Giữa làn sóng "bài Trung", Thượng viện Mỹ tháng trước đã thông qua dự luật về cơ bản có thể cấm nhiều công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu của họ trên các sàn giao dịch Mỹ, hoặc huy động tiền từ các nhà đầu tư Mỹ.
Dự luật này sẽ yêu cầu các công ty đó chứng nhận "họ không thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của chính phủ nước ngoài", và phải chịu sự kiểm toán của các nhà quản lí Mỹ trong 3 năm liên tiếp. Nếu không, họ sẽ bị cấm giao dịch trên các sàn giao dịch.
Jesse Fried, giáo sư luật tại Trường Luật Harvard, nói với CNBC rằng trong khi mục tiêu của luật này là bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ, nhưng ông "không chắc rằng dự luật này sẽ thực sự làm điều đó cho các nhà đầu tư Mỹ tốt hơn, khi nó chưa xuất hiện".
Ông dẫn chứng chẳng hạn, cổ phiếu của tập đoàn công nghệ khổng lồ Alibaba sẽ ngừng giao dịch sau 3 năm nếu dự luật trở thành luật. "Theo quan điểm của tôi, rất khó có khả năng Trung Quốc sẽ cho phép các cuộc kiểm toán được thực hiện ở Trung Quốc đại lục. Điều này khiến giá cổ phiếu của các công ty này giảm. Những người kiểm soát có thể đưa các công ty này về mức giá rất thấp, gây bất lợi cho các nhà đầu tư Mỹ, và sau đó họ niêm yết lại ở Hong Kong hoặc Trung Quốc đại lục hay các nơi khác", Fried giải thích.
"Vì vậy, tôi nghĩ về mặt bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ, dự luật này nếu trở thành luật, có thể gây tác dụng ngược", Fried cảnh báo.
Khi được hỏi về hỏi những gì có thể được thực hiện để bảo vệ lợi ích cổ đông Mỹ, Fried bi quan: "Thật không may, tôi nghĩ rằng tiền mà các nhà đầu tư Mỹ đã trả cho cổ phiếu của các công ty Trung Quốc, đặc biệt là tiền đã quay trở lại Trung Quốc đại lục, về cơ bản là những tờ giấy không bao giờ gặp lại. Nhưng thực sự chúng ta không thể làm gì nhiều để bảo vệ họ tại thời điểm này".
Vị này khẳng định có "lí do chính đáng" để nghĩ dự luật không được thông qua. Ông dự đoán rằng Phố Wall sẽ phản đối. Dự luật chưa được đưa ra bỏ phiếu trong Nhà Trắng.
"Phố Wall sẽ vận động hành lang để cố gắng ngăn chặn nó, bởi vì nó kiếm được rất nhiều tiền từ danh sách các công ty Trung Quốc tại Mỹ. Họ có thể sẽ gây áp lực lên Nhà Trắng để ngăn chặn việc bỏ phiếu. Nhưng tôi nghĩ nếu nó được bỏ phiếu, mọi người sẽ rất khó phản đối, vì xu hướng 'bài Trung' đang rất mạnh mẽ", giáo sư nói.
Tâm lí "bài Trung" đã phát triển nhanh chóng ở Washington trong những năm gần đây, kể cả đảng Cộng hòa và Dân chủ. Trong vài tháng qua, quan hệ giữa hai nước đã không ngừng leo thang, từ cuộc chiến thương mại, đến một cuộc tranh cãi về nguồn gốc của Sars-CoV-2, và gần đây là đề xuất của Bắc Kinh về luật an ninh quốc gia ở Hong Kong.
"Nếu Nhà Trắng phê chuẩn dự luật, tôi nghĩ ông Trump tiến thoái lưỡng nan. Một mặt sẽ rất khó cho ông nếu dự luật không được thành hình. Mặt khác, Trump rất quan tâm đến việc duy trì tính ưu việt của các sàn giao dịch của chúng ta, và ông ấy không muốn thấy các công ty này sang Hong Kong, London hoặc Trung Quốc đại lục", giáo sư Fried dự đoán.
Theo Fried, việc các công ty Trung Quốc giao dịch ở Mỹ không phải là lợi ích của Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc có truyền thống ưa thích niêm yết ở Mỹ, do uy tín. Fried cho rằng Bắc Kinh không "đặc biệt quan tâm" đến việc này.
"Trung Quốc quan tâm đến việc xây dựng các sàn giao dịch của riêng mình, và thật tuyệt khi Alibaba niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch Thượng Hải, hoặc một sàn giao dịch khác của Trung Quốc đại lục. Điều đó có nhiều khả năng xảy ra, nếu họ bị hủy niêm yết tại các sàn giao dịch Mỹ", ông nói.
Bắc Kinh đang nỗ lực thu hút các công ty tốt nhất của mình niêm yết tại sân nhà. Năm ngoái, Trung Quốc ra mắt một hội đồng công nghệ mới theo phong cách Nasdaq - Hội đồng Đổi mới Khoa học và Công nghệ, hay "Thị trường SAO".
Trong những năm gần đây, Hong Kong cũngđã tìm cách tăng sức hấp dẫn của mình như một thị trường niêm yết bằng cách cho phép niêm yết thứ cấp cho các công ty Trung Quốc. Nó cũng giúp việc niêm yết dễ dàng hơn cho các công ty công nghệ sinh học không có doanh thu hoặc lợi nhuận.