania).

Trước khi đắc cử tổng thống, ông Trump kế nghiệp cha điều hành công ty gia đình và dần nổi tiếng sau chương trình truyền hình thực tế ăn khách "The Apprentice" (tạm dịch: Người tập sự). Năm 2020, Forbes ước tính khối tài sản của ông đạt khoảng 2,1 tỉ USD.

Tổng thống Trump được cho là theo chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc. Ông tham gia cuộc đua tổng thống năm 2016 với tư cách là ứng viên của Đảng Cộng hòa và "luồn qua khe cửa hẹp" để giành chiến thắng bất ngờ trước ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Ông Trump trở thành tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất từ trước đến nay và cũng là người đầu tiên chưa từng làm việc cho quân đội hoặc chính phủ trước khi đắc cử.

Sau gần 4 năm điều hành siêu cường Mỹ, ông Trump ghi dấu ấn cả trong và ngoài nước với nhiều chính sách và phát ngôn táo bạo. Hãy cùng điểm qua một số dấu ấn của Tổng thống Trump trước thềm cuộc bỏ phiếu toàn quốc ngày 3/11/2021:

Tái định hình cơ quan tư pháp liên bang

Năm 2016, khi ra tranh cử, ông Trump đã hứa sẽ lấp đầy tòa án các cấp bằng các thẩm phán thuộc phe bảo thủ. Cho đến nay, ông Trump đã đề cử ba thẩm phán vào Tòa án Tối cao (hai ứng viên được phê chuẩn) và bổ nhiệm 205 thẩm phán khác, xem như đã hoàn thành lời hứa năm 2016.

Chỉ trong nhiệm kì đầu (hiện chưa kết thúc), ông Trump bổ nhiệm được 53 thẩm phán cho 13 tòa phúc thẩm trên khắp nước Mỹ. Trong khi đó, qua hai nhiệm kì, cựu Tổng thống Barack Obama chỉ bổ nhiệm 55 thẩm phán tòa phúc thẩm.

Theo The Washington Post, tính đến tháng 12/2019, các ứng viên được ông Trump đề cử chiếm khoảng 25% tổng số thẩm phán tòa phúc thẩm tại Mỹ.

Tòa án là cơ quan có quyền phán quyết cao nhất trong hệ thống tư pháp Mỹ và tất cả hơn 200 thẩm phán nói trên đều có nhiệm kì trọn đời. Do đó, ngay cả khi ông Trump thất cử trong năm nay, các thẩm phán do ông bổ nhiệm sẽ góp phần định hình hướng đi chính sách của Mỹ trong tương lai, thông thường bức tranh sẽ hiện rõ sau 5 năm hoặc hơn.

Quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ

Sau khi kí đạo luật chi tiêu quốc phòng trị giá 738 tỉ USD chỉ vài ngày trước Giáng sinh 2019, ông Trump đã chính thức thành lập quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ: Lực lượng Không gian.

Lực lượng Không gian là quân chủng mới đầu tiên kể từ khi Không quân Mỹ được thành lập năm 1947. Nhiệm vụ của quân chủng thứ 6 là bảo vệ tài sản và duy trì ưu thế của quân đội Mỹ trong không gian.

Thành - bại của Tổng thống Trump sau gần 4 năm điều hành nhiều sóng gió - Ảnh 2.

Tổng thống Trump kí lệnh thành lập Lực lượng Không gian Mỹ vào cuối tháng 12/2019. (Ảnh: Bloomberg).

Tướng John Raymond, Tư lệnh Lực lượng Không gian, từng bình luận: "Việc thành lập quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ không phải là trò hề mà trái lại còn rất quan trọng với nước Mỹ".

Dù vấp phải phản đối từ một số tướng quân đội, các chuyên gia như ông Dean Cheng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại Davis (thuộc Quĩ Di sản) cho rằng sức mạnh không gian có ảnh hưởng cả trong thời chiến và thời bình nên Mỹ cần một lực lượng không gian thực thụ.

Đạo luật First Step Act

Tháng 12/2018, ông Trump kí thông qua Đạo luật First Step Act (FSA), đánh dấu chiến thắng lập pháp đầu tiên trong nhiều năm cho các nhóm ủng hộ cải cách hệ thống tư pháp hình sự. Đạo luật này nhận được sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng Mỹ.

Đạo luật FSA sửa đổi một số luật tuyên án liên bang, giảm mức án tối thiểu bắt buộc với các trọng tội như buôn ma túy và mở rộng chương trình phóng thích sớm,...

Tỉ lệ tội phạm tại Mỹ giảm dần từ 523 vụ/100.000 dân năm 1999 xuống 432 vụ năm 2009 và sau đó xuống 369 vụ vào năm 2018, theo New York Times (NY Times). Hơn 90% người hưởng lợi từ việc giảm hiệu lực hồi tố trong đạo luật là người da màu.

Ngoài ra, FSA còn tạo các chương trình tái hòa nhập cho cựu tù nhân, dù khoảng 25% các phạm nhân ở tù liên bang hơn một năm không thể hoàn thành chương trình nào do thiếu kinh phí, theo Trung tâm Công lí Brennan.

Đánh sập Đế chế Hồi giáo của ISIS và tiêu diệt thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi

Năm 2014, ISIS gây chấn động thế giới khi đánh chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn trên khắp Iraq và Syria, từ đó tuyên bố thành lập Đế chế Hồi giáo.

Sau nỗ lực kéo dài 5 năm do Mỹ dẫn đầu, cuối cùng Đế chế Hồi giáo của ISIS đã bị đánh sập vào tháng 3/2019.

Thành - bại của Tổng thống Trump sau gần 4 năm điều hành nhiều sóng gió - Ảnh 3.

Trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi. (Ảnh: AFP).

Cuối tháng 10 cùng năm, một cuộc không kích của Mỹ đã dẫn đến cái chết của thủ lĩnh ISIS Abu Bakr al-Baghdadi - trùm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới cho đến thời điểm đó.

Giảm giá thuốc

Trong một video tranh cử đăng tối 16/10/2020, Tổng thống Trump khẳng định chính quyền của ông đã hạ giá thuốc tại Mỹ và trong gần 4 năm qua, phí chăm sóc y tế đã giảm 34%.

Ông Trump đã kí một loạt đạo luật hành pháp để giúp chính quyền các bang nhập khẩu thuốc rẻ hơn từ Canada.

Năm 2018, ông Trump từng ủng hộ đạo luật yêu cầu bác sĩ minh bạch về giá thuốc do Quốc hội thông qua. Năm nay, ông Trump còn kí mệnh lệnh hành pháp yêu cầu toàn bộ cơ sở y tế tiết lộ giá dịch vụ để người dân Mỹ so sánh và lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh.

Chính quyền ông Trump tuyên bố sẽ cung cấp thuốc dự phòng lây nhiễm HIV cho 200.000 bệnh nhân không có bảo hiểm mỗi năm trong 11 năm, số thuốc này do Gilead tài trợ.

Chính sách nhập cư

Năm 2016, ông Trump cam kết sẽ xử lí mạnh tay tình trạng nhập cư trái phép. Khi nhậm chức, ông đã thực hiện tốt lời hứa lúc trước dù bị Liên Hợp Quốc cáo buộc vi phạm nhân quyền và luật pháp quốc tế.

Chính sách "không khoan nhượng" của chính quyền Trump với người vượt biên trái phép khiến ít nhất 5.500 gia đình li tán.

Sau khi bị công chúng phản ứng dữ dội, ông Trump kí lệnh hành pháp vào tháng 6/2018 để ngăn chặn việc li tán gia đình và một thẩm phán liên bang đã yêu cầu chính quyền ông Trump giúp đoàn tụ các gia đình bị chia tách trước đó. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn tiếp diễn.

Bức tường biên giới

Một trong các lời hứa tranh cử nổi tiếng của ông Trump năm 2016 là xây dựng bức tường dọc biên giới phía nam và buộc Mexico chi tiền.

Biên giới phía nam dài khoảng 3.218 km và Bộ An ninh Nội địa ước tính cần ít nhất 21 tỉ USD để xây dựng bức tường. Sau khi xây xong khoảng 96 km đầu tiên trong hai năm rưỡi nhiệm kì, ông Trump hứa xây thêm hơn 800 km vào cuối năm nay nhưng chưa thể hoàn thành, viện chính sách Thirdway nêu rõ.

Đảng Dân chủ và thậm chí Đảng Cộng hòa cũng không đứng về phía ông. Ý tưởng xây dựng bức tường chỉ được khoảng 40% thành viên Quốc hội Mỹ ủng hộ. Ông Trump từng đóng cửa chính phủ hồi tháng 12/2018 để đòi thêm 5 tỉ USD xây dựng bức tường nhưng Quốc hội Mỹ không chấp thuận.

Bất bình đẳng chủng tộc

Phản ứng của ông Trump với cuộc biểu tình bạo lực tại Charlottesville, bang Virgina năm 2017 và phong trào biểu tình đòi quyền bình đẳng cho người da màu sau cái chết của George Floyd hồi tháng 5 năm nay là hai vấn đề chủng tộc gây tranh cãi trong nhiệm kì tổng thống của ông.

Thành - bại của Tổng thống Trump sau gần 4 năm điều hành nhiều sóng gió - Ảnh 7.

Phong trào biểu tình đòi quyền bình đẳng cho người da màu lan đến châu Âu. (Ảnh: AP).

Năm 2017, ông Trump bị lưỡng đảng chỉ trích vì không phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ trước bạo lực cực đoan của người da trắng. Phản ứng của ông chủ Nhà Trắng cũng làm dấy lên các cáo buộc ông phân biệt chủng tộc và tôn thờ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.

Năm 2020, ông Trump lại khiến đất nước chia rẽ thêm khi ra lệnh xịt hơi cay vào người biểu tình ôn hòa gần Nhà Trắng trong khi vị Tổng thống này chụp ảnh tại một nhà thờ gần đó, mô tả ác ý về người biểu tình chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và đe dọa cử quân đội đi dẹp loạn,...

Theo một cuộc thăm dò của Gallup, phần đông người Mỹ da màu tin ông Trump là người phân biệt chủng tộc và tỉ lệ ủng hộ của ông Trump trong nhóm nhân khẩu này chỉ đạt 8%.

Bê bối luận tội và thuế

Ông Trump bị Hạ viện luận tội vào ngày 18/12 năm ngoái. Hai điều khoản luận tội gồm lạm dụng quyền lực để đổi chác với Ukraine và cản trở Quốc hội mở cuộc điều tra luận tội.

Tổng thống Trump bị cáo buộc thúc giục Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden để đổi lấy gói viện trợ quân sự 400 triệu USD từ Mỹ.

Dù được tuyên trắng án trong phiên tòa tại Thượng viện nhưng ông Trump sẽ lưu danh lịch sử là vị tổng thống Mỹ thứ ba bị luận tội.

Cuối tháng 9 năm nay, ông Trump dính vào bê bối thuế khi chỉ đóng 750 USD thuế thu nhập liên bang trong hai năm đầu nhiệm kì và liên tục báo thua lỗ trong hàng chục năm dù trước đây ông thường xuyên khoe khoang mình là một doanh nhân thành đạt. Ngoài ra, hồ sơ thuế cho thấy ông Trump từng nhận hàng triệu USD từ các hoạt động ở nước ngoài.

Số tiền thuế ông Trump nộp cho chính phủ nước ngoài cũng lớn hơn số thuế ông nộp tại Mỹ.

Theo The Guardian, các bê bối lặp lại nhiều lần như thế này có thể dập tắt cơ hội tái đắc cử của ông Trump.

Đại dịch Covid-19

Chính sách chống đại dịch Covid-19 của ông Trump là một trong các thảm họa trong lịch sử Mỹ. Từ các phản ứng giật cục đến nhiều tuyên bố phản khoa học về virus SARS-CoV-2, ông Trump càng khiến nước Mỹ chìm sâu vào cuộc khủng hoảng y tế hơn.

Đến nay, Mỹ là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 8,1 triệu ca nhiễm và gần 220.000 ca tử vong.

Ông Trump nhiều lần hạ thấp mối nguy hiểm của đại dịch trước công chúng, dù chia sẻ riêng với phóng viên tờ Washington Post điều ngược lại. Ông cũng ít khi thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và thậm chí còn tổ chức các sự kiện tranh cử qui mô lớn.

Bản thân ông Trump, cùng vợ Melania Trump và hàng chục quan chức, cố vấn Nhà Trắng dương tính với Covid-19 là hậu quả rõ ràng của thái độ coi thường dịch bệnh của tổng thống Mỹ.

Hình ảnh của Mỹ với đồng minh

Hình ảnh toàn cầu của Mỹ đã xấu đi đáng kể dưới thời Trump khi ông nhiều lần gây hiềm khích với các đồng minh quan trọng của Mỹ.

Tháng 1/2020, Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết trên 32 quốc gia khảo sát, trung bình 64% không tin ông Trump đã thực hiện chính sách đối ngoại đúng đắn và chỉ 29% tin tưởng Tổng thống Mỹ.

Thành - bại của Tổng thống Trump sau gần 4 năm điều hành nhiều sóng gió - Ảnh 8.

Ông Trump đứng cùng các đồng minh thân cận hồi năm 2018. (Ảnh: New York Times).

Phản ứng của ông Trump trong đại dịch Covid-19 cũng khiến Mỹ lúng túng trên trường quốc tế và tạo cơ hội để Trung Quốc lấp đầy khoảng trống.

Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran của ông Trump gây sóng gió tại Trung Đông và khiến các đồng minh của Mỹ lên tiếng chỉ trích. Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang sau khi Washington ám sát tướng Qassem Soleimani đầu năm 2020 còn gây lo ngại xảy ra chiến tranh.

Cải cách thuế

Năm 2017, ông Trump thông qua Đạo luật Việc làm và Giảm thuế (TCJA) - cuộc đại tu thuế lớn nhất của Mỹ trong ba thập kỉ.

Đạo luật TCJA giảm thuế suất doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21% và hứa hẹn trong trung hạn, mức giảm thuế sẽ giúp thu nhập trung bình của hộ gia đình Mỹ tăng ít nhất 4.000 USD.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin từng khẳng định GDP của Mỹ sẽ tăng 3% nhờ đạo luật trên.

Trong khi người ủng hộ thì xem đạo luật TCJA là một cú hích cho nền kinh tế Mỹ thông qua vốn đầu tư của doanh nghiệp thì giới phê bình cho rằng giảm thuế chỉ khiến người giàu càng giàu thêm và gây hại cho tầng lớp trung lưu, từ đó làm gia tăng bất bình đẳng kinh tế.

Dấu ấn của Tổng thống Trump trong gần 4 năm sóng gió - Ảnh 5.

Nghiên cứu của IMF trên 500 doanh nghiệp lớn nhất tại Mỹ theo tạp chí Fortune cho thấy chỉ 20% dòng tiền tăng trong năm 2018 được dùng cho chi tiêu vốn bổ sung hoặc nghiên cứu và phát triển (R&D), 80% còn lại được trả về cho các cổ đông.

Lợi ích từ cuộc đại tu thuế của ông Trump không như kì vọng, còn doanh thu thuế của chính phủ lại giảm hơn 40% kể từ khi đạo luật này được thông qua tháng 12/2017, theo Center for American Progress. Trong giai đoạn năm tài khóa 2017 - 2018, thâm hụt ngân sách liên bang tăng 113 tỉ USD, trong khi doanh thu thuế giảm khoảng 90 tỉ USD.

Dấu ấn của Tổng thống Trump trong gần 4 năm sóng gió - Ảnh 6.

Tuy nhiên, các nhà phân tích như ông Jason Furman (chuyên gia kinh tế Nhà Trắng dưới thời ông Obama) hay bà Aparna Mathur (học giả của Viện Doanh nghiệp Mỹ) nói chỉ có thể đánh giá sự thành bại của đạo luật TCJA trong dài hạn.

Chiến tranh thương mại

Sau hơn hai năm thương chiến căng thẳng với Trung Quốc, chính quyền ông Trump đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, trong đó chính phủ Bắc Kinh cam kết:

- Mua thêm 200 triệu USD nông sản và dịch vụ Mỹ trong hai năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 mà Trung Quốc hiện chưa hoàn thành mục tiêu mua 76,7 tỉ USD trong năm nay.

- Tăng cường bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ để ngăn chặn hành vi chuyển giao công nghệ Mỹ cưỡng ép.

- Dừng trợ cấp của chính phủ cho các ngành công nghiệp liên quan đến kế hoạch Made in China 2025.

- Đảm bảo nhà đầu tư và doanh nghiệp Mỹ được đối xử và tiếp cận thị trường tỉ dân.

- Giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan mà Trung Quốc áp cho hàng hóa Mỹ.

- Thiết lập cơ chế thực thi để hai bên tuân thủ và xử lí tranh chấp thương mại trong tương lai.

Thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán thường xuyên tăng mạnh trong nhiệm kì của ông Trump như lời khẳng định trước đó của Tổng thống Mỹ đời thứ 45, dù đi kèm với mức tăng cao là nhiều lần biến động.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đạt mức cao kỉ lục mọi thời đại vào tháng 2 năm nay, khi nhà đầu tư tin tưởng cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xướng với Trung Quốc đã được giải quyết.

Thành - bại của Tổng thống Trump sau gần 4 năm điều hành nhiều sóng gió - Ảnh 5.

Tuy nhiên, khi nước Mỹ phải phong tỏa trên diện rộng và rơi vào suy thoái từ tháng 3/2020, thị trường chứng khoán cũng xóa sạch thành quả tích lũy trong ba năm đầu nhiệm kì của ông Trump.

Thị trường đã phục hồi và chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 60% kể từ khi chạm đáy vào tháng 3 nhờ sự bùng nổ của cổ phiếu công nghệ và môi trường lãi suất thấp.

Nền kinh tế Mỹ

Nền kinh tế Mỹ trước và sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát là một bức tranh với hai mảng màu sáng - tối.

Ở mảng sáng, đến trước đại dịch, kinh tế Mỹ ghi nhận nhiều cột mốc tích cực về việc làm, thu nhập của người lao động và thị trường chứng khoán. Cuối năm 2019, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm còn 3,5% - mức thấp nhất trong vòng 50 năm.

Tháng 11/2019, nhóm 25% người dân Mỹ có mức lương thấp nhất ghi nhận thu nhập tăng 4,5%, trong khi nhóm người lao động có lương cao nhất nước Mỹ chỉ hưởng mức tăng thu nhập 2,9%, theo NY Times.

Dưới thời ông Trump, tỉ lệ nghèo đói còn giảm xuống mức đáy 17 năm là 11,8% nhờ môi trường việc làm cải thiện.

Thành - bại của Tổng thống Trump sau gần 4 năm điều hành nhiều sóng gió - Ảnh 9.

Đại dịch Covid-19 ập đến, nền kinh tế Mỹ rơi vào mảng tối khi lao dốc hơn 30% trong quí II/2020 (tương đương mức giảm khoảng 8-9% theo cách tính của Việt Nam). Hàng chục triệu người lao động mất việc, xóa sạch thành tích việc làm tích cóp trong mấy thập kỉ qua.

Thị trường việc làm đang dần phục hồi nhưng còn lâu mới vực dậy hoàn toàn khi mà nước Mỹ còn đang vật lộn để ngăn chặn đại dịch. Tính đến tháng 9 năm nay, Mỹ vẫn còn gần 12,6 triệu người mất việc, tỉ lệ thất nghiệp là 7,9%.

Trong năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phải hạ lãi suất hai lần xuống gần mức 0 để kiềm chế ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Chính phủ Mỹ mới đây thông báo thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2020 (từ 1/10/2019 đến 30/9/2020) là 3.100 tỉ USD, gấp hơn ba lần con số thâm hụt 984 tỉ USD của năm tài khóa trước.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.