Chuẩn bị khánh thành Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma
Sau 2 năm thi công, đến nay giai đoạn 1 của dự án Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma đã hoàn tất và ... |
Sau hơn 2 năm xây dựng, công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, sáng 15/7, Tổng Liên đoàn Lao động Việt đã phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ Kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017) và khánh thành giai đoạn 1 Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: KA |
Ngoài sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương còn có sự hiện diện của đại diện thân nhân 11 liệt sĩ tiêu biểu của quân khu 5 và đông đảo thân nhân của 64 liệt sĩ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma.
Bà Nguyễn Thị Nam và ba người em là anh chị ruột của liệt sĩ Nguyễn Xuân Thủy lặn lội từ Nam Định vào tham dự đã khóc lớn tiếng khi nhìn thấy di ảnh em trai được treo chung với các liệt sĩ khác.
“Từ ngày đầu được đoàn tổ chức tham dự buổi lễ khánh thành tôi cảm thấy rất ý nghĩa và được an ủi. Khi đến khu tưởng niệm, nhìn thấy di ảnh em mình cùng các đồng đội, tôi đã không ngăn được nước mắt”, bà Nam chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Nam và thân nhân liệt sĩ Nguyễn Xuân Thủy đã bật khóc khi thấy di ảnh em trai tại khu tưởng niệm. Ảnh: KA |
Bà Nam cho biết thêm, vào ngày nghe tin em trai hy sinh trên đài cả gia đình suy sụp, mẹ bà vì xúc động mà ngã bệnh và qua đời sau đó. “Gia đình chúng tôi ngày hôm nay vào tham dự và được nhận tro cốt em về để chôn gần ông bà. Sau bao năm xa cách ngày hôm nay chúng tôi mới được gặp em. Tiếc cho em người thanh niên dũng cảm”, bà Nam nghẹn lời.
Không may mắn như gia đình bà Nam, bà Trương Thị Bảo mẹ liệt sĩ Trương Minh Thương từ Quảng Bình vào tham dự đã ngồi thẩn thờ khi nhìn thấy di ảnh con, mắt bà đỏ hoe tâm sự: “Cho đến giờ xác thằng Thương và một số đồng đội khác vẫn chưa tìm ra nhưng nhìn thấy di ảnh con, kỷ vật của đơn vị và những gì tổ chức đã làm tại khu tưởng niệm này chúng tôi cũng an ủi phần nào. Tôi năm nay 77 tuổi rồi chỉ mong được thắp nén hương cho con bên hài cốt nó”.
Thân nhân các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma rất xúc động khi nhìn thấy khu tưởng niệm người thân của mình. Ảnh: KA |
Nhiều người tham dự hôm ấy đã không ngăn được dòng nước mắt khi nhìn thấy mẹ, vợ, anh em, con các liệt sĩ kể chuyện về các anh.
Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, người trực tiếp chỉ huy bảo vệ biển đảo Trường Sa giai đoạn 1988 và tìm kiếm các chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma cho biết:
“Nếu không có sự hi sinh của đồng đội chắc chắn chủ quyền biển đảo của chúng ta sẽ không còn. Là người trực tiếp chỉ huy chiến đấu và tìm kiếm các chiến sĩ hy sinh tôi rất tự hào họ những người anh hùng, những đóa hóa bất tử nhưng cũng thật chua xót khi vẫn chưa thể tìm kiếm hết các đồng đội đã ngã xuống.
Dẫu vậy, khu tưởng niệm này phần nào đã nói lên sự quan tâm của chính quyền, quân đội và nhân dân đối với những con người quả cảm đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc, biển đảo quê hương”.
Đại tá Nguyễn Văn Dân nhắc lại sự kiện bảo vệ biển đảo Trường Sa tại Khu tưởng niệm. Ảnh: KA |
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Khu tưởng niệm được xây dựng trên khu đất rộng hơn 25.000m2, ở phía đông Đại lộ Nguyễn Tất Thành, thuộc khu 2 - Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm).
Khu tưởng niệm gồm 2 phần chính. Phần tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được xem là trái tim của khu tưởng niệm. Cụm tượng giữa “vòng tròn bất tử” cao 15,15m, trong đó phần bệ đài cao 1,4m, thân tượng cao 13,75m, gồm 9 hình tượng, thể hiện tinh thần hiên ngang bất khuất của những người lính sẵn sàng xả thân để bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.
Bảo tàng ngầm là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma. Quảng trường Hòa Bình hướng về phía Biển Đông cùng với khu “mộ gió” của 64 liệt sĩ Gạc Ma với đầy đủ họ, tên, địa chỉ… Hệ thống cây xanh, thảm cỏ và ánh sáng được chăm chút kỹ lưỡng.
Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được xem là trái tim của khu tưởng niệm. Ảnh: KA |
Đến thời điểm này, dự án đã hoàn tất giai đoạn 1, gồm các hạng mục cụm tượng đài những người nằm lại phía chân trời, khu trưng bày kỷ vật của các liệt sĩ Gạc Ma, quảng trường Hòa Bình, khuôn viên cây cảnh, đường dành cho người khuyết tật…
Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, đây là công trình của lòng dân, do đoàn viên công đoàn, cùng nhiều doanh nghiệp và người dân cả nước đóng góp tài chính, trí tuệ, tâm huyết và cả nỗi khát khao được thể hiện sự biết ơn đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Vì vậy, những người đảm nhận trọng trách thi công xây dựng đã cố gắng vượt qua tất cả khó khăn, nỗ lực hoàn thành; để khi người dân, du khách tới đây luôn thấy được cái hồn của một công trình nghệ thuật và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Công trình không chỉ là nơi giáo dục ý nghĩa truyền thống mà còn là nơi có ý nghĩa tâm linh, nhắc nhở các thế hệ đời sau không quên sự hy sinh của các chiến sĩ tại Gạc Ma.
Di ảnh các chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma. Ảnh: KA |
Thân nhân một số liệt sĩ trao kỷ vật của các anh cho Ban quản lý Khu tưởng niệm. Ảnh: KA |
Nhiều mẹ liệt sĩ vẫn chưa được thắp nén hương bên hài cốt con. Ảnh: KA |