CTCP Beton 6 (Mã: BT6) vừa công bố tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản liên quan tới vấn đề thay đổi nhân sự và xoá một số khoản nợ phải thu khó đòi.
HĐQT trình cổ đông thông qua việc xoá 482 tỷ đồng tiền nợ phải thu khó đòi tính đến ngày 30/11/2020 từ 220 khách hàng cá nhân và tổ chức.
Trong đó có các khoản nợ lớn như gần 65 tỷ đồng từ Công ty TNHH MTV 3D Long Hậu, 55 tỷ đồng từ Công ty TNHH Đầu tư Hạ tầng và Xi măng HB, 33 tỷ đồng từ ông Trần Nguyên Vũ, 12 tỷ đồng từ CTCP Bê tông Ly tâm Dung Quất...
Trước đó, vào đầu tháng 10/2020, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh 1 TP HCM đã báo rao bán khoản nợ của Beton 6.
Tính đến ngày 31/7, tổng giá trị khoản nợ được bán là 257 tỉ đồng. Trong đó gồm hơn 188 tỉ đồng tiền nợ gốc, hơn 47 tỉ đồng tiền lãi trong hạn và hơn 21 tỉ đồng tiền lãi quá hạn. Toàn bộ khoản nợ được đấu giá với giá khởi điểm là 52 tỉ đồng.
Vào cuối năm 2019, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng đã thông báo chào mời các nhà đầu tư có nhu cầu tham gia xử lí các khoản nợ của Beton 6.
Beton 6 từng cho biết công ty phải đối diện với nhiều khó khăn như đơn hàng xây dựng giảm, áp lực đòi nợ khi nhiều bên đã nộp đơn lên toà án yêu cầu trả nợ, thiếu hụt nguồn vốn, mất khả năng thanh toán. Ban lãnh đạo công ty đã phải nộp đơn yêu cầu phá sản đến toà án và đã có quyết định mở thủ tục phá sản.
Bên cạnh việc xin cổ đông xoá nợ, Beton 6 cũng trình cổ đông thông qua miễn nhiệm loạt thành viên HĐQT gồm ông Phạm Văn Hiên, ông Nguyễn Ngọc Dũng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa kể từ ngày 5/2. Trong đó, ông Phạm Văn Hiên là Chủ tịch HĐQT của Beton 6.
Đồng thời, Beton 6 dự kiến bổ nhiệm ông Nguyễn Lê Phương, Tổng giám đốc làm thành viên HĐQT kể từ ngày 5/2.
Đáng lưu ý, ông Trịnh Thanh Huy, thành viên HĐQT sẽ giữ chức Chủ tịch HĐQT thay thế ông Phạm Văn Hiên từ ngày 5/2.
Hiện HĐQT của Beton 6 gồm 5 thành viên. Nếu được đại hội đồng cổ đông thông qua, kể từ ngày 5/2, HĐQT của Beton sẽ gồm Chủ tịch Trịnh Thanh Huy và hai thành viên HĐQT là ông Nguyễn Lê Phương và ông Nguyễn Quang Minh.
Với tình hình kinh doanh và tài chính khó khăn, việc thay máu lãnh đạo đang cho thấy tham vọng vực dậy Beton 6, từng biểu tượng của ngành sản xuất bê tông.
Nói thêm, ông Trịnh Thanh Huy không còn là cái tên xa lạ với nhà đầu tư và giới kinh doanh. Ông từng là Phó Chủ tịch CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) từ năm 1997 – 2002, cựu Tổng giám đốc của CTCP Bất động sản Bình Thiên An, Phó Chủ tịch kiêm thành viên Hội đồng sáng lập của CTCP Thương mại Đầu tư HB.
Hình ảnh ông Huy gắn liền với sự sụp đổ của không chỉ Beton 6 mà còn ở CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon).
Tuy nhiên tháng 10/2020, ông Huy đã có màn tái xuất ở Descon khi quay lại vị trí thành viên HĐQT. Ông Huy từng là thành viên HĐQT sau đó giữ chức Chủ tịch của Descon cho tới ngày 8/12/2016.
Không chỉ tái xuất trong giai đoạn Descon muốn hồi sinh mà Descon còn có kế hoạch đăng kí giao dịch trên UPCoM sớm nhất có thể và tiếp tục kế hoạch niêm yết lên HOSE.