Petrolimex lên tiếng khi một lãnh đạo bị bắt để điều tra về buôn lậu 200 triệu lít xăng giả

Petrolimex đã khẳng định sai phạm của ông Lương Đình Tiến, Giám đốc xăng dầu Long An, là hoạt động kinh tế, xã hội với tư cách cá nhân.
Petrolimex nói gì khi Giám đốc xăng dầu Long An bị bắt vì hành vi kinh doanh xăng giả - Ảnh 1.

Trụ sở của Công ty Xăng dầu Long An. (Ảnh: Người lao động).

Thông tin từ báo Đồng Nai, ngày 15/4, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Lương Đình Tiến, Giám đốc Công ty Xăng dầu Long An để điều tra về hành vi buôn lậu.

Cùng ngày, Công an Đồng Nai đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an tỉnh Long An tiến hành khám xét trụ sở Công ty Xăng dầu Long An tại địa chỉ Phường 2, TP Tân An, tỉnh Long An và thu giữ nhiều tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Theo cơ quan công an, trước khi bị bắt, các đối tượng trong đường dây này (bao gồm ông Lương Đình Tiến, Giám đốc xăng dầu Long An), đã tuồn ra thị trường hàng triệu lít xăng kém chất lượng do ông Phan Thanh Hữu cầm đầu.

Tính tới thời điểm hiện tại, Công an Đồng Nai đã khởi tố 41 bị can, thu giữ 10 tàu thủy, 6 xe bồn, 2,7 triệu lít xăng, 120 tỷ đồng tiền mặt, cùng nhiều tài sản có giá trị khác.

Trước sự việc trên, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã: PLX) đã phản hồi về trường hợp ông Lương Đình Tiến. Petrolimex cho biết sai phạm của ông Tiến là hoạt động kinh tế, xã hội với tư cách cá nhân. 

"Các sai phạm này nằm ngoài phạm vi chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm pháp lý ông Tiến được giao tại Công ty Xăng dầu Long An. Không liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nói chung và Công ty Xăng dầu Long An nói riêng", Petrolimex khẳng định.

Theo tập đoàn, toàn bộ nguồn xăng dầu Công ty Xăng dầu Long An kinh doanh đều do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cung cấp, các công ty thành viên không được phép nhập mua từ nguồn khác.

Công ty Xăng dầu Long An không cho thuê kho, phương tiện để sản xuất và vận chuyển liên quan đến đường dây sản xuất xăng giả.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết hiện đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và sẽ tiếp tục cung cấp thông tin tới công chúng và các cơ quan báo chí.

Trước đó, thông tin từ Công an tỉnh Đồng Nai, cơ quan này đã phát hiện một số cây xăng trên địa bàn tỉnh có biểu hiện mua bán xăng giả, kém chất lượng.

Lần theo dấu vết của các đối tượng mua bán, tiêu thụ xăng giả trên địa bàn Đồng Nai, công an đã phát hiện các đối tượng thành lập nhiều công ty vận chuyển, công ty mua bán xăng dầu, liên tục mở rộng quy mô hoạt động ra nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Thủ đoạn của các đối tượng này là sử dụng tàu biển có trọng tải lớn trực tiếp nhập xăng từ ngoài phao số 0, dùng các loại dung môi, hóa chất để pha chế thành xăng loại A95 kém chất lượng. 

Sau đó, chia ra cho các tàu, xà lan có tải trọng nhỏ để vận chuyển xăng về các kho chứa đã được các đối tượng xây dựng dọc theo các tuyến đường sông lớn ở nhiều tỉnh thành, từ đó cấp cho các xe bồn chở đến các cây xăng để tiêu thụ trên thị trường.

Hàng ngày, các đối tượng cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả, kém chất lượng ra thị trường. Tính từ tháng 8/2020 đến nay, các đối tượng đã cung cấp ra thị trường trên 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.