Tỉ phú công nghệ vất vả trong làn sóng biểu tình Mỹ

Nhiều lãnh đạo công ty công nghệ đã phải hứng chịu sự chỉ trích, công kích cá nhân vì thể hiện quan điểm với phong trào đòi công bằng với người da màu.

Cái chết của George Floyd, một người Mỹ gốc Phi sau khi bị cảnh sát đè vào cổ đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại hơn 140 thành phố của Mỹ. Phong trào Black Lives Matters đòi lại quyền bình đẳng và chống phân biệt chủng tộc toàn thế giới đã gây ra nhiều xáo trộn trong giới công nghệ trên khắp nước Mỹ.

Tỉ phú công nghệ vất vả trong làn sóng biểu tình Mỹ - Ảnh 1.

Người biểu tình ở Portland, Oregon mô phỏng tư thế của George Floyd khi bị cảnh sát đè ngạt thở. (Ảnh: BBC).

Facebook lục đục vì hành động của Mark Zuckerberg

Trước những diễn biến của phong trào Black Lives Matter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng trên mạng xã hội Twitter nhằm bày tỏ sự tức giận của mình. Với các phát ngôn gây tranh cãi, Twitter lập tức có động thái dán nhãn cảnh báo, thậm chí để ẩn và hạn chế các tương tác với bài đăng của ông Trump.

Tỉ phú công nghệ vất vả trong làn sóng biểu tình Mỹ - Ảnh 2.

Phát ngôn của ông Trump được cho có xu hướng kích động bạo lực, khiến Twitter phải dán nhãn cảnh báo. (Ảnh: Twitter).

Như một thái cực trái ngược với đối thủ Twitter, nền tảng Facebook chọn con đường riêng cho mình với tư cách “kẻ đứng ngoài cuộc chơi”.

“Tôi tin rằng mạng xã hội Facebook không nên đứng ở vị trí kiểm duyệt và có trách nhiệm can thiệp những bài đăng trên mạng. Các công ty tư nhân, đặc biệt các công ty hoạt động trong lĩnh vực không nên nhúng tay vào chuyện đó”, Mark Zuckerberg trả lời phỏng vấn trên kênh Fox News.

Quyết định không can thiệp vào bài viết của Trump từ ban lãnh đạo Facebook, đặc biệt là Mark Zuckerberg đã khiến nhiều nhân viên nền tảng này thể hiện sự bức xúc, chỉ trích công khai. Không ít quan điểm cho rằng bài đăng của ông Trump vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook, trong đó nghiêm cấm các ngôn từ kích động bạo lực.

Theo New York Times, Giám đốc điều hành Facebook đã có cuộc họp nội bộ thông qua hình thức trực tuyến hôm 2/6 với nhân viên, phần lớn thời gian trong đó dành để trao đổi những vấn đề liên quan đến kiểm duyệt nội dung.

Tỉ phú công nghệ vất vả trong làn sóng biểu tình Mỹ - Ảnh 3.

CEO Facebook Mark Zuckerberg được cho là đang cố “lấy lòng” Nhà Trắng. (Ảnh: Twitter).

Giữ vững quan điểm, Mark Zuckerberg cho rằng bản thân ông đã đánh giá kĩ lưỡng các bài viết của ông Trump, và chọn cách không dán nhãn cảnh báo hoặc loại bỏ. Mark tin phán quyết này sẽ phục vụ mục đích đảm bảo quyền tự do ngôn luận với toàn cộng đồng, bao gồm cả những chính trị gia.

Theo The Verge, nhân viên Facebook đã có hành động phản đối những quyết định của CEO trên diễn đàn nội bộ. Hôm 1/6, nhiều nhân viên Facebook đã tổ chức một cuộc “biểu tình ảo” thông qua hình thức nghỉ việc.

“Tôi đang làm việc tại Facebook và không hề lấy gì làm tự hào về cách chúng tôi thực hiện. Phần lớn các đồng nghiệp của tôi đều cảm thấy như vậy. Đây là những gì chúng tôi muốn nói”, Jason Toff, Giám đốc Quản lí sản phẩm của Facebook bức xúc viết trên trang Twitter cá nhân.

Không những vấp phải làn sóng phản đối trong chính công ty, Facebook còn bị chính người dùng kêu gọi “tẩy chay” và nhận được nhiều ánh mắt nghi ngờ.

Đứng trước các sức ép của dư luận, Mark Zuckerberg cho biết công ty sẽ nghiên cứu và thảo luận lại bộ quy tắc của mình, đồng thời quyên góp 10 triệu USD cho các tổ chức hoạt động về bình đẳng chủng tộc.

CEO Amazon bị công kích vì ủng hộ phong trào

Trên Instagram ngày 8/6, vị tỉ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos đã chia sẻ một email ông nhận được từ một khách hàng chứa đầy ngôn ngữ thô tục.

Bức thư điện tử được gửi đến CEO Amazon có nguồn gốc từ một người đàn ông tên Dave, mang thông điệp chỉ trích việc Jeff Bezos công khai ủng hộ phong trào biểu tình Black Lives Matter.

“Tôi đã đặt mua các sản phẩm trên Amazon, cho đến khi phát hiện ra sự ủng hộ của ông với phong trào Black Lives Matter, tôi đã hủy hết đơn hàng của mình và chắc chắn rằng tôi không phải người duy nhất”, Dave chia sẻ trong nội dung email.

Tỉ phú công nghệ vất vả trong làn sóng biểu tình Mỹ - Ảnh 4.

Nội dung email Jeff Bezos nhận được ngập tràn những từ ngữ thiếu chuẩn mực. (Ảnh: @jeffbezos).

Bezos và ban giám đốc của Amazon đã lên tiếng ủng hộ phong trào Black Lives Mattes từ những ngày đầu tiên diễn ra, Amazon cũng hỗ trợ, quyên góp 10 triệu USD nhằm hỗ trợ các tổ chức hành động vì công lí và công bằng như NAACP.

Đây không phải lần đầu tiên địa chỉ email của CEO Amazon nhận được các bức thư công kích. Trên Instagram, Bezos đã viết trong một chú thích kèm với bài đăng của mình tố cáo những nội dung thô tục này được gửi vào hòm thư của ông hàng ngày. Vị CEO của Amazon cho rằng những vấn đề này nên được phơi bày thay vì che giấu trong im lặng.

“Tôi không hề cảm thấy tiếc nuối khi đánh mất một khách hàng hành xử như thế”, Bezos bình luận đáp trả việc Dave đe dọa sẽ hủy các đơn đặt hàng trên Amazon.

Tim Cook và Apple ghi điểm trong mắt công chúng

Trong suốt các cuộc biểu tình, nhiều thành phần quá khích của phong trào biểu tình Black Lives Matter đã lợi dụng tình hình hỗn loạn để đập phá, trộm đồ tại cửa hàng các thương hiệu lớn, trong đó có Apple Store.

Trước tình hình này, Apple đã phải đóng cửa nhiều cửa hàng bán lẻ tại Mỹ. Apple cho biết đây là động thái nhằm đảm bảo sự an toàn của nhân viên và khách hàng của mình, vì cửa hàng Apple là mục tiêu hấp dẫn với những kẻ hôi của.

Theo 9to5mac, có hơn 10 Apple Store đã bị cướp từ ngày 27/5 đến nay. Đáp lại việc này, Apple Store được bao vây kín bằng khung gỗ và ván để ngăn những nhóm bạo loạn đập phá.

Tỉ phú công nghệ vất vả trong làn sóng biểu tình Mỹ - Ảnh 5.

Các thông điệp về chống phân biệt chủng tộc được gửi gắm qua những hình dán trái tim nhiều màu. (Ảnh: Rhoda).

Bề mặt ván này nhanh chóng trở thành nơi những người biểu tình ôn hòa thể hiện chính kiến một cách văn minh. Tại Apple Store, thành phố Naperville, Illinois những người biểu tình ôn hòa đã phủ kín ván với các tờ ghi chú hình trái tim. Mỗi miếng dán mang một thông điệp tích cực về phong trào chống phân biệt chủng tộc.

Apple Store tại thành phố Minneapolis, Minnesota nơi diễn ra vụ việc của George Floyd thì chọn cách sơn đen toàn bộ các tấm ván. Nhiều tài khoản Twitter cho rằng đây là cách Apple ngầm ủng hộ cộng đồng người da màu chống lại nạn phân biệt.

Trong email gửi công ty, CEO của Apple Tim Cook lên án hành vi bạo lực của cảnh sát với George Floyd và khuyến khích nhân viên tạo ra "một thế giới công bằng hơn".

Trước tình trạng bất ổn và bạo loạn đang diễn ra, Tim Cook cho biết lịch sử phân biệt chủng tộc là kí ức buồn của nước Mỹ nhưng vẫn tồn tại đến ngày nay dưới nhiều hình thức. Không riêng bạo lực, vấn nạn này thể hiện qua hệ thống tư pháp, tỉ lệ bệnh tật bất tương xứng giữa người da màu so với cộng đồng khác, sự bất bình đẳng về phúc lợi và giáo dục.

Tỉ phú công nghệ vất vả trong làn sóng biểu tình Mỹ - Ảnh 6.

Tim Cook đang chứng tỏ cho thế giới thấy tài năng ứng phó của ông trước nhiều tình hình xã hội phức tạp. (Ảnh: Reuters).

"Để sống cùng nhau, chúng ta đang phải đứng lên bảo vệ lẫn nhau. Chúng ta đều nhận ra sự sợ hãi, tổn thương lẫn phẫn nộ sau hành động giết người vô nghĩa đối với George Floyd", Cook viết trong thư gửi đến nhân viên.

Bất chấp tình hình dịch bệnh và các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ. Giá cổ phiếu của Apple đang tăng cao kỉ lục và đạt đỉnh kể từ đầu năm 2020.

Giá cổ phiếu tăng mạnh cũng đã giúp Apple đạt giá trị thị trường 1.440 tỉ USD, tiếp tục là công ty đại chúng có giá trị thị trường lớn nhất thế giới hiện nay. Nhiều nhà phân tích thị trường dự đoán, nếu tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng này, Apple có thể cán mốc giá trị 2.000 tỉ USD trong vòng 3-5 năm tới.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.