Ông Trần Kinh Doanh: Thế Giới Di Động sẽ đổi tên công ty khi phù hợp

"Nếu một ngày doanh thu từ thịt, cá và rau củ chiếm 60-70%, tên công ty sẽ không phù hợp nữa", CEO Thế Giới Di Động Trần Kinh Doanh chia sẻ với nhà đầu tư.

Tại cuộc gặp gỡ của ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động với nhà đầu tư về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 chiều 9/8, ngoài những vấn đề liên quan đến các chỉ số tài chính, chiến lược của công ty, một nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu tên gọi Thế Giới Di Động của công ty liệu có còn phù hợp.

"Khi nói tới Thế Giới Di Động, tôi cảm thấy công ty gắn tên với một ngành đang yếu đi. Ban lãnh đạo có suy nghĩ đổi tên để đúng với hoạt động kinh doanh đang làm hay không?", nhà đầu tư này băn khoăn.

Sẽ đổi tên Thế Giới Di Động nhưng không quá quan trọng

Trả lời thắc mắc của nhà đầu tư, ông Trần Kinh Doanh - CEO Thế Giới Di Động - cho biết doanh nghiệp chắc chắn sẽ đổi tên ở thời điểm thích hợp và Chủ tịch HĐQT công ty Nguyễn Đức Tài cũng từng đề cập vấn đề này.

"Hiện 80-90% doanh thu của Thế Giới Di Động vẫn đến từ sản phẩm điện tử tiêu dùng nên cứ giữ tên đó. Nhưng một ngày nếu doanh thu từ thịt, cá, rau củ chiếm 60-70%, nó sẽ không phù hợp nữa. Nhưng việc này cũng không quá quan trọng. Người mua cổ phiếu quan tâm công ty lợi nhuận bao nhiêu chứ không phải tên gì", ông Doanh nhấn mạnh.

Ông Trần Kinh Doanh: Thế Giới Di Động sẽ đổi tên công ty khi phù hợp - Ảnh 1.

Thế Giới Di Động sẽ đổi tên vào thời điểm phù hợp khi doanh thu từ Bách Hóa Xanh chiếm tỷ trọng áp đảo. (Ảnh: MWG).

Bên cạnh đó, chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ chỉ kinh doanh smartphone giá dưới 8 triệu đồng vừa ra mắt cũng được các nhà đầu tư quan tâm khi thảo luận về ngành hàng điện thoại đang có dấu hiệu bão hòa.

Một nhà đầu tư đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc mở riêng một chuỗi mới so với phương án tích hợp mô hình hai giá trong một cửa hàng bằng cách thiết lập gian hàng bán các sản phẩm giá rẻ ngay bên trong những cửa hàng Thế Giới Di Động hiện hữu, để tiết kiệm chi phí mặt bằng, nhân viên.

Theo ông Doanh, Thế Giới Di Động không chọn cách làm tích hợp hai giá trong một cửa hàng như gợi ý của nhà đầu tư nên chưa thể so sánh chắc chắn liệu mô hình nào hiệu quả hơn. Nhưng ông ví von một quán ăn bán nhiều món sẽ không có chất lượng món ăn tốt bằng quán ăn chỉ chuyên một món duy nhất.

Ông giải thích những người đến với cửa hàng Thế Giới Di Động, chấp nhận giá bán cao hơn một vài cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài để hưởng trọn vẹn các dịch vụ mua hàng, một phân khúc khác biệt so với những khách hàng chỉ quan tâm đến giá cả. Do đó, công ty quyết định xây dựng một chuỗi riêng để phục vụ nhóm thứ hai.

Một vấn đề khác liên quan đến hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh được nhắc đến là tương lai của các sản phẩm đồng hồ, mắt kính và liệu sẽ còn những mặt hàng gì được công ty đưa vào kinh doanh thêm.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, cho biết công ty dự kiến kinh doanh sản phẩm đồng hồ tại 100 cửa hàng trong tháng 9/2019, 200 cửa hàng trước 31/12 năm nay và 500 cửa hàng trước mốc 30/6/2020.

Ông Trần Kinh Doanh: Thế Giới Di Động sẽ đổi tên công ty khi phù hợp - Ảnh 2.

Thế Giới Di Động chưa vội kinh doanh thêm ngành hàng mới, sẽ tập trung cho đồng hồ, mắt kính trước tiên. (Ảnh: MWG).

"Tại sao lại là con số 500? Vì số lượng cửa hàng đồng hồ chính ngạch trên thị trường cũng khoảng đó. Còn trong tương lai có thêm sản phẩm gì ngoài đồng hồ, mắt kính, chúng tôi chưa biết. Nhưng nếu mặt hàng nào có hiệu quả, chúng tôi sẽ nghiêm túc suy nghĩ", ông Hiểu Em nói.

Nói thêm về cơ hội kinh doanh các ngành hàng mới, ông Doanh cho rằng công ty sẽ chưa làm gì mới trong năm nay và năm sau để tập trung hết sức cho đồng hồ và sau đó là mắt kính.

Nhưng nếu nhìn xa, đồ nhà bếp chuyên nghiệp, trang thiết bị âm thanh cao cấp, sản phẩm nhà thông minh (smart home) là những nhóm ngành hàng có nhiều tiềm năng nhưng các chuỗi khác vẫn chưa nhảy vào.

Chưa tiết lộ con số tài chính cụ thể của Bách Hóa Xanh

Cũng tại buổi gặp gỡ, nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến các chỉ số tài chính của Bách Hóa Xanh nhân dịp chuỗi này vừa cán mốc doanh thu 1.000 tỉ đồng/tháng.

Một nhà đầu tư đề xuất ban lãnh đạo Thế Giới Di Động tiết lộ mức lỗ của Bách Hóa Xanh trong hai quý đầu tiên và dự kiến cả năm 2019. Tuy nhiên, đại diện công ty cho biết chưa thể tiết lộ con số này nhưng chia sẻ thời điểm hòa vốn của chuỗi có thể đến sớm hơn so với mốc dự kiến ban đầu là cuối năm nay.

Một vấn đề khác được đặt ra là số cửa hàng Bách Hóa Xanh mở mới quá nhanh khiến biên lợi nhuận bị ảnh hưởng vì phát sinh chi phí thiết lập cửa hàng mới nhưng chưa có doanh thu.

Giải đáp thắc mắc này, ông Doanh khẳng định câu chuyện quan tâm khi mở một cửa hàng mới không phải lợi nhuận mà liệu mặt bằng có phù hợp tiêu chí hay nhân sự tuyển mới tăng cao có đáp ứng được hay không.

Ông cho biết Bách Hóa Xanh hiện có năng lực mở mới 50-60 cửa hàng mỗi tháng và sẽ đạt mốc 900-1.000 cửa hàng vào cuối năm. Năm 2020, doanh nghiệp sẽ nỗ lực tăng số lượng cửa hàng mới hoạt động theo tháng từ 70 đến 80.

"Tất nhiên phải có sự hài hòa về biên lợi nhuận và mở rộng chuỗi. Nhưng mục tiêu quan trọng của Bách Hóa Xanh trong thời gian tới là mở rộng mạng lưới và giành thị phần. Công ty luôn cố gắng giữ mục tiêu đề ra", đại diện Thế Giới Di Động chia sẻ.

Ông Trần Kinh Doanh: Thế Giới Di Động sẽ đổi tên công ty khi phù hợp - Ảnh 3.

CEO Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động Trần Kinh Doanh kiêm nhiệm vị trí CEO chuỗi Bách Hóa Xanh. (Ảnh: MWG).

Về định hướng mở rộng, ông Doanh tiết lộ năm tới, mạng lưới của Bách Hóa Xanh sẽ phát triển rất sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, đồng thời đặt chân đến miền Trung. Chuỗi có thể sẽ có mặt ở miền Bắc sau năm 2021.

Giải đáp lý do tốc độ mở mới của Bách Hóa Xanh tại TP HCM đang chậm lại, CEO Thế Giới Di Động cho biết để thuê được mặt bằng tốt ở TP HCM cần phải có thời gian và chậm hơn so với các tỉnh, thành khác. Nếu thuê ào ạt, cửa hàng có thể không có vị trí tốt và chịu giá cao.

Trong khi đó, cùng một nguồn lực, việc mở rộng ở các tỉnh lân cận sẽ dễ hơn. Tuy nhiên, ông khẳng định để phục vụ đủ nhu cầu của người Sài Gòn, cần tới 1.500 cửa hàng Bách Hóa Xanh trong khi công ty mới chỉ có trên dưới 400 cửa hàng.

Về mục tiêu số cửa hàng Bách Hóa Xanh trên toàn quốc trong dài hạn 3-5 năm tới, ông Doanh chia sẻ rất khó nói chính xác những con số này.

"Với cảm nhận sau 2-3 năm của tôi, Bách Hóa Xanh khi có 6.000-8.000 cửa hàng có thể chiếm 10-15% thị phần. Nhưng biết đâu lúc phát triển đến 4.000-5.000 cửa hàng, con số hướng tới lại là 10.000-15.000. Khi chưa làm điện máy, chúng tôi nghĩ có 200 cửa hàng đã là rất lớn nhưng giờ Điện Máy Xanh đã có gần 1.000 cửa hàng rồi", CEO Thế Giới Di Động nói.