Ông Trump chạy đua giải cứu kinh tế nước Mỹ trước cuộc bầu cử

Ông Trump đang phải đối mặt với hàng loạt các thách thức trong bối cảnh tỉ lệ ủng hộ của cử tri sụt giảm. Các cố vấn cho rằng nền kinh tế sẽ là vũ khí quan trọng nhất để ông Trump giành được phiếu bầu cho cuộc bầu sử sắp tới.
Ông Trump chạy đua để tháo ngòi quả bom kinh tế chực chờ phát nổ trước cuộc bầu cử - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: AP)

Cuộc đua nước rút

Hiện giờ chính là giai đoạn nước rút quyết định số phận của đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng 11.

Một loạt chuỗi quyết định quan trọng từ bây giờ cho đến đầu tháng 9 sẽ đặt nền móng cho triển vọng của nền kinh tế Mỹ trong tháng 10 – ngay trước khi các cử tri ra quyết định cuối cùng. Các quan chức Nhà Trắng đang phải vắt chân lên cổ để ngăn chặn hàng loạt vấn đề nghiêm trọng. 

Các thống đốc phải chế ngự các đợt bùng phát Covid-19 đang hoành hoành khắp từ miền nam đến miền tây để ngăn nền kinh tế chìm sâu hơn vào suy thoái. Câu hỏi liệu các bang và thành phố có thể mở cửa trường học đúng thời gian hay không sẽ ảnh hưởng đến khả năng trở lại làm việc của rất nhiều phụ huynh.

Các nghị sĩ đang thảo luận gói giải cứu kinh tế thứ 4 để củng cố một cuộc hồi phục yếu ớt. Trong khi đó, ông Trump đang mải theo dõi dấu hiệu từ thị trường chứng khoán – một trong những chỉ báo cho sự thành công mà ông thích sử dụng.

Đây là một hỗn hợp thách thức đầy nguy hiểm đối với một vị tổng thống đang đánh mất sự tín nhiệm của người dân. Cuộc thăm dò dư luận gần đây của Wall Street Journal/NBC News cho thấy tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Trump đã giảm xuống còn 42%. Ông Trump đang bị bỏ xa 11 điểm phần trăm bởi đối thủ Joe Biden.

"Nếu tổng thống muốn nền kinh tế đi lên vào đầu tháng 10 để tận dụng những lá phiếu bỏ sớm, thì việc đặt ra chính sách đúng đắn trong tháng 7 và tháng 8 là điều rất quan trọng", ông Michael Strain, Giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế tại Viện American Enterprise nói với tờ Politico

Các trợ lí và đồng minh của ông Trump muốn tận dụng mọi cơ hội có thể, và họ đánh giá 6 tuần tiếp theo sẽ quyết định thành bại cho nỗ lực này.

Chính quyền ông Trump đang gây sức ép để các bang mở cửa trường học, bất chấp rất nhiều trường lớn đang thông báo kế hoạch về một năm học trực tuyến.

Các cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump đang bắt đầu đàm phán với các nhà lập pháp để thúc đẩy cắt giảm thuế bảng lương và những biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng, mặc cho những dấu hiệu về rắc rối kinh tế tại các điểm nóng Covid-19.

Số tiền mà Quốc hội quyết định bơm thêm vào nền kinh tế trong gói cứu trợ tiếp theo sẽ có tác động cực kì lớn đến những người đang phải sống dựa vào trợ cấp thất nghiệp, cũng như các chính quyền bang đang vất vả cân đối ngân sách khi doanh thu thuế lao dốc.

Ưu tiên hàng đầu

Xoay sở làm sao cho trường học kịp mở cửa trong năm học mới vào tháng 9 có lẽ là mục tiêu cấp bách nhất hiện nay.

"Chúng ta không thể mở cửa nền kinh tế nhưng lại đóng trường lớp. Các nhà hoạch định chính sách không thể tách biệt chúng thành hai phương án và chỉ chọn một. Rất nhiều người lao động không thể đi làm và bỏ mặc con họ ở nhà.".

Trong những ngày gần đây, Nhà Trắng và nhóm vận động tranh cử của ông Trump đã nghiêng về ý tưởng mở cửa lại trường học, coi đây là một thông điệp quan trọng nhằm thu hút những bà mẹ ở ngoại ô và các vị phụ huynh đang căng thẳng. Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải rất nhiều phản đối từ các giáo viên và quan chức y tế.

Các quan chức chính phủ cấp cao đang tìm cách để khuyến khích các bang mở cửa, ví dụ như phát thêm tiền cho các quận, hoặc dành một phần của gói kích thích sắp tới để hỗ trợ các chi phí liên quan đến mở cửa trường lớp trong đại dịch.

Một số cố vấn cấp cao nghĩ rằng Nhà Trắng quan tâm tới vấn đề trường lớp quá trễ. Trong suốt ba tháng đầu năm, chính quyền ông Trump chỉ tập trung vào việc mở lại nhà hàng, quán bar và doanh nghiệp nhỏ, trong khi đó trường học đáng ra phải là ưu tiên hàng đầu.

Thư kí báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany phát biểu hôm 16/7: "Tổng thống đã nói rằng ông ấy muốn trường học mở cửa trở lại. Tổng thống muốn trường học mở cửa toàn thời gian, các lớp học kín chỗ, trẻ em được đến trường mỗi ngày. Khoa học không nên cản trở nỗ lực của tổng thống".

Trợ cấp hay không trợ cấp?

Trong khi các tranh cãi về trường học nhiều khả năng sẽ còn kéo dài, "chiếc phao cứu sinh" cho hàng triệu gia đình đang có nguy cơ bị rút lại chỉ trong vài ngày tới. Các khoản trợ cấp thất nghiệp vì Covid-19 sẽ hết hạn trong chưa tới 10 ngày sau.

Một số cố vấn kinh tế đã kêu gọi Nhà Trắng ngừng phát cho người thất nghiệp thêm 600 USD/tuần bên cạnh trợ cấp thông thường, với lí do trợ cấp triệt tiêu động lực làm việc và cản trở sự hồi phục kinh tế.

"Các vị không thể tiếp tục trả tiền để người dân không đi làm", ông Stephen Moore của Heritage Foundation cố gắng thuyết phục các quan chức Nhà Trắng.

"Khả năng tái đắc cử của tổng thống phụ thuộc vào việc thúc đẩy người dân đi làm trở lại và tạo tiền đề cho sự phục hồi mạnh mẽ cho nền kinh tế vào mùa thu. Ông ấy sẽ tái đắc cử nếu kinh tế phục hồi với tốc độ tốt, nhưng rõ ràng đây không phải điều đang diễn ra", ông Moore nói.

Nhiều quan chức kinh tế trong Nhà Trắng tự hào về gói cứu trợ 2.000 tỉ USD ông Trump đã kí vào tháng 3. Họ cho rằng gói cứu trợ này – cùng với các biện pháp của Cục dữ trữ liên bang (Fed) – đã giúp nền kinh tế không bị sụp đổ dưới tác động của biện pháp phong tỏa.

Các trợ thủ khác của ông Trump trong Nhà Trắng thì cho rằng số phận của nền kinh tế gắn liền chặt chẽ với việc Mỹ kiểm soát Covid-19 tốt đến đâu.

Theo Politico, đội ngũ cố vấn chính trị của ông Trump vẫn cho rằng nền kinh tế sẽ là thông điệp tốt nhất cho cuộc vận động tranh cử, do ông Trump đã lãnh đạo đất nước trong giai đoạn tỉ lệ thất nghiệp thấp kỉ lục trước khi đại dịch bùng nổ. Họ muốn nhấn mạnh ý tưởng về nền kinh tế vững mạnh trong nhiệm kì tiếp theo của ông Trump để chỉ ra sự đối lập với các đề xuất của ông Biden.

Một thành viên Đảng Cộng hòa cho biết: "Có nhiều khả năng nền kinh tế sẽ hồi phục dưới sự dẫn dắt của Trump hơn là Biden. Thông điệp này cần được nhắc lại mỗi ngày để khắc sâu vào tâm trí mọi người. Như vậy, họ sẽ không đổ lỗi cho Trump về suy thoái, họ sẽ đổ cho virus".

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.