Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến 30/9/2020, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 6,09% so với cuối năm 2019, thấp hơn nhiều so với cùng kì năm ngoái (tăng 9,4%). Tuy nhiên, đi ngược lại với xu hướng chung của toàn ngành, tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng vẫn đạt mức cao, thậm chí kịch trần cho phép.
Tính đến 30/9, dư tín dụng của TPBank đạt 124.124 tỉ đồng, tăng 22,3% so với cuối năm 2019 và 37,2% so với cùng kì năm trước. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành ngân hàng và gần chạm trần tín dụng (23%), mức trần cao nhất mà NHNN phê duyệt cho TPBank (cùng với Techcombank và VIB) trong năm 2020.
Theo số liệu của SSI Research, tăng trưởng tín dụng của TPBank được thúc đẩy nhờ khối khách hàng doanh nghiệp lớn( 73% so với đầu năm), bao gồm dư nợ ( 47% so với đầu năm) và trái phiếu ( 166% so với đầu năm).
Trong số dư trái phiếu doanh nghiệp, khoảng 30% được đầu tư vào ngành bất động sản, với các tên tuổi lớn như Hưng Thịnh Land, Novaland … Phần còn lại dành cho các công ty trong ngành năng lượng và khai khoáng, bao gồm EVN và các công ty con của Tổng Công ty truyền tải điện (NPT), Công ty Khoáng sản Núi Pháo.
SSI Research cho rằng, TPBank ưa thích trái phiếu doanh nghiệp do trái phiếu mang lại lợi suất dài hạn cao hơn (thời hạn bình quân là 3,5 năm, với mức lợi suất bình quân là 11%/năm) và thu nhập từ phí phát hành. TPBank cũng gia hạn một số khoản vay cho các dự án điện mặt trời.
Tại VPBank, tăng trưởng tín dụng tính đến hết quí III đạt 16,5%, kết quả này cũng chủ yếu nhờ trái phiếu doanh nghiệp tăng 168,4% trong khi cho vay khách hàng tăng 8,1%. Tỉ lệ trái phiếu doanh nghiệp trong tổng tín dụng đã tăng lên 12,1% vào cuối quí III từ mức 5,2% vào cuối 2019
Theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng này, những tháng đầu năm, bên cạnh mảng chiến lược là tiểu thương, tín dụng tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, bán lẻ, VPBank tập trung thêm vào mảng trái phiếu doanh nghiệp, mở rộng sang khách hàng lớn, cho vay mua nhà…
Tương tự TPBank và VPBank, dư nợ tín dụng của Techcombank tăng mạnh trong quí III nhờ trái phiếu doanh nghiệp.
Theo số liệu cập nhật của SSI Research, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt 9,2%, cao hơn nhiều so với mức bình quân ngành là 6,09% so với đầu năm. Riêng quí III, tín dụng tăng 5,5% chủ yếu nhờ trái phiếu doanh nghiệp tăng 15.900 tỉ đồng, hay 41% so với cuối tháng 6.
Tính chung trong 3 quí vừa, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Techcombank tăng 78,6%, chiếm tỉ trọng 14,7% trong tổng tài sản sinh lãi, mức cao nhất trong ngành.
Ngoài trái phiếu doanh nghiệp, một số ngân hàng cũng có được mức tăng trưởng tín dụng cao nhờ hướng vào nhóm đối tượng khách hàng có ưu thế.
Tại HDBank, trong khi dư nợ khách hàng vừa và nhỏ (SME) thúc đẩy tăng trưởng nói chung trong 6 tháng đầu năm 2020 ( 16,8%), dư nợ cho vay cá nhân phục hồi là động lực cho quí III/2020 ( 4,3% so với quí trước hay đạt 2.600 tỉ đồng). Dư nợ của các doanh nghiệp lớn cũng tăng trưởng mạnh 38,7% so với quí trước (2.000 tỉ đồng), do ngân hàng có thể giải ngân cho các khách hàng lớn như EVN, Thaco và các khách hàng có tên tuổi lớn khác.
VIB cũng là một điển hình về khả năng tăng trưởng tín dụng cao nhờ các phân khúc khách hàng trọng điểm. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 của VIB đạt 14,2%, được thúc đẩy nhờ cả cho vay mua nhà ( 20% so với đầu năm) và cho vay mua ô tô ( 9% so với đầu năm).
Dư nợ tín dụng của MB ghi nhận tăng 11,8% trong 9 tháng đầu năm nay nhờ sự phục hồi của mảng cho vay bán lẻ, với mức tăng trưởng 10,8% so với đầu năm hay 9,6% so với cuối quí II. Điều này chủ yếu đến từ các khoản vay kinh doanh cá nhân ngắn hạn ở ngân hàng mẹ (tăng lên 8.500 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, số dư trái phiếu doanh nghiệp của MB cũng tăng 18% trong quí III, củng cố xu hướng tăng trưởng mạnh cho 9 tháng đầu năm (tăng 13.000 tỉ đồng so với đầu năm, tương đương 89%)
Vào đầu tháng 7, nguyên Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với nhiều NHTM cổ phần. Mặc dù phía NHNN không công bố thông tin chi tiết nhưng theo số liệu của Chứng khoán BSC, nhiều nhà băng đã được nới chỉ tiêu thêm chục điểm phần trăm. Trong đó, một số ngân hàng đã được cấp hạn mức tín dụng lên tới 19 - 23%.
Đáng chú ý nhất là VIB, ngân hàng này được nới thêm 8,5-12,5 điểm phần trăm so với hạn mức ban đầu. Trong khi TPBank được tăng 7,5-11,5 điểm phần trăm và HDBank thêm 7-12 điểm phần trăm. VPBank và Techcombank được tăng khoảng 6-10 điểm phần trăm, lên 19 - 23%. MB cũng được điều chỉnh "room" tín dụng từ 11,75% lên 20%.
Trong những tháng cuối năm, NHNN cho biết cơ quan này sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các TCTD để hỗ trợ tăng trưởng. Theo đó, ngân hàng nào có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thì NHNN có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với nhu cầu.
Theo nhận định của giới phân tích, tín dụng trong quí IV sẽ tăng tốc mạnh hơn so với ba quí đầu năm do yếu tố mùa vụ và tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt.
Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, SSI Research dẫn lời ban lãnh đạo HDBank rằng tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối tháng 10/2020 của ngân hàng đã đạt 20% và đang xin NHNN nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên khoảng 27-28% trong cả năm nay.
Tương tự HDBank, TPBank cũng đang xin NHNN nâng trần tín dụng thêm 5.000 - 6.000 tỉ đồng, qua đó nâng hạng mức tăng trưởng tín dụng từ mức 23% như hiện tại lên gần 29% cho cả năm 2020.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quí IV/2020, các TCDT kì vọng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4,7% trong quí IV và tăng 11,4% trong cả năm 2020.
So với kì điều tra tháng 6/2020, nhóm ngân hàng TMCP nhỏ, nhóm ngân hàng TMCP lớn và nhóm ngân hàng nước ngoài đều tăng mức kì vọng về tăng trưởng tín dụng của đơn vị mình trong năm 2020.
Với mức tăng trưởng tốt trong quí III, SSI Research dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ đạt 9% - 10% và NHNN có thể có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng vào quí IV/2020.