'Nồng độ bụi cục bộ ở TP HCM và Hà Nội có giá trị hơi vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia'

Theo Bộ TN&MT, nồng độ bụi cục bộ tại một số khu vực trong một số đô thị, đặc biệt tại đô thị lớn như TP Hà Nội và TP HCM có giá trị hơi vượt QCVN nhưng mức độ ô nhiễm đang có xu hướng giảm dần.
Nồng độ bụi cục bộ ở TP HCM và Hà Nội có giá trị hơi vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - Ảnh 1.

(Ảnh tư liệu: Di Linh).

Theo thông tin từ Bộ TN&MT, kết quả quan trắc môi trường không khí tại một số thành phố lớn trong những năm gần đây cho thấy chất lượng không khí đã được cải thiện rõ rệt.

Cụ thể, các thông số môi trường trong không khí (như NOx, SOx, CO...) có giá trị khá thấp, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng không khí xung quanh (theo QCVN 05:2013/BTNMT) và không có nhiều biến động so với những năm trước.

"Tuy nhiên, nồng độ bụi cục bộ tại một số khu vực trong một số đô thị, đặc biệt tại các khu vực đô thị lớn như TP Hà Nội và TP HCM có giá trị hơi vượt QCVN nhưng mức độ ô nhiễm đang có xu hướng giảm dần, thể hiện ở nồng độ bụi mịn PM2.5 và nồng độ tổng bụi lơ lửng (TSP) trung bình năm trong giai đoạn từ năm 2016 - 2018 có sự dao động nhẹ, giảm hơn so với giai đoạn trước (2013-2015)", Bộ TN&MT cho biết.

Theo Bộ này, nguyên nhân là do hoạt động xây dựng diễn ra phổ biến trong các khu vực nội đô và lượng phương tiện cơ giới tham gia giao thông gia tăng, nhất là vào các khung giờ cao điểm.

Cũng theo Bộ TN&MT, tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương miền Bắc, ô nhiễm bụi vào thời gian mùa đông và đầu xuân tăng cao hơn những mùa khác trong năm.

"Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật, ô nhiễm bụi mịn tăng cao vào thời gian tháng 12, tháng 1 - 2 và có thể kéo dài sang tháng 3 năm sau.

Đánh giá theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong thời gian vừa qua cho thấy, phần lớn thời gian, chất lượng không khí tại các khu vực có trạm đo ở mức tốt và trung bình. Một số trạm đo có chất lượng không khí kém hơn.

Đây là những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, cộng với các công trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị đang diễn ra làm phát sinh một lượng bụi lớn vào môi trường", Bộ TN&MT cho hay.

Đối với môi trường nước, theo Bộ TN&MT, qua kết quả quan trắc và tính toán chỉ số chất lượng nước (WQI) cho thấy, chất lượng nước tại các khu vực thượng nguồn các lưu vực sông của Việt Nam vẫn được duy trì khá tốt, ô nhiễm vẫn chỉ xảy ra tập trung ở khu vực trung lưu và hạ lưu của các sông.

Tại đầu nguồn sông Hồng, chất lượng nước sông đã bị ô nhiễm các chất hữu cơ (COD, BOD5) và có xu hướng gia tăng so với năm 2017; tại thượng nguồn sông Hậu, nước sông cũng đã có hiện tượng ô nhiễm các chất hữu cơ.

Theo Bộ TN&MT, tại một số khu vực vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm kéo dài, điển hình như lưu vực sông Cầu (đoạn hợp lưu của sông Ngũ Huyện Khê giữa hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang); lưu vực sông Nhuệ - Đáy, nhất là khu vực giáp ranh giữa TP Hà Nội với tỉnh Hà Nam và các đoạn sông chảy qua nội thành TP Hà Nội; các kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, Tân Hóa – Lò Gốm thuộc TP HCM...

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.