Ông Lê Nam Trà dốc sức mua AVG để nhận 2,5 triệu USD và... 'giữ ghế'

Ông Lê Nam Trà, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone, được xác định đã 'dốc sức' thực hiện thương vụ mua 95% cổ phần AVG với mong muốn giữ được chức vụ này và sẽ được 'lại quả' 2,5 triệu USD.
Ông Lê Nam Trà dốc sức mua AVG để nhận 2,5 triệu USD và... giữ ghế - Ảnh 1.

Nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone Lê Nam Trà. (Ảnh: THÂN HOÀNG)

Ngoài cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son "đạo diễn" thương vụ Mobifone mua AVG, kết luận điều tra cũng xác định hàng loạt lãnh đạo của Mobifone thời điểm đó biết AVG đang trong tình trạng bết bát, thua lỗ nhưng vẫn "dốc sức" thực hiện.

Trong số đó, hai bị can Lê Nam Trà và Cao Duy Hải đã nhận hối lộ từ 500.000 đến 2,5 triệu USD.

Biết AVG "bết bát" vẫn mua giá 8.900 tỉ

Theo kết luận điều tra, được Nguyễn Bắc Son gợi ý nghiên cứu xem xét để mua AVG, với mong muốn Mobifone phát triển trong lĩnh vực kinh doanh truyền hình nên, Lê Nam Trà chỉ đạo Nguyễn Bảo Long, phó tổng giám đốc, tìm hiểu, xin ý kiến lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông biên bản ghi nhớ mua cổ phần AVG.

Quá trình lập dự án, ông Trà biết tình hình tài chính AVG xấu, kinh doanh thua lỗ, nợ vay lớn, việc mua cổ phần AVG ảnh hưởng lợi nhuận kết quả kinh doanh của Mobifone nhưng để thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, Trà vẫn yêu cầu Ban Tổng giám đốc lập dự án.

Đồng thời ông Trà các báo cáo trình Bộ Thông tin - Truyền thông xem xét, phê duyệt đầu tư dự án; chủ trì các cuộc họp Hội đồng thành viên, tiến hành đàm phán với AVG, thống nhất giá mua với AVG tại cuộc họp ngày 2/10/2015.

Lê Nam Trà thừa nhận việc thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với cổ đông AVG khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng là trái pháp luật với Luật số 67, Luật số 69 nhưng vẫn chỉ đạo triển khai thực hiện hợp đồng và thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần.

Bị can Trà khai: vì việc thực hiện dự án sẽ giúp Lê Nam Trà nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông, giúp Mobifone phát triển mảng truyền hình và có thể được "lại quả".

"Bị can Trà thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son với mong muốn giữ được chức vụ chủ tịch HĐTV Mobifone và sẽ được "lại quả" sau khi thực hiện xong dự án. Hành vi của Lê Nam Trà đã giúp sức cho Nguyễn Bắc Son đạt được ý chí, mục đích, gây thiệt hại gần 6.500 tỉ", kết luận điều tra nêu.

Sau khi dự án hoàn thành, bị can Trà đã nhận từ Phạm Nhật Vũ 2,5 triệu USD, tương đương gần 56,6 tỉ.

Bị can Trà tỏ ra "sòng phẳng" khi có đơn đề nghị xin khắc phục toàn bộ 2,5 triệu USD hưởng lợi bất chính. Ông Trà còn khai dịp Tết âm lịch 2016 đã biếu ông Nguyễn Bắc Son số tiền 700.000 USD, trong đó có 500.000 USD nhận từ ông Vũ. Tuy nhiên, ông Trà xác định đây là việc dân sự cá nhân giữa ông với ông Son nên không yêu cầu đề nghị xem xét trong vụ án.

Hành vi của Lê Nam Trà phạm vào tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Nhận hối lộ".

Dàn lãnh đạo Mobifone giúp ông Son đạt mục đích

Bị can Cao Duy Hải, được bổ nhiệm thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Mobifone từ ngày 20/4/2015, tại thời điểm đó, Mobifone đã triển khai lập dự án mua cổ phần AVG.

Trong quá trình xây dựng dự án, Hải thấy tình hình tài chính AVG rất khó khăn, kinh doanh thua lỗ kéo dài, vay nợ lớn, nếu Mobifone thực hiện dự án sẽ không khả thi.

Ông Hải đã báo cáo với Lê Nam Trà và bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, tuy nhiên ông Son và ông Trà đều chỉ đạo phải thực hiện dự án mua AVG.

Để thực hiện dự án Cao Duy Hải đã thành lập các tổ giúp việc, tổ đánh giá kỹ thuật, kinh doanh, phân công nhiệm vụ ban Tổng giám đốc để thực hiện dự án… Đồng thời ông Hải báo cáo Hội đồng thành viên để trình Bộ Thông tin - Truyền thông xem xét, phê duyệt dự án.

Ông Lê Nam Trà dốc sức mua AVG để nhận 2,5 triệu USD và... giữ ghế - Ảnh 2.

Ông Cao Duy Hải và bà Phạm Thị Phương Anh. (Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp)

Cũng giống như ông Trà, bị can Hải nhận thức rõ việc thực hiện dự án phải tuân theo quy định của Luật số 69 và Luật số 67; không được đầu tư ngoài ngành; biết việc Mobifone mua cổ phần AVG khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng là trái luật gây thiệt hại tài nhà nước.

Mặc dù được phân công nhưng ông Hải không hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG. Sau khi Bộ Thông tin - Truyền thông phê duyệt đầu tư dự án, Mobifone hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, Hải cùng các thành viên Hội đồng thành viên đã phê duyệt đồng ý triển khai dự án, thanh toán tiền cho các cổ đông AVG.

Kết luận điều tra xác định ông Hải đã chỉ đạo cấp dưới tổ chức thực hiện, giúp cho Nguyễn Bắc Son đạt được mục đích, gây thiệt hại gần 6.500 tỉ đồng (theo phương pháp tài sản).

Ông Cao Duy Hải là người có chức vụ, quyền hạn thực hiện dự án, sau khi dự án hoàn thành đã nhận từ Phạm Nhật Vũ 500.000 USD tương đương hơn 11,1 tỉ.

Hành vi của ông Hải phạm vào tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Nhận hối lộ".

Bị can Phạm Thị Phương Anh (nguyên Phó Tổng giám đốc Mobifone) khai được giao nhiệm vụ là tổ trưởng tổ giúp việc, đã chỉ đạo các thành viên trong tổ đánh giá tình hình tài chính của AVG, làm việc với các công ty tư vấn, thẩm định giá để xác định giá trị của AVG.

Khi tham gia xây dựng dự án, Phương Anh biết rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém hiệu quả kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua cổ phần của AVG chênh lệch lớn so với giá trị thể hiện trên sổ sách kế toán.

Được tổng giám đốc giao nhiệm vụ , thực hiện và nghiệm thu hợp đồng thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG với AMAX, Phương Anh biết việc Mobifone bàn giao cho AMAX bản phụ lục số 2 của VCSB cung cấp riêng cho Mobifone là không được phép của VCSB.

Khi nghiệm thu kết quả xác định giá trị doanh nghiệp AVG của AMAX là 16.565 tỉ đồng trong đó, Phương Anh biết AMAX xác định tài sản vô hình không được hạch toán vào sổ sách kế toán của AVG với giá 13.448 tỉ đồng bao gồm cả giấy phép 4 kênh tần số.

Phương Anh đã đề nghị Tổng giám đốc xem xét, sử dụng kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của AVG của AMAX làm mức giá đàm phán khi mua cổ phần AVG.

Ngoài ra, Phương Anh còn chỉ đạo ban tài chính thu xếp nguồn vốn thực hiện dự án theo phân công của Hội đồng thành viên, tiến hành đàm phán các điều khoản nêu trong hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG, các lệnh, uỷ nhiệm chi chuyển tiền cho các cổ đông AVG sau khi Bộ Thông tin - Truyền thông phê duyệt đầu tư dự án.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.