Ý kiến được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đưa ra tại phiên họp thứ ba của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98, sáng 15/12. Theo ông Mãi, quy hoạch đường sắt đô thị TP HCM tổng chiều dài 220 km đã có 20 năm.
Tuy nhiên, suốt 15-16 năm qua, thành phố loay hoay làm tuyến metro số 1 dài 19,7 km và đến nay dự án chuẩn bị hoàn thành. Do đó, nếu triển khai theo cách làm cũ thì với 200 km còn lại cần khoảng 50-70 năm nữa, thậm chí 100 năm. "Như vậy là quá chậm, không thể chấp nhận được", ông Mãi nói.
Chủ tịch UBND thành phố cho rằng kết luận 49 của Bộ Chính trị giao TP HCM đến năm 2035 phải cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị. Đây chính là cơ sở để thành phố thành phố đề xuất cơ chế, xây dựng đề án để triển khai.
Cụ thể, thành phố đang nghiên cứu hướng thực hiện 200 km metro còn lại trong cùng một đề án với một cơ chế chính sách. Đầu năm sau, thành phố sẽ trình đề án lên Bộ Chính trị, sau đó các cơ quan sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội.
"TP HCM sẽ phối hợp Hà Nội để hoàn thiện cơ chế về phát triển đường sắt đô thị theo hướng huy động nguồn vốn, tín dụng đủ lớn, có thể vượt trần nợ địa phương để triển khai đầu tư", ông Mãi nói.
Cũng theo ông Mãi, tương lai các đô thị trong nước cũng sẽ phát triển đường sắt đô thị. Do đó, tại TP HCM, việc phát triển hệ thống metro cần gắn với phát triển ngành đường sắt đô thị để tránh việc thành phố chỉ làm dự án đầu tư còn lại công nghệ, thiết bị, duy tu phải đi thuê mua.
Đồng tình, ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và phát triển, thành viên Hội đồng tư vấn, cũng cho rằng nhiệm vụ hoàn thành 200 km metro là bất khả thi nếu triển khai với quy định pháp luật hiện hành. Do đó, cần tiếp cận tư duy mới, cách đi mới thực sự đột phá trên cơ sở những bài học kinh nghiệm trong nước và thế giới.
Theo đó, Hội đồng tư vấn đưa ra 6 nhóm đề xuất. Cụ thể là cho phép TP HCM được duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố, quy hoạch chung để có thể hoàn thành các mục tiêu về phát triển và chỉnh trang đô thị tại các nghị quyết của Trung ương và Thành ủy, bao gồm việc điều chỉnh hướng tuyến hệ thống đường sắt đô thị kết hợp TOD (mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).
Thành phố được lập và duyệt quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị, kèm theo khu vực nhà ga TOD (quy hoạch 1/500) làm cơ sở để đấu giá quyền phát triển dự án TOD nhằm tạo nguồn thu đầu tư hệ thống metro; được trao quyền ban hành cơ chế đền bù, thu hồi đất bao gồm giá đền bù, tái định cư... theo quy hoạch chi tiết của dự án để kết hợp phát triển và chỉnh trang đô thị theo mô hình TOD.
TP HCM được giữ lại nguồn thu từ đấu giá quyền phát triển dự án khu đô thị TOD phụ cận hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch 1/500 và các nguồn thu từ đất khác của thành phố để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị kết hợp TOD, không đưa vào ngân sách.
Ngoài các nguồn thu từ TOD và từ đất khác, TP HCM được gia tăng nguồn thu từ phát hành trái phiếu quốc tế, trái phiếu Chính phủ, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và nguồn vay từ nước ngoài, vốn từ các quỹ phát triển xanh quốc tế ứng phó biến đổi khí hậu không phụ thuộc vào hạn mức trần để thực hiện các dự án đường sắt đô thị.
Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư một dự án hệ thống đường sắt đô thị tổng chiều dài khoảng 200 km kết hợp phát triển, chỉnh trang đô thị tại các khu vực TOD theo quy hoạch.
"Từ các cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho TP HCM hoàn thành sớm mục tiêu 200 km metro, tiết kiệm khoảng hơn 10 tỷ USD so với cách làm hiện nay", ông Đông nói.
Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói metro không còn là vấn đề riêng của TP HCM, do đó cần thiết phải phát triển ngành công nghiệp metro để phục vụ cho các đô thị ở Việt Nam muốn phát triển mô hình này.
"Chục năm trước tôi rất lo vì chúng ta có 10 tuyến metro thì có 10 công nghệ khác nhau", ông Sơn nói, cho rằng kinh nghiệm các nước đều có một công nghệ chuẩn dù làm nhiều tuyến.
TP HCM đi đầu cả nước trong phát triển metro nên cần đề xuất Trung ương chọn công nghệ chuẩn cho thành phố. Theo ông Sơn, trước mắt thành phố cần tập trung hoàn thành tuyến Metro số 1. Ngay cả khi tuyến metro đầu tiên vận hành, phần việc còn lại vẫn rất lớn, bao gồm phát triển hệ thống bus, bãi xe, dịch vụ thương mại, kế hoạch thu hút người dân tới sinh sống, làm việc.
"Có thể mất thêm 3-4 năm để hoàn thành tuyến metro số 1 nhưng đó sẽ là bộ khung hoàn chỉnh, ổn định để các tuyến còn lại phát triển theo", ông Sơn nói.