Ngân hàng đua nhau lên sàn
Theo báo Đầu tư, tính đến nay, trong số 31 ngân hàng thương mại cổ phần, có 10 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM - HOSE, bao gồm: BID, CTG, EIB, HDB, MBB, STB, TCB, TPB, VCB, VPB.
Ba ngân hàng niêm yết trên sàn HNX, bao gồm ACB, SHB, NVB. 7 ngân hàng đang giao dịch trên sàn UPCoM, đó là BAB, KLB, LPB, VIB, VBB, BVB, SGB.
Do năm nay là thời hạn cuối cùng các ngân hàng buộc phải đưa cổ phiếu lên sàn theo đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán, vì vậy, nhiều nhà băng đã đua nhau niêm yết, chuyển sàn.
Ngày 9/12, 2,16 tỉ cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ bắt đầu niêm yết. ACB là ngân hàng thứ ba lên sàn HOSE trong năm nay sau LienVietPostBank (LPB) và VIB.
Trước đó, ngày 9/11, hơn 976 triệu cổ phiếu LPB của LienVietPostBank chính thức chào sàn HOSE. VIB. BVB, Saigonbank, Nam A Bank cũng đã niêm yết trong nửa cuối năm nay.
Giá cổ phiếu tăng mạnh
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng luôn là nhóm được giới đầu tư quan tâm và săn đón. Thông tin niêm yết, chuyển sàn của các ngân hàng đã tác động tích cực lên giá cổ phiếu phát hành.
Theo Nhà đầu tư, niêm yết giúp các ngân hàng đủ điều kiện để giao dịch kí quĩ, cải thiện tính thanh khoản của cổ phiếu.
Sau khi thông báo chuyển sang sàn HOSE vào cuối năm nay, ngày 12/11, thị giá cổ phiếu ACB tăng gần 4% so với giá tham chiếu, lên 26.400 đồng/cổ phiếu - mức đỉnh từng thiết lập vào tháng 4/2018, thông tin từ báo Đầu tư. Thị giá ACB đã tăng 50% so với đầu năm và cao hơn 93% so với đáy cuối tháng 3/2020.
Trong khi đó, theo dữ liệu giao dịch tại HNX, trong 10 phiên giao dịch gần nhất (30/10 - 10/11), đã có tổng cộng gần 103,2 triệu cổ phiếu KLB (Kienlongbank) được các nhà đầu tư trao tay, tương ứng với giá trị giao dịch tổng cộng gần 1.403 tỉ đồng.
Giá hàng loạt cổ phiếu tăng cao gấp vài chục phần trăm như MBBank, Sacombank, VIB, SHB, LienVietPostBank... Giao dịch cũng sôi động, với thanh khoản như trường hợp LPB lên tới hàng chục triệu cổ phiếu mỗi phiên, trị giá vài trăm tỉ đồng.
Chỉ trong hai ngày chào sàn (9 và 10/11), các mã cổ phiếu ngân hàng của LienVietPostBank và VIB đã tăng trên dưới 15%.
Giới đầu tư kì vọng các cổ phiếu ngân hàng khi lên sàn HOSE sẽ được định giá lại và điều này hỗ trợ giá cổ phiếu. Về xu hướng chung của thị trường, cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn nằm trong nhóm được giới đầu tư trong và ngoài nước săn đón nhiều nhất, do tính ổn định và khả năng sinh lời.
Đẩy mạnh tiềm lực tài chính
Ngoài việc đẩy mạnh giá cổ phiếu, lên sàn chứng khoán là cơ hội để các nhà băng tăng vốn. Nhiều ngân hàng tư nhân có qui mô vốn lớn như ACB, đã đặt kế hoạch tăng vốn khá lớn sau khi niêm yết, chuyển sàn.
Thông tin từ Saigon Times, ACB đã hoàn tất chia cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 30%, tăng vốn điều lệ từ 16.627 tỉ đồng lên mức gần 21.616 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tăng vốn mạnh nhất phải kể đến SHB, đồng thời cổ phiếu của ngân hàng này cũng có thị giá hấp dẫn nhất trên thị trường thời gian qua.
Vốn điều lệ của SHB từ 14.551 tỉ đồng vào cuối năm ngoái nâng lên mức 17.558 tỉ đồng trong cuối tháng 6. Ngân hàng có kế hoạch tăng lên hơn 19.314 tỉ đồng.
Ngày 1/9, Nam A Bank thông báo thay đổi vốn điều lệ từ 3.890 tỉ đồng lên mức hơn 4.564 tỉ đồng, tương ứng tăng thêm hơn 67,4 triệu cổ phiếu.
Đồng thời, Nam A Bank đang hoàn tất kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỉ đồng. Trong kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2020, Nam A Bank còn thực hiện phương án tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỉ đồng.
Về kết quả kinh doanh 9 tháng năm nay, nhiều ngân hàng niêm yết ghi nhận mức tăng trưởng khả quan.
Lợi nhuận sau 9 tháng của LienVietPostBank đạt hơn 1.740 tỉ đồng, vượt kế hoạch năm.
OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.507 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kì năm ngoái.
Nhờ lãi thuần tăng đột biến từ mảng đầu tư chứng khoán và một số hoạt động khác, lợi nhuận SeABank tăng 69% lên 1.132 tỉ đồng trong 9 tháng.
Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng của VIB đạt 4.025 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kì năm trước và đạt gần 90% chỉ tiêu cả năm.
Theo Kinh tế & Đô thị, việc niêm yết cổ phiếu trong thời điểm hiện nay sẽ giúp các ngân hàng khẳng định giá trị của mình, tiếp cận và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao vị thế thương hiệu.
Đồng thời giúp các ngân hàng tăng “đệm” thanh khoản, giúp ứng phó với rủi ro tốt hơn, trong bối cảnh hoạt động của ngành ngân hàng đang dần tăng trưởng và nợ xấu không đáng lo ngại.
Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" do Thủ tướng phê duyệt có yêu cầu bắt buộc thực hiện niêm yết, đăng kí giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng kí giao dịch trên thị trường chính thức.
Ngoài ra, khi Luật chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2021, phải sau hai năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên hệ thống UPCoM, công ty đại chúng mới được nộp hồ sơ đăng kí niêm yết chính thức. Như vậy cổ phiếu nhiều ngân hàng liên tục đổ bộ thị trường chứng khoán, đặc biệt là về cuối năm nay.