Petrolimex báo lãi 733 tỉ đồng trong quý II

Petrolimex, đơn vị chiếm 49% thị phần bán lẻ xăng dầu Việt Nam báo lãi quí II/2020 với hơn 700 tỉ đồng sau khi lỗ đậm tới 1.813 tỉ đồng trong quí I. Luỹ kế 6 tháng, Tập đoàn vẫn còn lỗ 1.080 tỉ đồng, cách xa mục tiêu có lãi của năm.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí II/2020.

Quí II, Petrolimex lãi 733 tỉ đồng sau quí I lỗ đậm, hơn 17.000 tỉ tiền mặt - Ảnh 1.

Số liệu kinh doanh của PLX quí II và 6 tháng đầu năm (Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Quí II, Petrolimex đạt 26.709 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 46% so với cùng kì năm 2019.

Giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu nên hết quí II biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn được cải thiện từ 7,4% quí II/2019 nên 10,3% kì này.

Trong cơ cấu chi phí thì chi phí bán hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất, chủ yếu nằm ở chi phí chi phí nhân viên và dịch vụ mua ngoài.

Lợi nhuận gộp giảm 25% bên cạnh các chi phí gia tăng nên hết quí II doanh nghiệp báo lãi giảm 45% còn 733 tỉ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Petrolimex đạt 65.187 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 29% và lỗ sau thuế 1.080 tỉ đồng do quí I, Tập đoàn lỗ nặng tới 1.813 tỉ đồng.

Nguyên nhân quí I Petrolimex lỗ là do tác động kép từ giá dầu và dịch Covid-19. Cụ thể, giá dầu giảm từ trên 61 USD/thùng đầu năm xuống còn 20,48 USD/thùng cuối quí I đã ảnh hưởng đến giá vốn và phát sinh tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo qui định là 1.500 tỉ đồng.

Ngoài ra, sản lượng xăng dầu bán ra giảm 10% do ảnh hưởng của dịch bên và lợi nhuận một số đơn vị thành viên giảm so với cùng kì.

Năm 2020, Tập đoàn đặt mục tiêu 122.000 tỉ đồng doanh thu hợp nhất, 1.570 tỉ đồng lãi trước thuế. Sau nửa năm, Tập đoàn đã thực hiện được 53% mục tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi do lỗ trước thuế tới 911 tỉ đồng.

Trong ngành dầu khí, Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL - Mã: OIL) lỗ bán niên 355 tỉ đồng bên cạnh CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) cũng ghi nhận 6 tháng lỗ tổng cộng 4.255 tỉ đồng do tác động kép từ giá dầu và đại dịch Covid-19.

Tăng tồn kho trong bối cảnh giá dầu lập đáy gần hai thập kỉ

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Petrolimex đạt 59.344 tỉ đồng, giảm 2.418 tỉ đồng so với đầu năm. Tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kì hạn của Tập đoàn hết quí II là 17.144 tỉ đồng, chiếm 29% cơ cấu tài sản.

So với đầu năm thì hàng tồn kho cuối quí II đã giảm 24% còn 8.911 tỉ đồng. Đáng lưu ý, dù tồn kho giảm so với đầu năm nhưng khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho lại tăng từ 56 tỉ đầu năm lên 148 tỉ đồng.

Trong báo cáo ngành dầu khí phát hành giữa tháng 7, Chứng khoán VCBS nhận định năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến giá dầu Brent giảm sâu dưới 20 USD/thùng, cho thấy sự yếu kém trong cơ cấu thị trường xăng dầu hiện tại.

Theo Nghị định 83, tất cả các doanh nghiệp bán buôn xăng dầu phải dự trữ hàng tồn kho trong 30 ngày trong khi giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh cứ sau 15 ngày. Với sự sụt giảm đột ngột của dầu Brent trong quý I, hầu hết các nhà bán buôn đã ghi nhận một lượng lớn hàng tồn kho. 

So với cuối quí I thì Petrolimex đã tăng 32% lượng tồn kho còn hàng tồn kho của đối thủ PVOIL tăng tới 90%. Trong tháng 4, giá dầu ghi nhận mức thấp kỉ lục gần hai thập kỉ qua với 18,5 USD/thùng bình quân tháng sau đó hồi phục. 

Quí II, Petrolimex lãi 733 tỉ đồng sau quí I lỗ đậm, hơn 17.000 tỉ tiền mặt - Ảnh 2.

Diễn biến giá dầu 6 tháng gần đây (Nguồn: Investing.com).

Giá trị khoản phải thu cuối kì của Tập đoàn tăng nhẹ so với đầu năm lên 8.442 tỉ đồng.

Tổng nợ đi vay của Petrolimex tại ngày 30/6 đạt 15.368 tỉ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn và tương đương so với đầu năm.  

Hết năm 2019, Petrolimex có tổng cộng 5.500 cửa hàng trên toàn quốc với 2.700 cửa hàng bán lẻ và 2.800 cửa hàng là đại lý.

Đối thủ của Petrolimex là PVOIL có trên 3.500 cửa hàng xăng dầu trực tiếp quản lí, vận hành gồm 570 cửa hàng trực thuộc và 3.000 cửa hàng/đại lí nhượng quyền.

Trong lĩnh vực kinh doanh phân phối xăng dầu tại thị trường nội địa thì Petrolimex xếp thứ 1 với khoảng 49% thị phần còn PVOIL xếp vị trí thứ 2 với 21% thị phần.

Nguồn: Báo cáo ngành dầu khí của Chứng khoán VCBS phát hành ngày 13/7


chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.