Theo bản đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có triển vọng tích cực, dự kiến tăng trưởng 6,8% vào năm 2021 và 6,5% trong hai năm 2022 và 2023.
WB cho rằng, dòng vốn đầu tư nước ngoài không ngừng của Việt Nam và sự gia tăng ổn định trong xuất khẩu hàng hóa đã bù đắp cho những thiệt hại về thu nhập ngoại hối từ hoạt động du lịch giảm và lượng kiều hối thu hẹp.
Lấy ngưỡng 100 làm ngưỡng cơ sở cho năm 2019, kinh tế Việt Nam cùng với Indonesia, Malaysia đều vượt lên trên ngưỡng 100 với năm 2021, đồng nghĩa kinh tế Việt Nam vào năm sẽ tăng trưởng so với ngưỡng trước khi có đại dịch Covid-19 là năm 2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đưa ra dự báo.
Việt Nam dự kiến sẽ dẫn đầu nhóm này với chỉ số phát triển được tính toán sẽ tăng lên mức 108,4 điểm. S&P Global dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng đến 10,9% tính theo ngưỡng nói trên theo danh nghĩa thực, mức tăng trưởng này cao hơn bất kỳ nước nào trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nền kinh tế được dự báo tăng trưởng trở lại đồng thời mang đến triển vọng tích cực hơn đối với đối với hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên trên thị trường chứng khoán.
Theo các nhà phân tích SSI Research ước tính, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong năm 2021 là 23%, sau khi giảm 17% trong năm nay.
Dưới đây là các nhận định của các công ty chứng khoán về triển vọng kinh doanh năm 2021 đối với một số doanh nghiệp niêm yết lớn.
Hoà Phát có thể lãi ròng 12.500 tỷ đồng năm 2021 nhờ Khu Phức hợp Gang thép Dung Quất
Theo báo cáo về triển vọng kinh doanh năm 2021 của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), khu phức hợp gang thép Dung Quất sẽ dẫn dắt tăng trưởng giai đoạn 2020 - 2021 của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG).
VCSC ước tính sản lượng thép xây dựng cả năm 2020 và năm 2021 dự kiến lần lượt đạt 3,5 và 4 triệu tấn, tương ứng với tăng trưởng lần lượt 26% và 14% so với cùng kỳ. Doanh số bán phôi thép mạnh mẽ và đóng góp từ thép cuộn cán nóng kể từ tháng 11/2020 sẽ tiếp tục hỗ trợ triển vọng tăng trưởng giai đoạn 2020 - 2021.
Ngoài ra, VCSC cho rằng mức tăng trong giá quặng sắt gần đây chủ yếu đến từ nhu cầu gia tăng do lo ngại về gián đoạn nguồn cung. VCSC dự báo giá bán thép sẽ đi vào chu kỳ tăng vào cuối 2020, theo đó giá bán trung bình thép xây dựng năm 2020 và 2021 đạt lần lượt 11 triệu USD (giảm 9% so với năm trước) và 11,8 triệu USD (tăng 7%).
VCSC ước tính lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ của Hòa Phát năm 2020 đạt 11.200 tỷ đồng, tăng 49% so với năm ngoái nhờ đóng góp cao hơn dự kiến của doanh số phôi thép và thép cuộn cán nóng cùng với khả năng của Hòa Phát trong việc thu mua quặng sắt với mức giá thuận lợi.
Sang năm 2021, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ của Hòa Phát dự kiến đạt 12.500 tỷ đồng, tăng 12%, chủ yếu đến từ Khu Phức hợp Gang thép Dung Quất gia tăng hoạt động cho giai đoạn 1 (thép xây dựng) và đóng góp cả năm của giai đoạn 2 (thép cuộn cán nóng).
ACV sẽ lấy lại những gì đã mất năm 2021?
Báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, kết quả kinh doanh quý III/2020 của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) hồi phục tích cực nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ.
Điểm tích cực là các dự án đầu tư hạ tầng lớn chưa được triển khai, số dư tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của ACV tính đến hết ngày 30/9/2020 đạt gần 34.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ.
Theo đó, VCBS dự phóng doanh thu năm 2020 của ACV đạt 7.512 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ của ACV đạt 1.851 tỷ đồng, giảm 77,4%.
Theo các nhà phân tích của VCBS, ACV là một trong những đơn vị hưởng lợi mạnh mẽ nhất từ xu thế tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam.
Doanh thu năm 2021 của ACV ước đạt 13.256 tỷ đồng, tăng 76,5% so với kết quả năm trước. Lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ tương ứng tăng 160% lên 4.814 tỷ đồng. Dù vậy, con số này vẫn khá thấp so với con số lợi nhuận 8.200 tỷ đồng trong năm 2019 và 6.135 tỷ đồng đạt được trong năm 2018.
Thế Giới Di Động, Vincom Retail dự kiến trở lại đà tăng hai chữ số
Sang năm 2021, ban lãnh đạo CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) nhận định thị trường còn nhiều rủi ro tiềm ẩn do tình hình dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt. Tuy nhiên, MWG đặt mục tiêu trở lại đà tăng trưởng hai chữ số.
Cụ thể, công ty đặt mục tiêu 125.000 tỷ đồng doanh thu thuần, 4.750 tỷ đồng lãi sau thuế; lần lượt tăng 14% và 38% so với kế hoạch của năm 2020.
Thậm chí theo báo cáo nhận định triển vọng kinh doanh do Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) công bố mới đây, lợi nhuận sau thuế (LNST) của MWG năm 2020 được dự báo đạt 3.870 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ.
Sang năm 2021, LNST ước tăng 36% so với cùng kỳ, đạt 5.300 tỷ đồng nhờ sự hồi phục của tiêu dùng không thiết yếu, gia tăng thị phần trong mảng ICT do ảnh hưởng của dịch bệnh và lợi nhuận mảng bách hóa cải thiện.
Cũng liên quan đến lĩnh vực bán lẻ, VCSC dự báo lợi nhuận ròng năm 2021 của CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) tăng 45% so với năm trước, lên 3.000 tỷ đồng.
Động lực tăng trưởng dự báo sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của mảng cho thuê bán lẻ từ mức cơ sở thấp của năm 2020, một phần do gói hỗ trợ khách thuê thấp hơn cũng như đóng góp từ các dự án đại trung tâm thương mại mới.
VCSC cũng kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2021 - 2024 đạt 16% cho tổng diện tích sàn bán lẻ gộp (GFA) của VRE.
Doanh thu năm 2021 của Masan được dự báo vượt 93.200 tỷ đồng
Báo cáo ước tính kết quả kinh doanh năm 2020 của Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho thấy, CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) có thể đạt mức doanh thu cả năm 78.800 tỷ đồng, tương đương tăng gần 111% so với cùng kỳ nhờ một loạt các thương vụ M&A lớn và kết quả kinh doanh khả quan của mảng thực phẩm đóng gói, chuỗi giá trị thịt cùng với dịch vụ tài chính.
Tuy lợi nhuận ròng 2020 từ CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - Mã: MCH) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) được dự phóng tăng 16,6% và 6,1% so với cùng kỳ nhưng không thể bù đắp phần lỗ dự phóng khoảng 4.080 tỷ đồng của Vincommerce và lỗ tài chính dự phóng khoảng 2.283 tỷ.
Kết quả, lợi nhuận ròng 2020 của Masan được dự báo giảm 66,3% so với cùng kỳ, xuống 1.871 tỷ đồng.
Năm 2021, Mirae Asset dự phóng tổng doanh thu của tập đoàn tăng 18,3% lên 93.251 tỷ đồng dự trên các giả định: doanh thu của Masan High-Tech Materials tăng 53% lên 11.333 tỷ đồng; theo sau là doanh thu của Vincommerce tăng 19,1% lên 38.701 tỷ đồng và Masan MEATLife được kỳ vọng tăng trưởng cao thứ ba trong tập đoàn với doanh thu ước đạt 18.354 tỷ đồng, tăng 15%.
Theo đó, LNST của cổ đông công ty mẹ được dự báo sẽ tăng 126% so với ước tính năm 2020 lên mức 4.233 tỷ đồng năm 2021.
GVR và PHR: Hai cái tên được kỳ vọng tăng trưởng trong nhóm doanh nghiệp khu công nghiệp
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa đưa ra dự phóng doanh thu năm 2020 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG, Mã: GVR) đạt 19.600 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ và lãi ròng đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 12%.
Sang năm 2021, VCSC dự báo tăng trưởng doanh thu của GVR tăng 7,4% so với cùng kỳ, đạt 21.700 tỷ đồng và lãi ròng tăng 19% lên 4.300 tỷ đồng. Lợi nhuận chủ yếu sẽ được dẫn dắt bởi thu nhập tài chính tăng mạnh 50% lên 2.400 tỷ đồng nhờ ghi nhận lãi từ các thương vụ thoái vốn trong năm 2021.
Đối với CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR), VCSC cho rằng KCN VSIP III sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng Cao su Phước Hòa từ năm 2021.
Theo tính toán của nhóm phân tích, doanh thu năm 2020 của Phước Hòa ước đạt 1.400 tỷ đồng, giảm 16% so với thực hiện năm 2019. Song, LNST của cổ đông công ty mẹ dự kiến tăng 126% lên 1.000 tỷ đồng, nhờ khoản thu nhập từ đền bù 864 tỷ đồng từ chuyển đổi đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp cho CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC) và lợi nhuận tích cực từ mảng cao su tự nhiên.
"Năm 2021, PHR sẽ ghi nhận khoản thu nhập bồi thường trị giá 898 tỷ đồng từ chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp VSIP III", các nhà phân tích VCSC cho hay.
Theo đó, lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ PHR dự phóng đạt 1.100 tỷ đồng vào năm 2021, tăng 11%. Trong khi đó, phần lợi nhuận của công ty mẹ Phước Hòa được dự báo sẽ giảm 28% trong năm 2022 do không có khoản thu nhập lớn từ đền bù chuyển đổi đất trồng cao su.
Vicostone, Đức Giang, Gemadept dự kiến tăng trưởng hai chữ số
Cũng theo VCSC, doanh thu và lãi ròng của ông lớn ngành cảng biển Gemadept (Mã: GMD) sẽ tăng trưởng lần lượt 7,3% và 14% so với ước tính năm 2020, đạt 2.700 tỷ đồng và 471 tỷ đồng nhờ sự phục hồi sản lượng từ cụm cảng Hải Phòng và tác động tích cực từ mức tăng của phí sàn cho dịch vụ bốc dỡ container.
Nhận định của các nhà phân tích Chứng khoán Bản Việt dựa trên ước tính phí bốc dỡ container chiếm khoảng 50 - 60% doanh thu cảng. Ngoài ra, theo thông tư dự thảo, mức phí sàn cho phí bốc dỡ container dự kiến tăng khoảng 10% hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2023 tại cụm cảng Hải Phòng và khoảng 10% trong cả năm 2021 và 2023 tại cụm cảng Cái Mép.
Theo phân tích của Mirae Asset, doanh thu và lãi ròng CTCP Vicostone (Mã: VCS) ước đạt 6.310 tỷ đồng và 1.568 tỷ đồng vào năm 2021, lần lượt tăng 13,4% và 15,8% so với kết quả ước tính năm 2020.
Giả định cho dự báo này gồm có sản lượng kỳ vọng tăng 12,1%; biên lợi nhuận cải thiện từ 33,7% lên 34,2%; chi phí tài chính giảm 10%, ở mức 85 tỷ đồng; thuế thu nhập ở mức 303 tỷ đồng, tăng 28,3% do ưu đãi thuế chỉ còn giảm 50% ở Phenikaa Huế.
Liên quan đến việc CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) được cấp phép khai thác mỏ apatit đầu tiên, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), cho rằng mỏ apatit khai trường 25 sẽ là nhân tố chính để giữ vừng đà tăng lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm tới.
Dựa trên các thông tin về kế hoạch khai thác sản lượng, chi phí khai thác quặng, BSC đã tính toán lại ảnh hưởng khi mỏ khai trường 25 đi vào hoạt động, kỳ vọng năm 2021, chi phí quặng apatit sẽ giảm 240 tỷ đồng, tương ứng với 24,3% lợi nhuận trước thuế dự phóng năm 2020.
Theo đó, công ty chứng khoán dự phóng doanh thu và LNST năm 2021 của DGC lần lượt đạt 6.781 tỷ đồng, tăng 3,7% so với năm trước và 1.100 tỷ đồng, tăng 17,6%.
POW - Lợi nhuận phục hồi nhờ tăng sản lượng và giá bán
Theo báo cáo cập nhật của CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), năm 2021, sản lượng điện của POW được dự báo tăng 10,8% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu điện phục hồi hậu Covid-19. Sản lượng thủy điện kỳ vọng tăng mạnh 27,4% trong khi sản lượng huy động nhiệt điện từ EVN sẽ giảm do nguồn thủy điện giá rẻ được ưu tiên.
Bên cạnh đó, giá bán điện bình quân (ASP) dự kiến tăng 4,7% so với cùng kỳ do giá nhiên liệu đầu vào khí và than tăng (phần tăng sẽ được chuyển qua giá bán với phần sản lượng theo hợp đồng PPA). Theo đó, lợi nhuận ròng được kỳ vọng tăng 16,4% trong năm 2021.
Liên quan đến tiến độ thoái vốn tại PVMachino (PVM), phía PV Power cho biết đang dừng ở bước định giá và thuê tư vấn. Ngoài ra, ban lãnh đạo công ty cũng thông báo phương thức thoái vốn đến thời điểm nay chưa được xác định.
Tuy nhiên, nếu POW có thể thoái toàn bộ cổ phần của mình tại PVM với giá giao dịch hiện tại, ước tính công ty có thể ghi nhận doanh thu tài chính khoảng 187 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp ngành điện khác được dự báo tăng trưởng năm 2021 là CTCP Nhiệt Điện Phả Lại (Mã: PPC). Mirae Asset kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện Việt Nam sẽ quay trở lại mức 9% dưới triển vọng phục hồi của nền kinh tế. Điều này góp phần cải thiện giá thị trường trên thị trường phát điện cạnh tranh.
Ước tính năm 2021, lợi nhuận ròng của PPC sẽ tăng trưởng khoảng 13% lên mức 908 tỷ đồng. Dự phóng trên chưa bao gồm khoản hoàn lỗ tỷ giá từ EVN cũng như chưa phản ánh dự án nhiệt điện than Phả Lại 3 vào kết quả kinh doanh của PPC.
PVD, PVS, PVT - nhóm dầu khí sẽ tăng tốc trong năm 2021
VNDirect dự báo lợi nhuận ròng của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD) sẽ giảm 13% trong năm 2020 còn 160 tỷ đồng, chủ yếu do biên lợi nhuận gộp giảm trong bối cảnh dịch Covid-19 làm phát sinh thêm chi phí.
Về triển vọng năm 2021, VNDirect dự báo hiệu suất sử dụng các giàn tự nâng sở hữu sẽ cải thiện lên mức 80% trong năm tới trong kịch bản tích cực nhất với nhiều cơ hội việc làm tại thị trường nội địa như: Phát triển mỏ Tê Giác Trắng, thẩm định mỏ Kèn Bầu, các chương trình khoan của Hoàng Long JOC, Cửu Long JOC, JVPC…
Doanh thu năm tới dự kiến giảm 9% do giá thuê ngày trung bình thấp hơn (60.000 USD), nhưng lợi nhuận ròng sẽ tăng 19%, chủ yếu nhờ vào sự hoạt động trở lại của giàn TAD từ tháng 7/2021, giúp giảm lỗ so với giai đoạn dừng hoạt động năm 2017 đến 2019. Cũng nhờ giàn TAD hoạt động trở lại thì lợi nhuận ròng của PVD có thể tăng tới 136% trong năm 2022.
Tương tự, Chứng khoán BSC dự báo lợi nhuận của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - Mã: PVS) có thể vượt 900 tỷ đồng năm 2021, tăng 16% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần ước tăng 4,1% lên 18.619 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh này dựa trên các cơ sở PVS thi công các dự án gồm Sư Tử Trắng giai đoạn 2, Đường ống Lô B – Ô Môn, Nam Du - U Minh. Đặc biệt, dự án FPSO (bể chứa dầu nổi) Sao Vàng Đại Nguyệt đi vào hoạt động từ cuối 2020 dự kiến đem lại doanh thu khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm cho PVS.
Với Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT), VCBS cho rằng trong vài năm tới, mảng vận tải dầu thành phẩm và LPG là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng của doanh nghiệp nhờ các yếu tố chính là nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn và nhà máy GPP Cà Mau khôi phục sản suất từ năm 2021 cùng với nhu cầu tiêu thụ xăng dầu và LPG liên tục tăng trưởng trong các năm.
Theo đó, công ty chứng khoán dự phóng lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ năm 2021 của PVTrans dự kiến đạt 736 tỷ đồng, tăng 36,9% so với con số 537 tỷ đồng dự phóng năm 2020.