Nước cờ khôn ngoan của Bắc Kinh giữa lúc ông Trump ra sức lấy lòng cử tri

Bắc Kinh nhận ra rằng nếu để căng thẳng Mỹ-Trung thổi bùng trước thềm bầu cử Mỹ thì chẳng khác nào đi giúp ông Trump kiếm phiếu bầu và tâm lí chống Trung Quốc của người dân Mỹ dâng cao.
Lựa chọn khôn ngoan của Bắc Kinh giữa lúc ông Trump tìm cách kiếm phiếu bầu - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Getty)

Trung Quốc đột ngột thay đổi giọng điệu

Sau khi mặc kệ dư luận thế giới để áp dụng luật an ninh quốc gia tại Hong Kong, Bắc Kinh đột nhiên bắt đầu cố gắng chăm chút cho hình ảnh quốc tế của mình. Gần đây, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị đã có những bài phát biểu mang tính hòa giải. 

Theo South China Morning Post (SCMP), dường như các nhà ngoại giao Trung Quốc đang muốn ngăn chặn mối quan hệ với Mỹ và các quốc gia khác trở nên xấu đi.

Nguyên nhân dẫn tới sự chuyển biến này có lẽ là rất phức tạp, nhưng một yếu tố quan trọng trong số đó hẳn là để kiềm chế căng thẳng với Washington. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới mang tới cả tin tốt lẫn tin xấu cho Trung Quốc. Bắc Kinh đang cố gắng né tránh tin xấu mà sự kiện này mang lại.

Tin tốt là Trung Quốc không phải là mối quan tâm lớn đối với dân Mỹ. Bất chấp các bài phát biểu chống Trung Quốc của các quan chức cấp cao, hàng loạt lệnh hành pháp và các chỉ trích của ông Trump, công chúng Mỹ vẫn chỉ tập trung vào ba vấn đề lớn: bất ổn xã hội, Covid-19, tình hình kinh tế và việc làm.

Kể từ tháng 4, ông Trump đã cố gắng đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch Covid-19 tại Mỹ. Dù ông Trump cố gán SARS-CoV-2 những cái tên như "virus Trung Quốc" hay "kung flu", công chúng Mỹ vẫn tập trung nhiều hơn vào cách ông xử lí đại dịch thay vì đòi hỏi Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm.

Nói ngắn gọn, ông Trump nỗ lực đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch đã thất bại.

Tiếp đến là tin xấu. Từ trước tới nay, Trung Quốc đã né tránh được việc trở thành chủ đề chính trong cuộc bầu cử Mỹ, một phần vì cử tri nước này thường chỉ tập trung vào tình hình nội địa trong các kì bầu cử. Trong khi đó, bộ ba khủng hoảng bủa vây nước Mỹ hiện nay sẽ khó có thể được tháo gỡ. 

Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc trở thành vấn đề trọng tâm trong cuộc bầu cử vẫn có thể trở thành hiện thực. Theo báo cáo cuối tháng 7 của Pew Research Centre, 73% người Mỹ trưởng thành cho biết họ có cái nhìn không thiện cảm về Trung Quốc, tăng 26% kể từ năm 2018.

Đại dịch và tác động của nó, kết hợp với xung đột thương mại và tin tức từ Hong Kong và khu tự trị Tân Cương đã làm xói mòn thiện cảm của người Mỹ về Trung Quốc.

Nguy cơ 'giọt nước làm tràn li'

Theo SCMP, dù thích hay không thích ông Trump, các cử tri Mỹ cũng phải công nhận rằng ít nhất ông đã cố gắng thiết lập lại mối quan hệ với Trung Quốc - một việc lẽ ra phải được làm từ lâu. Quan niệm phổ biến của các cử tri là quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc phải thay đổi.

Trong bối cảnh này, Bắc Kinh cần phải khôn ngoan và loại bỏ chính sách ngoại giao "chiến lang", sử dụng giọng điệu nhẹ nhàng hơn trong những tuyên bố công khai của mình.

Lí do? Chỉ cần thêm một chút nữa thôi, tâm lí chống Trung Quốc tại Mỹ sẽ tích tụ lại thành một vấn đề lớn, đủ để ông Trump xoay chuyển sự chú ý của công chúng, khiến người Mỹ tập trung về trách nhiệm của Trung Quốc đối với các hậu quả Mỹ phải hứng chịu vì Covid-19.

Nếu ông Trump thành công trong việc tháo gỡ một hoặc hai rắc rối lớn đang gây hại tới khả năng tái đắc cử và chuyển hướng sự tập trung vào Trung Quốc, căng thẳng Mỹ-Trung sẽ tiếp tục leo thang. Khi đó, đến cả ông Biden và Đảng Dân chủ cũng sẽ chĩa mũi dùi vào Bắc Kinh. Cuộc đua vào Nhà Trắng khi đó chủ yếu sẽ xoay quanh việc ai là người cứng rắn với Bắc Kinh hơn.

Khoảng thời gian gần 11 tuần từ nay tới ngày bầu cử 3/11 sẽ là giai đoạn cực kì xấu nếu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đột ngột lên cao xoay quanh các vấn đề về Đài Loan, Ấn Độ hay Biển Đông. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nên tránh bị Mỹ coi là quá hà khắc với Hong Kong và Tân Cương.

Trên thực tế, giọng điệu của các nhà ngoại giao Trung Quốc đã bớt nảy lửa hơn trước. Bắc Kinh gần như chỉ phản kháng lấy lệ khi Mỹ gửi Bộ trưởng Y tế tới Đài Loan.

Trung Quốc đã rút quân khỏi vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ. Ngư dân Trung Quốc cũng được lệnh tránh xa vùng biển của quần đảo Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản.

Bắc Kinh vẫn chưa thể hoàn toàn yên tâm. Ông Trump và Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pomeo đã ám chỉ rằng Mỹ sẽ tiếp tục hành động để thay đổi quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các "diều hâu" trong chính quyền ông Trump còn chưa đến ba tháng nữa để thực hiện nỗ lực chống Trung Quốc. Phản ứng cứng rắn với Trung Quốc tạo ra tình huống "lợi đơn lợi kép" cho các quan chức này. 

Họ được lợi nếu ông Trump giành được một lợi thế bầu cử so với ông Biden. Hoặc, nếu ông Trump thất cử, họ vẫn sẽ được lợi khi để lại cho ông Biden một mớ rắc rối phải giải quyết.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.