Nước tẩy rửa sinh học...từ rác!

Với rác bỏ đi như rau, củ, quả, vỏ trái cây,… các bạn sinh viên Khoa Môi trường, trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã tạo thành dung dịch có khả năng tẩy rửa sinh học cao, an toàn và thân thiện với môi trường.
nuoc tay rua sinh hoc tu rac
Nước tẩy rửa sinh học từ rác thải hữu cơ của 3 bạn sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Tận dụng từ rác thải

Nước tẩy rửa sinh học từ rác là công trình nghiên cứu của nhóm 3 sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành gồm: Lê Văn Vũ Linh (trưởng nhóm), Trương Bội Linh và Phạm Tiến Đạt, hiện đều là sinh viên năm 3, Khoa Môi trường.

Chia sẻ về ý tưởng, Vũ Linh – trưởng nhóm cho biết: “Bắt đầu từ một bài báo em đọc được về việc người ta ủ rác từ thực phẩm để bón cây. Tò mò làm thử, em nhận thấy dung dịch có khả năng tẩy rửa, có thể ứng dụng để rửa chén, chà sạch nhà vệ sinh… Thế là bắt tay vào thực hiện ý tưởng”.

nuoc tay rua sinh hoc tu rac
Thử nghiệm trước và sau khi sử dụng nước tẩy rửa sinh học của nhóm sinh viên.

Cũng theo Vũ Linh – một thành viên trong nhóm, từ ý tưởng ban đầu nhóm mất 2 tháng để nghiên cứu, thực hành và cho ra sản phẩm. Linh chia sẻ các bạn bắt tay vào thực hiện ý tưởng từ những việc nhỏ như chạy ra một chợ ở khu vực Q.12 xin rác thải từ rau, củ, quả do bà con tiểu thương bỏ đi do hư hỏng. “Việc xin rác hữu cơ cũng phải chọn lọc, nhóm chỉ lấy những rau, củ, quả, vỏ trái cây,… không lẫn dầu để thuận lợi cho quá trình phân giải”, Linh cho biết.

Sau khi có nguồn rác thải hữu cơ, cả nhóm đem về rửa sạch, cắt nhỏ và bắt đầu cân theo tỉ lệ để ủ. Thời gian ủ kéo dài khoảng 45 ngày. “Sau khi có được dung dịch, nhóm thử nghiệm chà sàn nhà vệ sinh và lavabol thì thấy hiệu quả thật khác biệt”, các thành viên trong nhóm cho biết. Tuy nhiên, cũng theo nhóm, khó khăn xuất hiện khi các bạn xử lý mùi của sản phẩm. Trong quá trình phân giải, sản phẩm có mùi khá khó chịu. Tuy nhiên, sau quá trình thì mùi giảm hẳn. Nhóm khắc phục bằng cách phân tách riêng thử nghiệm từng loại: vỏ trái cây riêng, rau quả trộn riêng,… và nhận thấy sau quá trình phân giải thì hết mùi.

Sản phẩm thân thiện cho tương lai!

Tự tin với sản phẩm của mình, nhóm tham gia nghiên cứu khoa học và được đại diện cho trường Đại học Nguyễn Tất Thành tham gia Liên hoan sáng tạo trẻ thành phố vừa qua. Tại đây, nhóm đã xuất sắc giành được huy chương bạc với công trình của mình.

nuoc tay rua sinh hoc tu rac
Vũ Linh và Tiến Đạt bên sản phẩm đạt huy chương bạc của mình.

Nói về khả năng ứng dụng, nhóm nhận được nhiều phản hồi tích cực. Sản phẩm không có hóa chất nên hoàn toàn yên tâm khi sử dụng. Từ những nguồn rác thải của gia đình để tạo ra sản phẩm sinh học nên chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều những dung dịch tẩy rửa khác. Mặt khác, việc tận dụng lại rác thải cũng tham gia bảo vệ môi trường, tránh ô nhiễm. Chính những điều này khiến nhiều người thích thú về khả năng áp dụng thực tế của sản phẩm.

Nhóm cũng cho biết, với công trình này các bạn có rất nhiều ấp ủ: “Trong quá trình phân giải, khí sinh ra là CH4 (mê tan) sẽ có thể thu lại tận dụng làm khí đốt. Phần dung dịch sử dụng vào việc tẩy rửa sinh học. Riêng phần bã vẫn có thể tận dụng làm phân bón bón cây”. Nhóm cũng cho biết do thời gian ủ để tạo ra sản phẩm hơi lâu, nhóm vẫn đang tiếp tục nghiên cứu giảm thời gian ủ, tiếp tục phân tích định tính và định lượng sản phẩm.

“Mục tiêu trước mắt của nhóm là hướng về cộng đồng, giúp mọi người tận dụng được các loại rác hữu cơ thực vật để tạo ra sản phẩm nước tẩy rửa an toàn và thân thiện với môi trường. Còn phát triển sản phẩm theo hướng công nghiệp cũng là một ấp ủ của nhóm. Tuy nhiên, vì bây giờ tụi em vẫn còn là sinh viên nên cũng gặp nhiều hạn chế về kinh tế cũng như kiến thức chuyên môn về kinh doanh. Vậy nên đây sẽ là một định hướng lâu dài”, nhóm chia sẻ.

Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra sản phẩm thân thiện với thiên nhiên, góp phần vào bảo vệ môi trường, hữu ích với tiêu chí “sống xanh” mà nhiều người đang hướng đến hiện nay.

chọn
Chung cư Hà Nội đã cắt sốt
Theo lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc, khi mọi người xếp hàng để mua BĐS thì có nghĩa thị trường đang FOMO. Dự báo 3-6 tháng tới, khi lãi suất điều chỉnh tăng để giải quyết vấn đề tỷ giá, nhu cầu mua trên thị trường sẽ giảm.