Trong cuốn tiểu thuyết viễn tưởng "Tam thể" của nhà văn Trung Quốc Lưu Từ Hân, một giống người ngoài hành tinh đã can thiệp vào các máy gia tốc phân tử của Trái Đất để ngăn cản con người Trái Đất đạt được các tiến bộ kĩ thuật.
Loài người ngoài hành tinh này cho rằng việc chặn đứng các bước đột phá trong vật lí cũng giống như tắt đi một chiếc công tắc, khiến con người Trái Đất không thể phát triển về mặt khoa học.
Nhìn vào cuộc giao đấu giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, có thể thấy các biện pháp trừng phạt mà Mỹ nhằm vào lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc cũng giống như việc tắt công tắc trong truyện của nhà văn Lưu Từ Hân, Nikkei Asia nhận xét.
Mỹ yêu cầu mọi doanh nghiệp phải xin phép chính phủ tại Washington trước khi bán công nghệ cho SMIC - tập đoàn sản xuất chip lớn nhất và hiện đại nhất Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố cho cả thế giới biết ý định của mình: Mỹ sẽ làm mọi việc để ngăn cản bước tiến của Trung Quốc trong ngành bán dẫn nói riêng và các lĩnh vực công nghệ nói chung.
Chiến lược hung hăng này nhằm thực hiện ba mục tiêu cùng lúc:
Thứ nhất, lệnh cấm của Mỹ đã chặn đà phát triển của SMIC trong quá trình sản xuất các loại chip hiện đại như 14 nanomet và 7 nanomet (nm). Loại chip càng nhỏ lại càng tiên tiến và càng khó sản xuất. Hiện nay loại chip nhỏ nhất có kích thước 5 nm và các hãng công nghệ hàng đầu đang nghiên cứu mẫu chip 3 nm và 2 nm.
SMIC từng lập kế hoạch đẩy mạnh sản xuất chip 14 nm trong năm nay và tăng tốc nghiên cứu loại chip 7 nm. Tuy nhiên khi thiếu nguyên liệu và thiết bị của Mỹ vì lệnh cấm của ông Trump, SMIC sẽ gần như không thể theo đuổi các công nghệ chip tiên tiến được nữa, bao gồm cả loại 14 nm và 7 nm.
Thứ hai, lệnh cấm mới của Washington đã dập tắt tia hi vọng cuối cùng của Huawei trong việc tìm một bên thứ ba để sản xuất loại chip mà Huawei tự thiết kế. Mỹ không cho phép các công ty, trong đó có SMIC, cung cấp sản phẩm hay dịch vụ có sử dụng công nghệ Mỹ cho Huawei.
Trước đây từng có kì vọng rằng nếu SMIC có thể làm chủ được công nghệ chip 14 nm và 7 nm thì tập đoàn công nghệ này có thể giúp sức cho người đồng hương Huawei tránh khỏi lệnh cấm từ Washington. Giờ đây với qui định mới của Mỹ, hi vọng giúp đỡ Huawei đã tan biến và tương lai của chính SMIC đang bị đe dọa.
Và thứ ba, lệnh hạn chế mới của Mỹ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực phát triển của toàn ngành bán dẫn Trung Quốc. Một doanh nghiệp sản xuất bán dẫn giống như một mỏ neo lớn hỗ trợ cho các công ty cung cấp vật liệu, thiết bị, thiết kế phần mềm, mạch tích hợp, người dùng cuối cùng ... Tất cả cùng tạo nên một chuỗi cung ứng bán dẫn hoàn chỉnh.
Nếu SMIC không thể phát triển quá trình sản xuất chip của mình thì các doanh nghiệp phụ trợ cũng không thể lớn lên được. Doanh nghiệp chip lớn thứ hai của Trung Quốc là Shanghai Hua Hong Group có qui mô chỉ bằng một nửa SMIC và đi sau SMIC khá nhiều.
Do sự thống trị của Mỹ về qui mô và mức độ phát triển trong ngành công nghệ, Trung Quốc không dễ gì thoát ra được vòng kiềm tỏa của Mỹ. Cái đích cuối cùng của chính quyền Donald Trump là duy trì hay thậm chí là gia tăng mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ Mỹ.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ công nghệ bán dẫn lớn nhất thế giới. Intel và AMD được cho phép tiếp tục bán chip cho Huawei - một trong những công ty điện thoại di động lớn nhất thế giới. Rất có thể Qualcomm sẽ là hãng chip Mỹ tiếp theo được cấp phép. Nhìn chung, lệnh hạn chế xuất khẩu và danh sách đen thương mại của Mỹ được sử dụng để tăng cường năng lực thống trị của doanh nghiệp Mỹ trên thị trường chip Trung Quốc.
Mặt khác, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn vui vẻ mua sản phẩm chip của Mỹ, nhưng thời gian cũng chẳng còn được bao lâu. Các công ty Trung Quốc đều hiểu rằng cần tự chủ được nguồn cung chip trong nước thay cho hàng nhập khẩu.
Chính những lệnh cấm của ông Trump đã trở thành động lực mạnh mẽ nhất thôi thúc sự tự chủ của ngành bán dẫn Trung Quốc - điều mà loạt chính sách công nghiệp và hàng tỉ USD tiền thuế của đất nước tỉ dân trước nay chưa làm được.
Nhu cầu chip nội địa để thay thế hàng ngoại nhập ngày càng trở nên cấp thiết. Theo Nikkei Asia, Huawei đang xây dựng một dây chuyền sản xuất chip không sử dụng công nghệ của Mỹ. Trước mắt, dây chuyền này sẽ cho ra dòng chip 45 nm trong năm nay và dự kiến là chip 28 nm trong năm sau.
Các nhà đầu tư cũng đang đặt cược vào những doanh nghiệp liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn nội địa Trung Quốc, chẳng hạn như những công ty cung cấp thiết bị, vật liệu và phần mềm. Theo Nikkei Asia, trong 7 tháng đầu năm 2020, giá trị đầu tư vào ngành bán dẫn Trung Quốc tăng 200% so với cùng kì năm ngoái, đạt 60 tỉ nhân dân tệ.
Dự kiến trong cả năm 2020, con số có thể đạt kỉ lục 100 tỉ nhân dân tệ (tương đương gần 15 tỉ USD), gấp ba lần năm ngoái.
Trung Quốc có tiền, có chuyên gia và có thị trường tiêu thụ chip lớn nhất thế giới, vì vậy việc nước này tự xây dựng được chuỗi cung ứng chip chỉ còn là vấn đề thời gian.
Khi Trung Quốc tự chủ được nguồn cung chip, người thiệt hại nặng nề nhất chính là các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ vì phải nhìn thế độc quyền lâu nay tuột khỏi tay mình. Washington chắc chắn đã hình dung ra nguy cơ này nhưng tư duy ngắn hạn của các nhà lãnh đạo khiến họ chỉ biết tập trung vào cái lợi trước mắt mà quên hết những câu chuyện khác.
Tất nhiên nỗ lực tự cường của ngành công nghệ Trung Quốc sẽ phải vượt qua nhiều thử thách lớn, đã có nhiều dự án thất bại làm tiêu tốn hàng chục tỉ nhân dân tệ tiền đầu tư.
Trong tiểu thuyết "Tam thể" của nhà văn Lưu Từ Hân, người Trái Đất và người ngoài hành tinh đối mặt với sự diệt vong sau nhiều thế kỉ đối đầu. Trong cuộc tranh chấp Mỹ - Trung, hai bên vẫn có thể hi vọng tránh khỏi kết cục thảm khốc nếu họ quay trở lại một chiến lược mang tính hợp tác và xây dựng hơn.