Nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh vào năm 2025

Năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thành 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam cuối cùng và nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến Cà Mau.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải cho biết mục tiêu trong năm tới của ngành là hoàn thành 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đi qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Khánh Hòa và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông. Ngoài ra, Bộ sẽ cùng với các địa phương hoàn thành một số dự án để hoàn thành mục tiêu đưa vào khai thác 3.000 km đường cao tốc.

Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương xây dựng gần 170 km đường Hồ Chí Minh để nối thông đường toàn tuyến từ Cao Bằng đến Cà Mau; hoàn thành dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh cho biết đến nay tiến độ các dự án trọng điểm đều được đảm bảo. Hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm 500 ngày đêm đưa 3.000 km cao tốc về đích năm 2025, các nhà thầu quyết tâm đưa một số dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa hoàn thành vượt tiến độ 3-6 tháng. Nhiều dự án khác đang được chủ đầu tư, nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công "3 ca 4 kíp".

Dự kiến hết tháng 12, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95%, thuộc nhóm dẫn đầu về giải ngân trên cả nước.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh. (Ảnh: Phương Linh).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhìn nhận một số tồn tại cần giải quyết như một số dự án trọng điểm chưa được bàn giao 100% mặt bằng; tiến độ xây dựng sân bay Long Thành còn chậm; nguồn cung cấp cát ở đồng bằng sông Cửu Long tuy được giải quyết nhưng chưa triệt để, công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều dự án đường cao tốc sớm đưa vào khai thác, song các trạm dừng nghỉ, hệ thống giám sát điều hành giao thông chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân.

Trong năm 2025, ngành giao thông sẽ tiếp tục khởi công các dự án đường bộ trọng điểm như mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, TP HCM - Long Thành, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan; xây mới cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1. Hệ thống giám sát điều hành giao thông, trạm dừng nghỉ được đầu tư đồng bộ trên các tuyến cao tốc để đảm bảo hiệu quả, hoàn thành trong quý II.

Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Bộ Giao thông Vận tải sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trong đó xây dựng nghị quyết của Chính phủ và các nghị định hướng dẫn cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua.

Bộ sẽ tập trung hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào cuối năm 2025. Các tuyến đường sắt khác sẽ được triển khai quy hoạch chi tiết như Hà Nội - Đồng Đăng, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái và nghiên cứu đầu tư tuyến TP HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm. Bộ cũng khẩn trương rà soát và thực hiện các dự án đang dừng, chậm tiến độ như Hà Nội - Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân.

Một đoạn cao tốc Vân Phong - Nha Trang qua huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Bùi Toàn).

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng ngành giao thông đã có bứt phá mạnh mẽ trong gần 20 năm qua. Giai đoạn trước 2021, cả nước mới có 1.200 km cao tốc, song từ năm 2021 đến nay đã có thêm hơn 800 km, đưa tổng số km cao tốc đến lên 2.021 km. "Trong năm 2025, cả nước sẽ hoàn thành 1.200 km cao tốc nữa, một con số rất ấn tượng, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành giao thông", Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng lưu ý ngành giao thông cần học tập, nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và từng bước phát triển các ngành công nghiệp đi kèm để dần làm chủ khoa học công nghệ. Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải cần triển khai các dự án trọng điểm ngành đường sắt như tuyến tốc độ cao Bắc Nam, Hà Nội - Lạng Sơn, TP HCM lên Cần Thơ, Cà Mau, để kết nối đồng bộ, phục vụ nhu cầu của người dân trong nước và liên kết quốc tế.

Thời gian tới, khi hợp nhất với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có mô hình mới, đồng bộ lĩnh vực giao thông, xây dựng hạ tầng, ngành xây dựng, đô thị và nông thôn. "Đây là bước phát triển đáng mừng vì thay đổi theo chiều hướng mạnh lên, đồng bộ hơn, để hệ thống nhà nước tinh gọn, mạnh, hiệu quả", Phó thủ tướng nói.

chọn
Bắc Ninh đón gần 1,7 tỷ USD vốn ngoại đầu năm mới
18 nhà đầu tư trong và ngoài nước vừa được tỉnh Bắc Ninh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 1,8 tỷ USD, trong đó đầu tư nước ngoài (FDI) là 1,67 tỷ USD.