Trung Quốc đối mặt nỗi lo khủng hoảng lương thực sau loạt ảnh hưởng từ thiên tai

Người dân Trung Quốc không thể ngừng lo lắng về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lương thực trong năm nay, đặc biệt khi dữ liệu chính thức không đồng bộ với thông tin thực tế tại các địa phương.

Tâm sự của người nông dân

Đứng giữa ruộng đậu phộng sũng nước, anh Wang Wei nhổ một đám lá xanh từ dưới bùn lên và cau mày khi nhìn vào những hạt đậu lép, kém phát triển ở gốc cây.

Anh Wang, người nông dân đến từ làng Baoshang (tỉnh Hà Nam, miền nam Trung Quốc), phàn nàn rằng đậu quá nhỏ để đảm bảo một vụ mùa bội thu.

Hết hạn hán đến lũ lụt, Trung Quốc đối mặt nỗi lo khủng hoảng lương thực - Ảnh 1.

Anh Wang Wei nhổ một bụi đậu phộng lép hạt, kém phát triển từ dưới bùn lên. (Ảnh South China Morning Post)

Vừa trải qua vụ thu hoạch lúa mì kém năng suất sau đợt hạn hán tháng 5 và đầu tháng 6, nay người nông dân làng Baoshang này lại phải đối mặt với mưa lớn, có nguy cơ đón thêm một vụ mùa bết bát.

"Tôi không nhớ có năm nào hạn hán nghiêm trọng như năm nay. Sản lượng lúa mì của nhà tôi giảm gần một nửa so với năm ngoái", anh Wang chia sẻ với South China Morning Post.

Anh còn nói thêm rằng, sản lượng đậu phộng của gia đình có thể giảm 1/3 và thu hoạch ngô nhiều khả năng giảm khoảng 10%.

"Nửa đầu năm khô hạn, nửa cuối năm ngập lụt", anh Wang cho hay.

Tuần trước, Bộ Quản lí Khẩn cấp Trung Quốc cho biết mưa lũ trong mùa hè năm nay đã gây thiệt hại kinh tế là 25,7 tỉ USD và khiến ít nhất 200 người chết hoặc mất tích.

Khó khăn của anh Wang là một trong nhiều mẩu chuyện làm tăng nỗi lo về nguồn cung ngũ cốc của Trung Quốc trong năm nay.

Dữ liệu chính thức và thông điệp của Bắc Kinh lệch pha

"An ninh lương thực" đã trở thành một từ thông dụng trên truyền thông Trung Quốc, dù dữ liệu chính thức không cho thấy nguy cơ thiếu hụt lương thực ngay lập tức.

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, sản lượng thu hoạch trong vụ hè năm nay đạt "mức cao kỉ lục", tăng 0,9% so với cùng kì năm ngoái, đáng chú ý sản lượng lúa mì tăng 0,6%. Kể từ năm 2004 đến 2019, Trung Quốc đã 16 năm liên tiếp ghi nhận "vụ mùa bội thu", sản lượng ngũ cốc năm ngoái còn cao hơn 54% so với năm 2004.

Tháng 4 năm nay, các quan chức Trung Quốc cũng khẳng định kho dự trữ quốc gia có đủ lúa mì và gạo để "nuôi sống người dân trong một năm".

Bất chấp các số liệu và tuyên bố ấy, Bắc Kinh vẫn tăng cường nhắc nhở người dân về tầm quan trọng của việc sản xuất đủ lương thực chiến lược dùng trong nước, bao gồm gạo, lúa mì và ngô.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập đến vấn đề an ninh lương thực trong chuyến thăm tỉnh Cát Lâm vào tháng 7. Tuần trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra một chỉ thị bất thường, khuyến cáo người dân không nên lãng phí thực phẩm.

Hết hạn hán đến lũ lụt, Trung Quốc đối mặt nỗi lo khủng hoảng lương thực - Ảnh 2.

Một nhà hàng kiểm tra cân nặng của khách hàng trước khi đặt món. (Ảnh: South China Morning Post)

Thông điệp về tiết kiệm thực phẩm ngay lập tức trở thành một chiến dịch quốc gia. Nhà hàng hứa phục vụ khách hàng với khẩu phần nhỏ hơn, các trang web cấm phát chương trình ăn uống và các nhà lập pháp ủng hộ ý tưởng xây dựng một khung pháp lí để trừng phạt hành vi lãng phí thực phẩm.

Đối với một số người, thông điệp mới của chính phủ Trung Quốc gợi lại kí ức về các chỉ thị của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông năm 1959, khi nạn đói 1958 - 1961 xảy ra. Theo đó, người dân Trung Quốc được đề nghị nên ăn ít hơn trong thời gian rảnh để tiết kiệm thực phẩm.

Nông dân ngần ngại bán nông sản

Ở Hà Nam, nơi chiếm khoảng 10% sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc, nông dân chần chừ bán lúa mì vì vấn đề nguồn cung, quan diểm ngược với thông tin chính thức từ chính phủ Trung Quốc.

Theo SCMP, nhiều nông dân đang tích trữ ngũ cốc với hi vọng giá sẽ tiếp tục tăng vì nguồn cung thấp, một phần do đại dịch Covid-19.

Zhu, người quản lí của một trong hai "trạm thu mua lúa mì" tư nhân ở thị trấn Donghong (bao gồm làng Baoshang của anh Wang), cho biết lượng lúa mì mà ông mua trong năm nay đã giảm khoảng 44% do sản lượng thấp và nông dân không muốn bán.

"Năm ngoái, nông dân vội vã bán hết số lúa mì họ thu hoạch. Năm nay nhìn chung họ trữ lại nhiều hơn", ông Zhu chia sẻ.

Ông Zhu nói thêm, sản lượng lúa mì trong khu vực đã giảm khoảng 30 - 40% so với cùng kì năm trước và "chính phủ có thể đã làm giả số liệu chính thức để người dân an tâm".

Người này cho hay các thương nhân từ phương xa như Bắc Kinh ở phía bắc hay Thiểm Tây ở phía tây đã đến Hà Nam tìm mua ngũ cốc thời gian gần đây, cho thấy khó khăn về nguồn cung ngũ cốc trên toàn quốc.

Hết hạn hán đến lũ lụt, Trung Quốc đối mặt nỗi lo khủng hoảng lương thực - Ảnh 3.

Cánh đồng ngô hư hại nặng nề sau khi lũ quét qua. (Ảnh: South China Morning Post)

Theo SCMP, các số liệu thu mua chính thức cũng cho thấy sự gián đoạn về sản lượng. Theo Cục Dự trữ Thực phẩm và Chiến lược Quốc gia, tính từ đầu năm đến ngày 5/8, lượng lúa mì mà chính phủ Trung Quốc mua vào là 42,9 triệu tấn, giảm 9,4 triệu tấn so với cùng kì năm ngoái.

Trung Quốc bố trí khoảng 1.000 kho dự trữ ngũ cốc chiến lược trên khắp đất nước. Nhà kho do Sinograin - một công ty nhà nước, quản lí im ắng lạ thường vì chính quyền tỉnh Hà Nam đã giảm lượng ngũ cốc họ thu mua từ nông dân địa phương do giá tăng cao.

Việc Trung Quốc tăng nhập khẩu ngũ cốc như lúa mì và ngô cũng là bằng chứng cho thấy vấn đề nguồn cung trong nước, dù còn quá sớm để đưa ra phỏng đoán về khả năng thiếu hụt lương thực.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới đã nhập khẩu 74,51 triệu tấn ngũ cốc trong giai đoạn 7 tháng đầu năm nay, tăng 22,7% so với cùng kì năm trước.

Hệ quả của đô thị hóa và công nghiệp hóa

Một số khu vực lo ngại về an ninh lương thực, nhưng Trung Quốc đã đi một chặng đường dài từ những đói kém và thiếu lương thực.

Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp của Trung Quốc đang phải đối mặt với một số thách thức dài từ quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, khiến nguồn cung đất canh tác bị chiếm dụng và người dân nông thôn bỏ quê lên thành phố kiếm sống.

Tại nhiều khu vực trên khắp Trung Quốc, đất nông nghiệp đang dần rút lui, nhường chỗ cho các tòa nhà dân cư, dự án thủy điện, nhà máy công nghiệp.

Theo một báo cáo ra ngày 17/8 của Viện Phát triển Nông thôn thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, từ nay đến năm 2025, tỉ lệ dân sống ở khu vực thành thị so với dân số toàn Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ 60,6% vào cuối năm ngoái lên 65,5%. Theo đó, khoảng 80 triệu cư dân nông thôn sẽ dịch chuyển lên thành phố kiếm sống.

Trong cùng giai đoạn ấy, tỉ lệ dân cư từ 60 tuổi trở lên ở khu vực nông thôn dự kiến sẽ tăng lên 25,3%.

Viện Phát triển Nông thôn cảnh báo đến cuối năm 2025, Trung Quốc có thể thiếu khoảng 130 triệu tấn ngũ cốc. Theo Viện, nguồn cung nội địa của ba loại ngũ cốc chủ lực là lúa mì, gạo và ngô sẽ hụt so với nhu cầu khoảng 25 triệu tấn.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.